Không ít người tiêu dùng tham gia vào quá trình mua bán tài sản, ký kết hợp đồng nhưng thiếu kiến thức về pháp lý, dẫn đến gặp phải rủi ro bất lợi cho mình.
Cùng tìm hiểu về hợp đồng mua bán tài sản áp dụng đối với sản phẩm thang máy và các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán. Cùng đó là những lưu ý về các rủi ro pháp lý có khả năng xảy ra.
Chất lượng sản phẩm là sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua thang máy, tuy nhiên để nghiệm thu xem sản phẩm có đạt được đúng chất lượng thì người tiêu dùng cần dựa trên các căn cứ sau đây:
– Thỏa thuận của các bên về chất lượng sản phẩm thang máy không được thấp hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Theo đó, người tiêu dùng có thể đối chiếu các số liệu, thông tin mà doanh nghiệp cung cấp với QCVN để đối chiếu.
– Bên bán phải bảo đảm sản phẩm bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn. Sản phẩm phải đảm bảo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật doanh nghiệp đã cam kết.
– Kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy từ các đơn vị được cấp phép (bắt buộc lần đầu trước khi vận hành) sẽ giúp xác định chất lượng sản phẩm theo QCVN, xác nhận hồ sơ, lý lịch về nguồn gốc, xuất xứ,… Ngoài ra bên mua cũng có thể nhờ đơn vị kiểm định xác nhận chất lượng đối chiếu với các tiêu chuẩn kỹ thuật mà bên bán cam kết.
– Bên mua cần tìm hiểu về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn thang máy để đảm bảo lựa chọn sản phẩm của mình là phù hợp. Cùng đó là thực hiện đúng quy định về kiểm định để xác minh chất lượng sản phẩm. Bên mua không nên vì giá cả, chi phí mà lựa chọn đơn vị cung cấp thang máy không tuân thủ đúng quy định.
Khi giao kết hợp đồng, điều khoản vi phạm và bồi thường thiệt hại là những điều khoản quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Các bên cần lường trước các rủi ro và quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có.
Theo đó, bên mua nên đề xuất các điều khoản vi phạm và bồi thường thiệt hại sau với bên bán để hai bên cùng thảo luận, thống nhất:
– Thời hạn thực hiện hợp đồng và phạt chậm tiến độ.
– Trách nhiệm giao sản phẩm đồng bộ, đúng chủng loại và đúng số lượng của bên bán, theo đó là điều khoản đổi – trả – bồi thường thiệt hại do vi phạm các điều khoản trên.
– Nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa sản phẩm trong thời hạn bảo hành và bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán bảo hành sản phẩm, tức là nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của sản phẩm thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi sản phẩm có khuyết tật lấy sản phẩm khác hoặc trả lại sản phẩm và lấy lại tiền. Ngoài ra, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của sản phẩm gây ra trong thời hạn bảo hành.
– Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó. Nếu bên bán không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Từ những điều khoản phạt vi phạm và bồi thường trên, ta có thể thấy được tính thiết yếu của bảo lãnh tài chính.
Bảo lãnh tài chính (Financial Guarantee) là hợp đồng của bên thứ ba (bên bảo lãnh) để trả lại khoản nợ của bên thứ hai (chủ nợ) cho các khoản thanh toán của họ cho bên rút nợ cuối cùng (nhà đầu tư).
Theo đó, giữa bên bán và bên mua nên có một đơn vị thứ 3 có thẩm quyền và đủ tính pháp lý để bảo lãnh tài chính. Việc này đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.
Đã có tình huống, sau khi người tiêu dùng ký kết hợp đồng và thanh toán tiền cọc đợt đầu cho đơn vị cung cấp thang máy thì đơn vị đó “bốc hơi” khỏi thị trường. Ngay cả khi bên mua đã nhận được sản phẩm và lắp đặt vận hành rồi, dù thời gian bảo hành sản phẩm còn dài 2 – 3 năm nhưng doanh nghiệp đã biến mất, sản phẩm chất lượng kém, vận hành không ổn định. Một bộ thang máy cũng như một ngôi nhà, không dễ dàng thay thế, sửa chữa lớn. Tiền mất, tật mang, bên mua không có “khúc gỗ” nào để bám víu.
Cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp vận hành theo kiểu “giật gấu vá vai”, không có đủ khả năng tài chính – vốn là một phần trong năng lực hiện trường mà doanh nghiệp cần có – dẫn đến chậm tiến độ, chiếm dụng vốn,…
Trong các tình huống đó, nếu có đơn vị bảo lãnh thì bên mua hoàn toàn có thể yên tâm, chỉ cần cung cấp thông tin về việc vi phạm hợp đồng của bên bán là có thể lấy lại tiền của mình hoặc nếu bên bán không thực hiện đúng trách nhiệm thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện các nghĩa vụ thay thế để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Có thể nói, lựa chọn thêm đơn vị bảo lãnh là biện pháp tối ưu nhằm tránh các rủi ro tài chính.
Thang máy là sản phẩm đặc thù vừa cần tuân theo các quy định của hợp đồng mua bán thông thường, vừa cần tuân theo hợp đồng xây dựng do có yếu tố lắp đặt, thi công dài hạn. Vậy nên, bên mua có thể thỏa thuận với bên bán về các loại bảo lãnh sau:
Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là biện pháp bảo đảm trong quá trình thực hiện hợp đồng do tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh việc thực hiện thay các khoản nợ đúng, đầy đủ theo phần nghĩa vụ của bên được bảo lãnh được ghi nhận trong hợp đồng với bên nhận bảo lãnh.
– Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
– Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả,…
– Giá trị bảo lãnh thực hiện do các bên thỏa thuận, được quy định là từ 2% – 10% giá trị hợp đồng, nhưng theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT, tại biểu mẫu Bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với hình thức chào hàng cạnh tranh có nêu giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng là từ 2% – 3% giá trị hợp đồng.
Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng là hình thức ràng buộc mang tính pháp lý để bên bán không vi phạm hợp đồng, không vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng và đảm bảo bên bán sử dụng khoản tiền tạm ứng đúng mục đích với thời gian tạm ứng bằng thời gian thực hiện hợp đồng.
Mức tiền bảo lãnh tạm ứng cũng do các bên tự thỏa thuận, quy định về mức thấp nhất bằng:
– 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng thi công công trình xây dựng có giá trị trên 50 tỷ đồng;
– 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng tư vấn có giá trị trên 10 tỷ đồng, hợp đồng thi công công trình xây dựng có giá trị từ 10 tỷ đến 50 tỷ đồng;
– 20% giá hợp đồng đối với hợp đồng tư vấn có giá trị đến 10 tỷ đồng, hợp đồng thi công công trình xây dựng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Bên bán phải sử dụng tiền bảo lãnh tạm ứng đúng mục đích, đối tượng, có hiệu quả theo thỏa thuận trong hợp đồng, nghiêm cấm việc quy định tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, đối tượng của theo hợp đồng đã ký kết.
Bảo lãnh bảo hành là biện pháp đảm bảo được ưu tiên áp dụng trong quá trình áp dụng hợp đồng xây dựng. Việc bảo đảm thực hiện hợp đồng, mà cụ thể ở đây là nội dung về bảo lãnh bảo hành phải được bên nhận thầu nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng nội dung đã thỏa thuận của các bên.
Việc bảo lãnh bảo hành phải được thực hiện theo mẫu được bên giao thầu chấp thuận, đồng thời có hiệu lực đến thời điểm bên nhận thầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Khi hợp đồng xây dựng đã có hiệu lực mà bên nhận thầu không thực hiện hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm nội dung của hợp đồng thì bên nhận thầu sẽ không được nhận lại số tiền đã đảm bảo thực hiện hợp đồng, mà ở đây là nhận lại tiền bảo lãnh, bảo hành.
Mức bảo lãnh bảo hành thực hiện hợp đồng thường được xác định trong khoảng từ 2% đến 10% giá trị của hợp đồng. Giá trị bảo lãnh bảo hành hợp đồng, trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu rủi ro, có thể được tăng lên nhưng không quá 30% giá của hợp đồng nhưng phải có sự chấp thuận của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Không chỉ người mua có nguy cơ gặp rủi ro mà người bán nhiều khi cũng gặp phải những khách hàng không uy tín.
Nhiều doanh nghiệp cũng thường gặp phải tình cảnh trớ trêu khi khách hàng không có khả năng thanh toán hợp đồng. Đặc biệt đối với sản phẩm thang máy thường được chia ra các giai đoạn thanh toán chứ ít khi thanh toán 100% ngay từ ban đầu, thậm chí có những doanh nghiệp chấp nhận điều kiện thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng sau khi hoàn tất bàn giao sản phẩm.
Với một sản phẩm thang máy, ngoài khoản tiền cọc bên mua đã thanh toán đợt đầu, các chi phí về sản xuất, vận chuyển,… đều do doanh nghiệp đầu tư trước. Tình huống đã bàn giao sản phẩm nhưng không quyết toán được với khách hàng, tồn đọng vốn, khó phát triển các dự án, hợp đồng tiếp theo xảy ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong tình huống đó, hai bên có thể thương thảo với nhau về một đơn vị bảo lãnh tài chính hoặc bảo lãnh tài sản, bên thứ 3 có thể đứng ra bảo lãnh hoặc thu trước giá trị của hợp đồng mua bán. Sau đó, theo các giai đoạn của hợp đồng mà bên bán có thể đảm bảo được thanh toán hợp đồng đúng theo lộ trình và giá trị. Tuy hình thức bảo lãnh có lợi cho bên bán này hiện nay chưa phổ biến, nhưng các doanh nghiệp có thể tham khảo để đảm bảo quyền lợi của mình.
Cả bên bán và bên mua cũng cần xác minh tính uy tín của đơn vị bảo lãnh, tránh cả hai bên đều gặp rủi ro tài chính từ bên thứ ba hoặc các thủ tục pháp lý không minh bạch.
Với sản phẩm có giá trị cao và liên quan trực tiếp đến tính an toàn kỹ thuật, an toàn lao động như thang máy, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều nên tìm hiểu chi tiết các thông tin pháp luật, cùng đó là tham khảo các chuyên gia kỹ thuật, tài chính để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên./.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật