TCTM – Với dịch vụ bảo trì Miri, thang máy có thể giảm 43% số lần ngừng hoạt động và hỏng hóc. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp khách hàng nhận biết chu kỳ thay thế linh kiện tối ưu và chuẩn bị các biện pháp ứng phó khi phát hiện tín hiệu bất thường.
Theo The Korea Times, ngày 1/6/2023, Tập đoàn Hyundai đã tổ chức sự kiện ra mắt dịch vụ bảo trì thang máy tiên tiến có tên gọi là Miri tại trụ sở chính của Công ty Thang máy Hyundai ở tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc.
Cụ thể, Miri được liên kết với IoT (Internet of Things – Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây và dữ liệu lớn (big data) cũng như công nghệ robot của Công ty Thang máy Hyundai.
Trong tiếng Hàn, Miri có nghĩa là “trước” và đây cũng chính là lời khẳng định cho cam kết của công ty trong việc mang đến sự hài lòng tốt nhất, trả lời vấn đề trước khi khách hàng yêu cầu.
Chủ tịch Tập đoàn Hyundai, bà Hyun Jeong-eun phát biểu
“Miri là sự kết hợp công nghệ tương lai và cũng là một ví dụ hàng đầu về quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành thang máy nhằm nâng cấp tốc độ dịch vụ và sự tiện lợi của khách hàng lên một tầm cao mới. Nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược toàn cầu trong tương lai của công ty”, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jeong-eun phát biểu.
Là một dự án quốc gia của Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc, Miri sử dụng công nghệ được phát triển trong khoảng hơn 33 tháng kể từ tháng 4/2020 để tăng thời gian hoạt động của thang máy. Thông qua đó, thời gian ngừng hoạt động do sự cố thang máy giảm tới 43%.
Trước đó, The Korea Economic Daily cũng đưa tin, một nhân viên của Hyundai Elevator cho biết công ty đã áp dụng công nghệ này cho 1.010 thang máy tại 47 địa điểm trên toàn quốc và giảm 43% số lần ngừng hoạt động và hỏng hóc so với một năm trước.
Các công nghệ chính được phát triển của Miri bao gồm mô hình đo lường tuổi thọ của linh kiện, dịch vụ phát hiện và phân loại lỗi, dịch vụ cảnh bảo trước khi phát hiện lỗi và cổng IoT dành riêng cho thang máy.
Những công nghệ này giúp khách hàng nhận biết chu kỳ thay thế linh kiện tối ưu và chuẩn bị các biện pháp đối phó khi phát hiện tín hiệu bất thường.
Hyundai cũng cho biết, trong trường hợp thang máy không hoạt động, dịch vụ bảo trì nâng cao sẽ thông báo sự cố cho các kỹ sư với các chi tiết cụ thể về lỗi, điều này có thể giảm đáng kể thời gian khắc phục sự cố.
Dịch vụ này cũng nổi bật với tính năng gọi thang máy từ xa Miri Call tích hợp với các hệ thống trợ lý AI như Siri và Bixby trên điện thoại thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi và nâng cao sự tiện lợi.
Trong khi đó, chức năng Miri View dựa trên công nghệ phân tích hình ảnh và nhận dạng giọng nói giúp đảm bảo an toàn cho khách hàng bằng cách thông báo ngay cho quản trị viên hoặc trung tâm khách hàng trong trường hợp khẩn cấp hoặc tình huống bất thường.
Các tính năng khác của Miri bao gồm hệ thống quản lý tòa nhà như hệ thống kết nối thang máy và robot, giải pháp an ninh và liên kết biển báo kỹ thuật số.
Trong những năm gần đây, ngành thang máy đã chứng kiến sự ra đời của thang máy thông minh và an toàn với công nghệ cảm biến tích hợp cùng IoT. Công nghệ cảm biến này có khả năng phân tích, kiểm soát và quản lý các chức năng khác nhau, bao gồm kiểm soát giao thông trên các tầng và liên lạc giữa các hệ thống.
Thang máy thông minh ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng của ngành.
Việc áp dụng công nghệ IoT và AI đã cải thiện hơn nữa tính thông minh của thang máy. Với IoT, thang máy hiện có khả năng kết nối với đám mây, nơi dữ liệu được phân tích và lưu trữ để bảo trì dự đoán. Các vấn đề bảo trì có thể được dự đoán nhanh chóng mà không cần sự can thiệp của con người.
Trong khi đó, AI giúp người vận hành và quản lý tòa nhà dự đoán các vấn đề và quản lý lưu lượng giao thông trong suốt vòng đời của thiết bị, dựa trên dữ liệu được thu thập từ việc sử dụng hằng ngày.
Theo bộ phận nghiên cứu thị trường của Exactitude Consultancy, giá trị thị trường thang máy thông minh toàn cầu dự kiến sẽ đạt 30,94 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate – tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) là 9% trong khoảng thời gian dự báo từ năm 2022 đến năm 2028.
Một số công ty trong thị trường thang máy thông minh bao gồm các công ty như Công ty Thang máy Otis, Tập đoàn Schindler, Tập đoàn KONE, Thyssenkrupp AG, Tập đoàn Mitsubishi Electric,…
Các công ty này đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các giải pháp thang máy thông minh tiên tiến, tiết kiệm năng lượng hơn, an toàn hơn và trải nghiệm người dùng được cải thiện.
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng IoT trong dịch vụ bảo trì thang máy cũng đã bắt đầu phát triển với một số đơn vị như Gama Service, KONE. Phía Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng đang trong quá trình lựa chọn đối tác để triển khai ứng dụng IoT vào dịch vụ bảo trì thang máy nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, rút ngắn thời gian khắc phục khi có sự cố.
Nhìn chung, thị trường thang máy thông minh dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng trong những năm tới. Với sự gia tăng của các tòa nhà thông minh và đô thị hóa ngày càng tăng, thang máy thông minh được thiết lập để trở thành một thành phần thiết yếu của hệ thống tòa nhà hiện đại.
Tích hợp IoT – Bước tiến vượt bậc trong công nghệ thang máy thông minh
Tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong sửa chữa, bảo trì thang máy
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật