Sau hơn một thập kỷ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho mọi quốc gia, mọi lĩnh vực: Chuyển đổi số hay thất bại? Ngành thang máy nói chung, cộng đồng doanh nghiệp thang máy nói riêng cũng đứng trước thách thức không nhỏ này. Chúng ta sẽ thành công hay trở thành nạn nhân của nền kinh tế số?
Nếu ở năm 1999, khách hàng trên thế giới phải trả tới 8 tỉ đô la Mỹ để có được 21,6 tỉ bức ảnh thì đến năm 2013, người dùng có thể khoe nhau 21,9 tỉ tấm ảnh trên mạng xã hội với giá 0 đồng. Sự tương phản của 2 con số kể trên đã cho thấy được lý do biến mất của Kodak chính là họ không nhìn ra được thị trường thay đổi và không số hóa nền công nghiệp phim ảnh.
Thực tế cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cụ thể hơn là Chuyển đổi số đang diễn ra từng giờ, từng phút và là xu thế tất yếu của dòng chảy kinh tế thế giới. Kodak đã quá bảo thủ, ngủ quên trên chiến thắng, biến mình thành nạn nhân “ếch” trong hội chứng dưới đây.
Người ta thực hiện một thí nghiệm. Nếu một con ếch được cho thẳng vào nồi nước sôi, nó sẽ nhảy vọt ra ngoài ngay lập tức. Nhưng nếu cho ếch vào nồi nước lạnh, đun nóng từ từ đến khi sôi thì con ếch sẽ không nhận ra mức độ nguy hiểm đang tăng dần và sẽ chết. Đây chính là hội chứng “luộc ếch”.
Tư duy bảo thủ trước xu thế của Cách mạng 4.0 khiến thương hiệu và doanh thu Kodak
bẻ lái xuống mặt đất
Những bài học khi thế giới thực hiện Chuyển đổi số đã cho Việt Nam những kinh nghiệm sâu sắc để tránh mắc phải sai lầm, rủi ro. Tuy nhiên, trên thực tế thì nghiên cứu của Đại học RMIT tại Việt Nam đã chỉ ra có tới 80% số doanh nghiệp được cho là không thành công trong Chuyển đổi số do nhân tố con người: Thiên về công nghệ mà bỏ quên xây dựng năng lực quản trị.
Nền kinh tế số đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp trong ngành thang máy phải nhanh chóng hội nhập vào cuộc chơi lớn: Chuyển đổi số. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng đẩy doanh nghiệp ngành thang máy vào khó khăn trong suốt hai năm vừa qua và dự kiến sang năm 2022 cũng chưa thể có sự bứt phá mạnh mẽ. Nhưng trong “Nguy” lại có “Cơ” bởi chính khoảng thời gian này đã có không ít doanh nghiệp tái cấu trúc, định hình lại tổ chức và mô hình doanh nghiệp. Một ví dụ cụ thể và trực quan nhất đó chính là chuyển đổi từ cách làm việc truyền thống tại văn phòng thành hình thức làm việc trực tuyến qua Internet. Doanh nghiệp buộc phải tiến hành số hóa nhiều dữ liệu và đưa chúng lên “đám mây” để sử dụng chung. Ứng dụng công nghệ thông tin trở thành phương tiện không thể thay thế. Chính những điều đơn giản như thế đã buộc các lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động phải tích cực thay đổi tư duy và phương thức làm việc hiện đại hơn. Kinh tế số đã khiến cho ranh giới giữa việc nâng cao kỹ năng để tồn tại hoặc bị đào thải trở nên mong manh hơn trước.
Doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà với Chuyển đổi số do nhiều rào cản
Một doanh nghiệp trong ngành thang máy chia sẻ, trong hai tháng 7, 8/2021 khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã tăng các chiến dịch quảng cáo đến 40% so với thời điểm trước đó. Rõ ràng, khi các điểm chạm khách hàng “offline” bị hạn chế thì chiến lược tăng khả năng tiếp cận khách hàng trên không gian mạng chính là điều cấp thiết. Song song với đó, việc tích cực thay thế các phương thức thanh toán truyền thống tiền mặt, séc,… bằng thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng – giải quyết khiếu nại đa kênh,… đã mang lại những hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số đã chứng minh nó là một xu thế tất yếu.
Theo FSI, một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm về Chuyển đổi số thì không ít doanh nghiệp có cách nhìn nhận chưa đầy đủ hoặc nhầm lẫn. Đơn cử như có doanh nghiệp mới tiến hành được việc số hóa tài liệu, giấy tờ, đưa dữ liệu lên “đám mây” trong khi mô hình hoạt động vẫn chưa đổi mới nhưng lại tin mình đã thành công trong Chuyển đổi số. Kỳ thực, họ mới đang bắt đầu ở nấc thấp nhất hoặc nấc thứ hai của một quá trình cần nhiều công sức và phức tạp này.
Khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho thấy: 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào. Thực tế này đặt ra vấn đề cần tư duy đúng và đủ về Chuyển đổi số.
Chuyển đổi số cơ bản trong doanh nghiệp phải thực hiện theo từng giai đoạn từ dưới lên trên
Số hóa (Digitization) là thuật ngữ dùng để mô tả việc chuyển đổi các tài liệu dạng vật lý sang định dạng số. Bằng cách đó, doanh nghiệp cho phép đưa nội dung số hóa vào quy trình làm việc của tổ chức. Chẳng hạn như để tự động hóa các quy trình hoặc cung cấp cho mọi người quyền truy cập thông tin. Ở cấp độ này, các bộ phận triển khai riêng lẻ, dữ liệu có thể chuyển giao kết nối.
Khai thác cơ hội số (Digitalization) được xem là một bước tiến của số hóa (Digitization). Digitalization còn được gọi là “số hóa quá trình”, “số hóa tổ chức” hay “số hóa doanh nghiệp”, là cấp độ dùng các công nghệ số kết hợp dữ liệu đã được số hóa trước đó để tối ưu hóa hoạt động các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chuyển đổi số (Digital Transfomation) là giai đoạn các hệ thống kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp được kết nối và tích hợp đồng bộ với nhau. Thông tin chia sẻ xuyên suốt giữa các phòng ban và theo thời gian thực. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư nhiều vào các sáng kiến để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra các giá trị mới và bứt phá.
Chuyển đổi số sẽ không thể có chuyện làm tắt quy trình mà buộc phải tuần tự hoàn thành từng nấc và là đỉnh cao của quá trình này. Và trong quá trình đó, sẽ đặt ra yêu cầu tự chuẩn hóa “offline” ngay trong nội tại doanh nghiệp, gián tiếp nâng cao năng lực từng bước để tiến lên Chuyển đổi số. Khi hoàn thành Chuyển đổi số, vô hình chung đã khiến mô hình và cách thức vận hành của doanh nghiệp đã thay đổi. Doanh nghiệp đã hoàn toàn tham gia vào dòng chảy của Kinh tế số với những cơ hội vô cùng rộng mở.
Hãy thử tưởng tượng thế này, doanh nghiệp của bạn đã lắp đặt hàng nghìn chiếc thang máy trên khắp lãnh thổ của dải đất hình chữ S, thậm chí ở Hồng Kông hoặc quốc đảo nào đó xa xôi. Khi thang máy khách hàng có bất cứ vấn đề gì, tín hiệu sẽ được chuyển tới trung tâm thông tin đặt tại Hà Nội. Chỉ cần một kỹ sư trực hệ thống có thể xử lý sự cố cho khách hàng ở khoảng cách xa hàng nghìn ki-lô-mét nếu đó là lỗi phần mềm. Quá trình bảo trì, sửa chữa cơ học mới cần có sự can thiệp trực tiếp từ kỹ thuật viên được bố trí tại mỗi khu vực. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nguồn lực, hiệu quả và chất lượng dịch vụ sẽ như thế nào nếu đạt được mức độ này?
Nhưng để làm được như vậy thì không gì khác là phải: Chuyển đổi số. Trong đó, lựa chọn công nghệ và xây dựng năng lực quản trị phải tiến hành song song.
Có ba công nghệ số điển hình thúc đẩy Chuyển đổi số trong ngành thang máy là Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Block Chain đã được dự báo là xu hướng trong tương lai, nhưng chúng ta tạm thời sẽ không đề cập ở đây.
Internet vạn vật – IoT là mạng kết nối nhiều thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ phần cứng được gắn trong thiết bị, cụ thể ở đây là thang máy. Khi đó, thang máy, máy tính cá nhân, thiết bị di động của người sử dụng, hệ thống thông tin của tòa nhà hay đơn vị bảo trì,… tất cả đều được kết nối thông qua lợi ích chia sẻ của mạng Internet. Thang máy lúc này đã trở nên thông minh hơn.
Một khi có IoT thì sẽ sinh ra một lượng dữ liệu khổng lồ, vô cùng phức tạp mà người ta gọi là Big Data. Big Data chính là tài sản thông tin của ngành, của doanh nghiệp, mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu siêu lớn, đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới để xử lý. Khi đó, các trường thông tin ẩn sâu trong dữ liệu mới được khai thác và tối ưu hóa trong quá trình xử lý dữ liệu. Hãy hình dung khi thang máy có IoT, thông tin về thang máy sẽ luôn được cập nhật 24/7 để đưa ra các vấn đề cần phải giải quyết như: cảnh báo lỗi hay kế hoạch bảo trì có tính dự báo. Khi đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tổng hợp, phân tích, thấu hiểu hành vi của người sử dụng để đưa ra những gợi ý về quyết định vận hành của thang máy…
Thực tế cho thấy, ranh giới giữa các nền tảng công nghệ ngày càng trở nên không rõ ràng. Chuyển đổi số về mặt công nghệ sẽ cần sự tổng hòa pha trộn của các công nghệ để đạt mục tiêu.
Chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy có hệ thống và tầm nhìn dài hạn
Trong khi công nghệ là yếu tố nền tảng thì nhân tố con người lại mang tính chất quyết định đến sự thành bại trong Chuyển đổi số. Sẽ như thế nào nếu như tư duy không đầy đủ về Chuyển đổi số đến từ các vị trí chủ chốt trong ngành, trong doanh nghiệp? Văn hóa Chuyển đổi số không được thông suốt từ trên xuống dưới? Năng lực làm chủ công nghệ còn chưa đạt yêu cầu?
David Lang, chuyên gia chuyển đổi số của YellowBlocks, người đã từng tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu tại Mỹ như AT&T, Toyota, Sony, chia sẻ: “Trọng tâm của chuyển đổi số không nằm ở công nghệ thông minh, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và về văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức.”
Tôi chợt nhớ đến lời của vị Chủ tịch Hiệp hội Thang Máy Việt Nam khi ông trăn trở: “Thống nhất, chuẩn hóa nhân lực ngành Thang máy – Tại sao không?” Ý tưởng này là một gợi ý tuyệt vời cho cộng đồng doanh nghiệp thang máy bắt tay, xây dựng năng lực cho nhân sự ngành, là nền tảng cơ bản cho Chuyển đổi số. Điều này sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực để làn sóng Chuyển đổi số trong cộng đồng thang máy trở nên mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp ngành thang máy cũng đang nỗ lực tiến hành Chuyển đổi số. Các doanh nghiệp có lực lượng lao động trẻ, được tiếp cận và kết nối trên mạng Internet sớm. Đây chính là điều kiện lý tưởng để làm chủ công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và Chuyển đổi số thuận lợi hơn.
Nhưng bên cạnh đó, nguồn lực nhỏ lẻ sẽ khiến doanh nghiệp bị “đuối” trong cuộc chơi lớn. Đây cũng sẽ là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự thống nhất, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. Vai trò “bà đỡ” của Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ phải được phát huy đúng khả năng.
“Chúng tôi cũng biết nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn loay hoay với câu chuyện Chuyển đổi số. Ở góc độ nào đó, đây cũng là trách nhiệm của Hiệp hội Thang máy Việt Nam khi cần đứng ra hỗ trợ các thành viên của mình. Đó là việc tiếp cận tư duy, phương thức và xây dựng năng lực nhân sự để Chuyển đổi số phù hợp. Từ đó thúc đẩy ngành thang máy Việt Nam phát triển bền vững” – Tổng Thư ký Hiệp hội bày tỏ thiện chí.
Mặc dù ngành thang máy đang chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong GDP nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm đã cho thấy tiềm năng rộng mở. Lĩnh vực trẻ này sẽ có nhiều thuận lợi để Chuyển đổi số hơn những lĩnh vực khác.
Vấn đề là chúng ta sẽ làm như thế nào mà thôi./
Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao tri thức và công nghệ để hướng đến
một cộng đồng phát triển bền vững
Thái Sơn
Ảnh: Trọng Tấn
Thông tin mới cập nhật