TCTM – Nhờ vào quá trình đô thị hóa và xu hướng phát triển theo chiều dọc, số lượng thang máy, thang cuốn trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể trên khắp các quốc gia, khu vực trên thế giới. Sự phát triển này cũng kéo theo những nỗi lo ngại liên quan tới vấn đề đảm bảo an toàn đối với hệ thống thang máy cũ đã hoạt động lâu năm.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA) tại hội thảo tháng 10/2023 ở Hà Nội, các quốc gia tại khu vực này chiếm khoảng 16% số lượng thang máy và thang cuốn toàn cầu đang được sử dụng hiện nay, tương đương với khoảng 3,5 triệu thang.
Tại nhiều quốc gia, hơn 40% đơn vị thang máy trên đã hoạt động trong suốt 25 năm trở lên và chỉ một phần nhỏ trong số đó được hiện đại hóa để đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn mới nhất.
Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới các vụ việc mất an toàn thang máy, thang cuốn hay thậm chí còn dẫn tới những hậu quả thương vong hằng năm xảy ra đối với cả người sử dụng lẫn công nhân, người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Vấn đề trên là một trong những nội dung quan trọng được ông Eric Darmenia – Thư ký PALEA, kiêm Cố vấn cấp cao Tập đoàn Jardine Schindler Úc đề cập trong tham luận “Thang máy cũ và vấn đề bảo trì, hiện đại hóa” tại Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA diễn ra ngày 5/10 vừa qua tại Hà Nội.
Hay theo thông tin do ông Tse Man Ho – Chuyên gia Kỹ thuật Cục Dịch vụ Cơ điện Hồng Kông (EMSD) cung cấp tại hội thảo, Hồng Kông có hơn 9.000 tòa nhà cao tầng, chính bởi vậy, sự an toàn của hệ thống thang máy và thang cuốn là cực kỳ quan trọng ở “đô thị thẳng đứng” này.
Tình trạng thang máy cũ tại Hồng Kông. Nguồn: EMSD
Với sự phát triển nhanh chóng của các tòa nhà cao tầng, vấn đề thang máy cũ cũng là một trong những mối lo ngại tại đây. Theo số liệu tại hội thảo, Hồng Kông có khoảng 71.000 thang máy, trong đó có khoảng 61% thang máy đã hoạt động từ 21 năm trở lên.
Trong số hệ thống thang máy đang hoạt động hiện tại thì có khoảng 43.000 thang máy cũ không được trang bị các thiết bị an toàn cần thiết như: Hệ thống phanh dẫn động 2 má; Hệ thống chống thang di chuyển bất thường (UCMP); Bảo vệ cabin vượt tốc chiều lên (ACOP).
Và tại Việt Nam, với hệ thống 400.000 thang máy, thang cuốn và băng tải chở người đang hoạt động mỗi ngày, cùng nhu cầu lắp đặt mới hằng năm khoảng 35.000 chiếc, Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi lo chung về cuộc khủng hoảng thang máy “già”, “lỗi thời” trong tương lai gần. Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có quy chuẩn nào về các thiết bị an toàn bổ sung cho hệ thống thang máy hiện tại như UCMP hay ACOP cũng như các thiết bị an toàn mới khác.
Theo thống kê so sánh vòng đời của thang máy, thang cuốn và một số thiết bị vận chuyển khác như ô tô, máy bay, tàu hay cáp treo thì thang máy, thang cuốn nổi bật với vòng đời trên 30 năm. Trong khi đó, các thiết bị như tàu, cáp treo có vòng đời trên 25 năm, máy bay có vòng đời trên 15 năm,…
Theo ông Eric Darmenia, có thể thấy thang máy và thang cuốn là một trong những phương tiện vận chuyển có vòng đời lâu nhất, dài nhất khi so với một số thiết bị vận chuyển khác. Tuy nhiên, vòng đời dài này cũng đặt ra những thách thức lớn chẳng hạn như phải thực hiện thường xuyên hơn công tác bảo trì, sửa chữa thang máy với các linh kiện, thiết bị đã được thiết kế, lắp đặt từ 20 – 25 năm trước đây.
Vòng đời trung bình của một số thiết bị vận chuyển. Nguồn: Tham luận Thư ký PALEA Eric Darmenia
Tiêu chuẩn và quy chuẩn thang máy thường xuyên được thay đổi và cập nhật để bám sát với tốc độ phát triển công nghệ ngày càng hiện đại. Thế nhưng, các hệ thống thang máy cũ được lắp đặt theo các tiêu chuẩn lỗi thời, đưa ra các yêu cầu an toàn thấp hơn so với các tiêu chuẩn hiện đại ngày nay, chẳng hạn như không có UCMP, ACOP, EmCall hay hệ thống cứu hộ tự động,… Việc bảo trì phải theo kịp tốc độ cải tiến an toàn lao động, nhưng các thiết bị thang máy cũ lại không hỗ trợ điều này.
Sẽ tới lúc việc tiếp tục sửa chữa các bộ phận thang máy từ năm này qua năm khác không còn ý nghĩa về mặt tài chính hay hậu cần. Các cuộc gọi dịch vụ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, linh kiện thay thế cũng trở nên khó tìm hơn và thời gian thang máy dừng hoạt động vì sự cố cũng trở nên dày đặc hơn. Do vậy, ngành thang máy Việt Nam cũng như thế giới sẽ cần một giải pháp tổng thể và triệt để nhằm giải quyết các vấn đề này.
Và những chiếc thang máy “già cỗi” vẫn có thể trở nên an toàn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, đáng tin cậy và thoải mái hơn thông qua việc bảo trì thường xuyên và thông qua các cải tiến như hiện đại hóa và cập nhật công nghệ kỹ thuật mới giúp tăng hiệu suất, đưa chúng trở lại trạng thái “hiện đại nhất”.
Ngoài ra, với sự phát triển của IoT, hệ thống giám sát, quản lý thang máy hiện đại và bảo trì phòng ngừa chủ động chuyên nghiệp, các công ty thang máy cho rằng những giải pháp này có thể giảm tới 60% số lần bảo trì, sửa chữa thang máy.
Hiện đại hóa thang máy hiện có là một lựa chọn bền vững, tạo ra các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội đáng kể cho các cá nhân, xã hội nói chung và Trái Đất
Việc thay thế toàn bộ hệ thống thang máy cũ hiện có bằng thang máy mới đòi hỏi chi phí đầu tư cao và đây cũng không phải là một giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, hiện đại hóa, nâng cấp thang máy không chỉ giúp tăng cường sự an toàn tổng thể, hiệu suất và tính thẩm mỹ của thiết bị mà còn đảm bảo việc không tiêu tốn nguồn lực xã hội, hướng tới một “nền kinh tế tuần hoàn” mang lại lợi ích cho các bên.
Theo dự báo của Research and Market, quy mô thị trường hiện đại hóa thang máy cũ toàn cầu được định giá hơn 7.781 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 19.941 triệu USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR hằng năm là 9,4% trong giai đoạn 2021 – 2030.
Thị trường hiện đại hóa thang máy toàn cầu cũng được dự đoán sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội do mối lo ngại về an toàn thang máy ngày càng tăng và các công nghệ mới liên tục được giới thiệu trên thị trường như Internet vạn vật (IoT). Và đây cũng có thể sẽ trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn khi thị trường lắp mới rơi vào bão hòa.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật