Khám phá thang máy tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô

TCTM – Vương cung thánh đường Thánh Phêrô là nhà thờ lớn nhất thế giới, nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng của Giáo hội Rome.

Thành quốc Vatican là một vùng lãnh thổ nằm trọn trong lòng thủ đô Roma nước Ý, được công nhận là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới cả về diện tích lẫn dân số (khoảng 764 người sinh sống trong năm 2023). Nơi đây còn được xem là thánh địa của Kitô giáo, giữ vai trò quan trọng đối với Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Trái ngược với diện tích lãnh thổ khiêm tốn chỉ 44 hecta, kiến trúc của Thành quốc Vatican hiện lên với sự bề thế cùng vẻ đẹp lộng lẫy đến từ các chi tiết chạm khắc ấn tượng và những kiệt tác hội họa kinh điển mang đậm dấu ấn của trường phái Phục Hưng và Baroque hoa lệ.

Chính sự hòa quyện giữa nghệ thuật điêu khắc và hội họa đã tạo nên những công trình trứ danh tại Thành quốc Vatican, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan mỗi năm. Nổi bật trong số các công trình tại Thành quốc Vatican chính là Vương Cung Thánh Đường Phêrô (gọi tắt là Nhà thờ Thánh Phêrô).

Theo Britannica, Nhà thờ Thánh Phêrô hiện nằm trên nền nhà thờ cũ, vốn được Hoàng đế La Mã Constantine cho xây dựng vào thế kỷ IV. Khu đất nhà thờ tọa lạc được cho là nơi an táng Thánh Phêrô, tông đồ trưởng trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu.

Đến cuối thế kỷ 15, Nhà thờ Thánh Phêrô cũ xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian dài bị bỏ hoang. Năm 1506 Giáo hoàng Julius II ra lệnh tháo dỡ nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới. Công việc xây dựng hoàn tất sau 109 năm với sự tham gia của bốn kiến trúc sư nổi tiếng Donato Bramante, Michelangelo, Carlo Maderno và Gian Lorenzo Bernini.

Trong suốt hàng thế kỷ, nhà thờ này không chỉ là trung tâm diễn ra các sự kiện quan trọng của Giáo hội mà còn là điểm hành hương của hàng triệu tín đồ, cũng như là địa điểm du lịch không thể thiếu đối với những ai yêu thích lịch sử, văn hóa và kiến trúc châu Âu.

Với diện tích lên đến hơn 22.000 m2, sức chứa tối đa lên đến 54.000 người, Nhà thờ Thánh Phêrô là một trong bốn nhà thờ được phong danh hiệu đại vương cung thánh đường tại Rome. Đồng thời, đây cũng là nhà thờ công giáo lớn nhất trên thế giới với số lượng khổng lồ các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Phục Hưng.  

Mặt tiền đồ sộ của thánh đường với các chạm khắc kiến trúc và điêu khắc tinh xảo cùng hàng chữ Latinh tạo điểm nhấn với ý nghĩa tôn vinh vị Thánh tông đồ đầu tiên.

Mặt tiền thánh đường được thiết kế với số lượng lớn các cột trụ có điểm nhấn đến từ kiến trúc mái vòm đồ sộ. Tượng chúa Giêsu cùng 12 vị sứ đồ được điêu khắc phía trên mỗi cột trụ góp phần gia tăng sự uy nghiêm và phức tạp cho tổng thể công trình. Ngoài ra, hai bên mặt tiền được đặt bức tượng của Thánh Phêrô và sứ đồ Phaolô như một lời đón chào các du khách đặt chân đến thánh đường linh thiêng.

Khám phá thang máy tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (13)

Sơ đồ tổng thể Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Quảng trường Thánh Phêrô 

Khám phá thang máy tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (14)

Sơ đồ Nhà thờ lớn (The Basilica) của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô

Khám phá thang máy tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (15)

Sơ đồ hệ thống các hang động (The Grottoes) nằm phía dưới Vương cung thánh đường Thánh Phêrô .

Sơ đồ Nhà thờ lớn (The Basilica - bên trái) và hệ thống các hang động (The Grottoes) nằm phía dưới Vương cung thánh đường Thánh Phêrô

Không gian bên trong có dạng hình thánh giá với gian giữa được kéo dài cho các băng ghế ngồi. Hai bên sảnh chính là hàng loạt các chapel (gian nguyện) và lăng mộ của các Giáo hoàng. Nơi đây lưu giữ những giá trị vô giá về lịch sử Giáo hội, từ các văn bản cổ, thánh tích, cho đến các bức tranh và bức tường khảm đá quý.

Toàn bộ nội thất được trang trí xa hoa bằng đá cẩm thạch, nhấn nhá cùng các điêu khắc kiến trúc dát vàng và các bức phù điêu của các vị thánh, thiên thần,…

Mái che bằng đồng bên trong Nhà thờ Thánh Phêrô do hai nghệ sĩ Italy Gian Lorenzo Bernini và Borromini thiết kế, được chế tạo từ 1623 đến 1634. Phần mộ Thánh Phêrô được cho là nằm dưới mái che cao 30 m này.

Lăng mộ của Thánh Phêrô nằm bên dưới bàn thờ chính của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô

Tại lối vào phía Bắc của thánh đường là nơi đặt tác phẩm điêu khắc Pietà (hay còn gọi là Đức Mẹ sầu bi) nổi tiếng của Michelangelo, được xem là một trong những bức tượng điêu khắc xúc động nhất trong lịch sử nhân loại. Tác phẩm miêu tả Đức Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu sau khi bị đóng đinh trên thập giá. Michelangelo đã hoàn thành bức tượng khi mới 24 tuổi, khắc từ một khối đá cẩm thạch nguyên khối.

Ngai tòa thánh Phêrô (The Cathedra of Saint Peter) được thực hiện bởi kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini từ năm 1657 đến năm 1666. Đây là một ngai vàng bằng đồng lớn bao quanh một chiếc ghế cổ, nhỏ hơn rất nhiều, đặt tại gian cung thánh của Vương cung Thánh đường. Theo tư liệu lịch sử, chính thánh Phêrô đã sử dụng chiếc ghế nhỏ này để ngồi giảng dạy các tín hữu.

Không gian bên trong được dát vàng lộng lẫy với các chạm khắc trang trí ấn tượng. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các buổi hành hương và phụng vụ hằng năm. 

Theo các tài liệu được ghi chép lại, Vương cung thánh đường Thánh Phêrô đã từng có 1 trục giếng dành cho tời nâng vào năm 1626, dù vậy cho tới năm 1900 nơi đây mới lắp đặt thang máy.

Hình ảnh tin tức năm 1960 ghi lại thang máy cổ đưa du khách lên gần Mái Vòm. Điều này chứng tỏ thang máy tại Nhà thờ Thánh Phêrô đã phục vụ công chúng ít nhất từ trước năm 1960.

Trung tâm thánh đường là Mái Vòm (The Dome) lớn nhất thế giới do kiến trúc sư Michelangelo Buonarroti thiết kế khi ông đã ngoài 70 tuổi, và sau khi ông mất, Mái Vòm tiếp tục được hoàn thành bởi Giacomo della Porta. Công trình Mái Vòm được xây dựng trong vòng 22 tháng (1588 – 1590) với 800 công nhân làm việc liên tục ngày đêm.

Đây là mái vòm lớn nhất thế giới được chạm khắc 16 vị giáo hoàng và các nhân vật đức tin như Chúa Kitô, Đức Mẹ Đồng Trinh…

Từ bên trong, ánh sáng tự nhiên đổ xuống không gian thánh đường qua các ô cửa mái vòm tạo nên một cảm giác vừa thiêng liêng vừa tráng lệ. Đây không chỉ là một thành tựu về kỹ thuật xây dựng mà còn là đỉnh cao của tư duy nghệ thuật Phục Hưng – kết hợp giữa toán học, ánh sáng, và tâm linh.

Không gian bên trong được dát vàng lộng lẫy với các chạm khắc trang trí ấn tượng. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các buổi hành hương và phụng vụ hằng năm. 

Mái Vòm có chiều cao 136,57 m tính từ mặt đất và đường kính 41,47 m, được thiết kế với các ô cửa sổ giúp hỗ trợ chiếu sáng cho không gian vào ban ngày. Hành trình leo lên Mái Vòm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô là một trải nghiệm tuyệt vời, nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Thành quốc Vatican, cảm nhận sự hòa quyện tuyệt vời giữa đức tin và nghệ thuật kiến trúc.

Mái Vòm của Nhà thờ Thánh Phêrô được xem như là nóc nhà của Thành quốc Vatican

Trong suốt nhiều thế kỷ, những ai muốn lên đến Mái Vòm của Nhà thờ Thánh Phêrô đều phải leo bộ hoàn toàn qua 531 bậc thang xoắn ốc chật hẹp. Đây từng là một hành trình đầy thử thách, chỉ dành cho những người có đủ sức khỏe và quyết tâm.

Dù vậy sau đó, một hệ thống thang máy đã được lắp đặt giúp chuyến hành trình trở nên nhẹ nhàng hơn và mở ra cơ hội cho nhiều người hành hương, du khách được chiêm ngưỡng cảnh quan Thành quốc Vatican tuyệt đẹp từ đỉnh Mái Vòm.

Quảng trường Thánh Phêrô nhìn từ đỉnh Mái Vòm. Được ví như “Trái tim của Vatican”, Quảng trường Thánh Phêrô tại thành quốc Vatican nổi bật với quy mô hoành tráng, kiến trúc uy nghiêm và nguy nga. 

Để trải nghiệm chuyến hành trình lên Mái Vòm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, du khách cần mua vé với mức giá được chia thành hai lựa chọn tùy theo phương thức di chuyển:

– 17 euro – Nếu chọn đi bộ toàn bộ quãng đường 551 bậc thang từ mặt đất lên đến đỉnh Mái Vòm. Đây là lựa chọn dành cho những người yêu thích thử thách và muốn trải nghiệm trọn vẹn từng bước của hành trình kiến trúc lịch sử.

– 22 euro – Nếu chọn sử dụng thang máy lên đến phần sân thượng, cạnh chân Mái Vòm (khoảng 231 bậc đầu tiên), sau đó tiếp tục đi bộ 320 bậc còn lại để lên đến đỉnh.

Biển chỉ dẫn lối đi tới khu vực tham quan Mái Vòm, du khách có thể lựa chọn leo thang bộ hoặc chọn kết hợp thang bộ và thang máy (Ảnh chụp giá vé tham quan năm 2020).

Thang máy được đặt bên phải tiền sảnh (Portico), đưa du khách lên sân thượng, cạnh chân Mái Vòm của Nhà thờ Thánh Phêrô. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng tận mắt những bức tranh khảm trên tần Mái Vòm do Michelangelo Buonarroti thực hiện. Sau đó, du khách tiếp tục đi bộ 320 bậc thang để lên đỉnh Mái Vòm và ngắm nhìn khung cảnh Vatican cũng như Quảng trường Thánh Phêrô – trái tim của Vatican từ trên cao.

Sau khi kết thúc hành trình di chuyển bằng thang máy, du khách sẽ đến khu vực sân thượng, nằm sát cạnh chân Mái Vòm. 

Bước vào bên trong Mái Vòm, du khách có thể ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật ở cự ly rất rần

Để leo lên đỉnh Mái Vòm, du khách sẽ phải leo 320 bậc thang tính từ khi kết thúc di chuyển bằng thang máy. Các bậc thang có thiết kế hẹp và dốc, nhiều khúc cua vì vậy không phù hợp với người mắc hội chứng sợ không gian hẹp và tiền đình

Toàn cảnh Vatican từ đỉnh Mái Vòm

Dù được hỗ trợ một phần bằng thang máy nhưng trải nghiệm tham quan Mái Vòm vẫn không được quy định không dành cho những người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, hội chứng sợ không gian hẹp, tiền đình, phụ nữ mang thai hay những người có khả năng di chuyển hạn chế.

Ngoài hệ thống thang máy hỗ trợ du khách tiếp cận những điểm tham quan trên cao, Nhà thờ Thánh Phêrô cũng trang bị một số hệ thống thang máy và đường ram dốc để phục vụ riêng cho du khách sử dụng xe lăn tiếp cận khu vực Nhà thờ lớn (The Basilica).

Các lối đi dành riêng cho người sử dụng xe lăn tại Nhà thánh Phêrô

Sự hiện diện của thang máy tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô không chỉ đơn thuần là một tiện ích hiện đại, mà còn là một minh chứng cho sự hòa quyện giữa bảo tồn giá trị lịch sử và đáp ứng nhu cầu của thời đại. Việc lắp đặt thang máy đã xóa bỏ rào cản về thể chất, mở ra cơ hội tiếp cận cho những người hành hương lớn tuổi, du khách gặp hạn chế về sức khỏe và thể chất.

Phần lớn các nghi lễ quan trọng như Giáng sinh đều được cử hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô. Trong những ngày qua, đây cũng là nơi đặt linh cữu Giáo hoàng Francis, người đã qua đời lúc 7h35 ngày 21/4/2025 tại Nhà Thánh Marta, để người dân có thể đến viếng. Tang lễ của Ngài cũng được cử hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô vào ngày 26/4/2025.

Trong 9 tiếng của ngày viếng đầu tiên Lễ tang của Giáo hoàng Francis, đã có hơn 25.000 người dân, tín đồ đã xếp hàng tại Quảng trường Thánh Phêrô để vào Vương cung thánh đường viếng Giáo hoàng.