TCTM – Các thông tin được xác nhận trong quá trình hợp quy thang máy sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cũng có thể đưa ra phương án giải quyết kịp thời đối với các sản phẩm hàng hóa không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.
Các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy thang máy là bắt buộc, nhưng không ít doanh nghiệp lại cố tình “ngó lơ”, ngang nhiên đưa sản phẩm chưa được hợp quy ra thị trường. Hay thậm chí, gần đây, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh bắt lãnh đạo Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Khu vực II do hành vi “làm khống” hàng loạt “Giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy chuẩn” cho các thiết bị máy công trình, trong đó có thang máy.
Vậy hợp quy thang máy là gì? Và tại sao phải hợp quy thang máy?
Theo quy định tại khoản 7 và khoản 9, Điều 3, Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2018 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chứng nhận hợp quy hay chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cũng tại khoản 2 điều này, Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Khác biệt giữa chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn
Việc chứng nhận hợp quy không bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường mà chỉ đánh vào một số hàng hóa cụ thể, trong đó có thang máy.
Vì thang máy là một trong những thiết bị thuộc nhóm 2 là nhóm đối tượng có nguy cơ gây mất an toàn và là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (nay là Bộ Nội vụ).
Theo quy định tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất cũng phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn này bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) chỉ định hoặc thừa nhận.
Sản phẩm, hàng hoá nếu không được thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn trước khi đưa vào thị trường sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn về chất lượng và mức độ an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng
Theo QCVN 02:2019, việc đánh giá chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy phải bao gồm các nội dung: Kiểm tra về các hồ sơ thiết kế, lý lịch thang máy; Kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy.
Cụ thể, các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có:
– Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có);
– Bộ hãm an toàn;
– Hệ thống phanh của máy dẫn động;
– Bộ khống chế vượt tốc;
– Bộ giảm chấn;
– Van ngắt/van một chiều
Trên giấy chứng nhận hợp quy phải thể hiện được các thông tin về thang máy, bao gồm:
– Mã hiệu;
– Số chế tạo;
– Nhà chế tạo;
– Xuất xứ;
– Năm sản xuất;
– Đặc trưng kỹ thuật (Loại thang, tải trọng, vận tốc định mức, số điểm dừng, số lượng người cho phép trong thang máy).
– Kết luận về sự phù hợp thiết kế của thiết kế thang máy hoặc các các bộ phận an toàn của thang máy phù hợp với các yêu cầu quy định tại quy chuẩn này.
Tại Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, có 8 phương thức để chứng nhận hợp quy. Phương thức chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy áp dụng theo phương thức 5, phương thức 7 hoặc phương thức 8.
Đối với thang máy sản xuất trong nước, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo hai phương thức:
Sản xuất hàng loạt: Chứng nhận theo Phương thức 5 – Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Sản xuất đơn chiếc: Chứng nhận theo Phương thức 8 – Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm.
Mẫu Giấy chứng nhận hợp quy thang máy
Đối với thang máy nhập khẩu, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo hai phương thức:
Nhập khẩu theo lô: Chứng nhận theo Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa nếu chúng được nhập khẩu hàng loạt.
Nhập khẩu đơn chiếc: Chứng nhận theo Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa.
Để xác định một sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 có được chứng nhận và công bố hợp quy hay không, người tiêu dùng có thể kiểm tra xem sản phẩm đã được gắn dấu CR chưa, nếu có dấu CR tức là sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.
Hình dạng và kích thước của dấu hợp quy được quy định tại Phụ lục I Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua thang máy có thể yêu cầu nhà sản xuất cung cấp Giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy chuẩn bản gốc để kiểm tra và bản sao y bản chính để lưu giữ. Tránh tình huống doanh nghiệp chỉ xin cấp một bộ hồ sơ nhưng dùng nhiều bản sao để lừa dối người tiêu dùng.
Bắt lãnh đạo trung tâm kiểm định cấp ‘khống’ hợp quy thang máy
Nở rộ trào lưu lắp thang máy với giếng thang hở – nguy hiểm khôn lường
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật