Khi cân nhắc mua một sản phẩm hay lựa chọn một dịch vụ, chắc hẳn nhiều người sẽ dựa trên hai tiêu chí chất lượng và hình thức. Nhưng liệu rằng, chúng ta đã hiểu đầy đủ về tiêu chí chất lượng hay chưa? Đặc biệt là nhóm sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) thì tiêu chí chất lượng lại càng phải đặt lên hàng đầu vì bản thân nhóm hàng hoá này, mặc dù đã được vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường.
Vậy hàng hoá có chất lượng phải đáp ứng yêu cầu gì?
Theo quy định tại khoản 7 và khoản 9 Điều 3 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn năm 2006, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy là việc xác nhận và công bố đối tượng (Sản phẩm, hàng hoá; Dịch vụ;…) phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Người tiêu dùng chắc hẳn thường xuyên đọc được mô tả sản phẩm từ các doanh nghiệp với các cụm từ: “hàng đạt tiêu chuẩn”, “hàng được chứng nhận đạt chuẩn theo công nghệ”, “hàng đạt quy chuẩn”, “hàng chất lượng cao”,… Người tiêu dùng có thể lúng túng trước “rừng khái niệm” này. Vậy “quy chuẩn” và “tiêu chuẩn” thực chất hiểu sao cho đúng?
Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng đạt quy chuẩn kỹ thuật vẫn được phép lưu thông bình thường
Như đã phân tích ở trên, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy được thực hiện bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ,… thuộc đối tượng quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Không phải mọi sản phẩm đều phải chứng nhận và công bố hợp quy. Theo Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007, những sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) phải được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH về Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, thang máy được xếp ở vị trí thứ 21 và thuộc nhóm đối tượng bắt buộc phải được chứng nhận và công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường.
Tại Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, có 8 phương thức để chứng nhận hợp quy. Việc đánh giá sự phù hợp sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức:
– Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình;
– Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
– Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý;
– Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
– Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Phương thức chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy áp dụng theo phương thức 5, phương thức 7 hoặc phương thức 8.
Sản phẩm, hàng hoá nếu không được thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn trước khi đưa vào thị trường sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn về chất lượng và mức độ an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng. Chắc chắn, không một người tiêu dùng nào lại muốn đặt mình vào một trò chơi “may” – “rủi” với sản phẩm họ đã lựa chọn. Và cũng không ai mong muốn, bản thân chính là nơi thí nghiệm của nhà sản xuất vì trước đó họ đã “đốt cháy giai đoạn” và đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường.
Đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước:
Đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu:
Để xác định một sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 có được chứng nhận và công bố hợp quy hay không, người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt trên các sản phẩm có được dán dấu hợp quy hay không.
Hình dạng và kích thước của dấu hợp quy được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể yêu cầu nhà sản xuất cung cấp bản sao y bản chính tài liệu: Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy hoặc Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo quy định tại Thông tư 42/2019/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy (QCVN 02:2019/BLĐTBXH), yêu cầu đối với thang máy sản xuất trong nước, nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn này bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận.
Đồng thời, phải công bố hợp quy theo quy định và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nội dung chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy. Các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều.
Việc đánh giá chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy phải bao gồm các nội dung sau: Kiểm tra về các hồ sơ thiết kế, lý lịch thang máy. Thực hiện kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy.
Trên giấy chứng nhận hợp quy phải thể hiện được các thông tin về thang máy, bao gồm:
– Mã hiệu;
– Số chế tạo;
– Nhà chế tạo;
– Xuất xứ;
– Năm sản xuất;
– Đặc trưng kỹ thuật (Loại thang, tải trọng, vận tốc định mức, số điểm dừng, số lượng người cho phép trong thang máy).
Kết luận về sự phù hợp thiết kế của thiết kế thang máy hoặc các các bộ phận an toàn của thang máy phù hợp với các yêu cầu quy định tại quy chuẩn này.
Trong quá trình sử dụng, tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải lưu giữ Giấy chứng nhận hợp quy của thang máy.
Thực tiễn cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân quản lý và sử dung thang máy vẫn chưa nắm rõ hoặc không quan tâm đến các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy. Do vậy, rủi ro đã xuất hiện từ trước khi sản phẩm được đưa vào sử dụng. Chứng nhận hợp quy có thể được coi như “một sợi dây an toàn” cho các thiết bị có khả năng gây mất an toàn như thang máy, người tiêu dùng cần đặc biệt quan tâm.
Chính các thông tin được xác nhận trong quá trình hợp quy sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm, tránh được những tình huống doanh nghiệp sử dụng các thiết bị, bộ phận thật giả lẫn lộn, lắp ghép với nhau rồi bán cho khách hàng, gây nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Để chủ động và chắc chắn về thông tin chứng nhận hợp quy, người tiêu dùng có thể thực hiện các khuyến cáo của chuyên gia của Hiệp hội Thang máy Việt Nam:
– Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thang máy cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thang máy bản gốc để kiểm tra, tránh tình huống doanh nghiệp chỉ xin cấp được một bộ hồ sơ nhưng dùng nhiều bản sao để lừa dối khách hàng.
– Phương thức chứng nhận hợp quy (với thang máy là phương thức số 5, 7 hoặc 8) tùy thuộc vào cách thức sản xuất thang máy, nếu thang máy sản xuất đồng loạt có thiết kế các sản phẩm giống nhau toàn bộ thì thực hiện theo phương thức 5, còn thiết kế đơn chiếc thì thực hiện theo phương thức 8. Người tiêu dùng cần xác định rõ thiết kế thang máy mình mua là loại nào để kiểm tra chứng nhận.
– Kiểm tra toàn bộ bộ hồ sơ liên quan đến thang máy để xác nhận thông tin có thống nhất hay không, trong trường hợp thang máy nhập khẩu thì các giấy tờ như B/L (Bill of Lading), Packing List, Chứng nhận CO (Certificate of Origin), Chứng nhận CQ (Certificate of Quality and Quantity),… đều có các thông tin về thang máy, đơn vị mua sản phẩm và khách mua hàng.
– Để chắc chắn tuyệt đối, người tiêu dùng có thể nhờ những người có chuyên môn về kỹ thuật hoặc pháp luật kiểm tra và tư vấn tính chính xác về các thông tin sản phẩm.
Dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, hi vọng bài viết đã gợi mở và giải đáp phần nào những điều tưởng chừng như “mới mẻ” cho độc giả. Mỗi độc giả hãy luôn là người tiêu dùng thông minh để loại trừ rủi ro đến từ những điều không an toàn.
Trong trường hợp cần tư vấn, kiểm tra, xác minh thông tin về sản phẩm thang máy, người tiêu dùng có thể liên hệ Hiệp hội Thang máy Việt Nam qua số điện thoại: 024 73099868, email: contact@vnea.com.vn hoặc phản ánh đến Tạp chí Thang máy (hotline: 0989761499).
Nguyễn Dung - Thiết kế: Ánh Sáng
Thông tin mới cập nhật