TCTM – Khi công nghệ len lỏi vào từng khoảnh khắc của đời sống thường nhật, ranh giới giữa thật và ảo ngày càng mờ nhạt. “Thế giới ảo” không chỉ là không gian giao tiếp mà còn là nơi trú ẩn, thể hiện và định nghĩa lại cách con người nhìn nhận chính mình. “Hội chứng ảo” vì thế không còn là hiện tượng, mà là một lát cắt chân thực, đa chiều của đời sống hiện đại.
Tối nào cũng vậy, vừa ăn cơm xong, Nam – học sinh lớp 12 lại lên phòng, đóng cửa và bật điện thoại. Bố mẹ tưởng con đang học bài, nhưng thực ra cậu đang ngồi lướt TikTok, chỉnh ảnh đăng lên mạng. Ngoài đời, Nam khá rụt rè, ít nói và không giỏi thể hiện cảm xúc. Nhưng trên mạng, cậu lại là một “hot face” trong nhóm bạn online, nơi cậu có thể chia sẻ suy nghĩ, đăng video hài hước và được mọi người “thả tim” không ngớt. Có lần, mẹ cậu hỏi: “Sao con không ra ngoài chơi với bạn?”, Nam cười trừ: “Con thấy trên mạng vui hơn.”
Có thể nói, “hội chứng ảo” là một hiện tượng tâm lý, trong đó con người bị cuốn vào thế giới ảo đến mức nó ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc, hành vi và cách họ nhìn nhận về bản thân và thế giới xung quanh.
Không khó để bắt gặp những người trẻ, thậm chí cả người trưởng thành, đang mải mê trong thế giới ảo: từ mạng xã hội, trò chơi trực tuyến cho đến các ứng dụng “sống ảo”. Ở đó, họ có thể trở thành “phiên bản tốt nhất” của chính mình – xinh đẹp hơn, tự tin hơn, và đôi khi là được công nhận, yêu thích nhiều hơn.
Một bạn sinh viên ngành mỹ thuật chia sẻ, mỗi khi lướt mạng xã hội, bạn cảm thấy như mình đang bị “bỏ lại phía sau”. Trong khi bạn bè cùng trang lứa khoe ảnh du lịch sang chảnh, laptop xịn, tài khoản mạng xã hội ngập tràn lượt thích và bình luận thì bản thân mình vẫn miệt mài vừa học vừa đi làm thêm và phụ mẹ bán hàng. Nhưng bạn cũng nhận ra, những gì hiện ra trên mạng nhiều khi chỉ là “phần đẹp nhất” mà mỗi người muốn cho người khác thấy, còn phía sau là bao điều không ai kể.
Trong nhịp sống nhiều lo toan, “thế giới ảo” trở thành một góc nhỏ để con người “trú ẩn”, tạm gác lại áp lực học hành, công việc, những nỗi buồn không nói được thành lời. “Hội chứng ảo” không chỉ là hệ quả của công nghệ, mà còn là tấm gương phản chiếu nhu cầu được quan tâm, được thể hiện và đôi khi chỉ đơn giản là được thở nhẹ trong một thế giới vốn nhiều áp lực.
Từ chỗ là nơi trú ẩn, thế giới ảo dần trở thành “tấm gương ảo ảnh” phản chiếu những gì ta khao khát, thậm chí chi phối cách ta nhìn nhận chính mình. Nhưng vì sao chúng ta dễ dàng bị cuốn vào như vậy? Không chỉ do thói quen công nghệ, mà sâu xa hơn, chính những cơ chế tâm lý vô hình đang âm thầm dẫn dắt cảm xúc và hành vi mỗi ngày.
Một trong số đó là “hiệu ứng mồi”, khi một kích thích ban đầu như hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh… có thể vô thức ảnh hưởng đến quyết định hay đánh giá sau này. Ví dụ, khi bạn lướt Instagram thấy ai đó khoe chiếc túi tote màu be với dòng mô tả “chiếc túi quốc dân, mix mọi outfit”, bạn không để tâm lắm. Nhưng vài ngày sau, khi đi mua sắm, bạn lại vô thức chọn một chiếc túi giống hệt dù trước đó bạn định tìm mua chiếc túi đeo chéo để đi chơi. Khi đó, tâm trí bạn đã được “mồi”, dù bạn không nhận ra.
Hay như khi bước vào một cửa hàng, nhìn thấy tấm biển quảng cáo người mẫu mặc đồ vest kèm thông điệp “Thanh lịch – Tự tin – Tỏa sáng”, bạn bỗng nghiêng về phong cách công sở, dù mục đích ban đầu chỉ là mua đồ đi chơi. Hiệu ứng mồi không chỉ chi phối lựa chọn tiêu dùng, mà còn âm thầm tác động đến cách ta nhìn nhận bản thân, giá trị sống và những hình mẫu mà ta nghĩ mình cần phải đạt được.
Bên cạnh đó, “hiệu ứng đám đông” cũng góp phần đẩy mạnh “hội chứng ảo”. Khi một xu hướng trở nên phổ biến (như trào lưu dùng app AI làm đẹp bùng nổ đầu năm 2025), mọi người đổ xô chia sẻ hình ảnh “biến hình” lung linh trên mạng thì dù ban đầu bạn không hứng thú, việc liên tục thấy bạn bè, người nổi tiếng sử dụng sẽ khiến bạn tò mò và tham gia. Dần dần, bạn cũng muốn thử “bắt trend”, không bị lạc hậu giữa cộng đồng số.
“Hiệu ứng mồi” và “hiệu ứng đám đông” kết hợp tạo nên một vòng xoáy vô hình. Mạng xã hội gieo mồi, xã hội số thổi bùng xu hướng và con người, trong vô thức, bị đẩy đi xa dần khỏi chính mình, khỏi cuộc sống thật.
“Hội chứng ảo” không chỉ là việc đắm chìm trong một thế giới không có thật, mà còn để lại những tác động rất thật. Tâm lý so sánh, áp lực phải thể hiện, cảm giác bị tụt lại phía sau, thậm chí mất kết nối với thực tế… là những hệ quả ngày càng phổ biến. Đôi khi con người tạo ra một “phiên bản hoàn hảo” trên không gian ảo để tìm kiếm cảm giác có giá trị, nhưng đó là giá trị được xác lập qua ánh nhìn của người khác, chứ không đến từ nội lực bên trong. Khi thế giới ảo trở thành thước đo cho giá trị bản thân, thì sự tự ti, hụt hẫng và mỏi mệt lại là những cảm xúc thật mỗi khi ta rời mắt, rời tâm trí khỏi màn hình.
Sự ra đời của “thế giới ảo” là thành quả ưu việt của khoa học công nghệ do con người sáng tạo ra và mang lại rất nhiều lợi ích cho con người. Thế giới ảo không xấu, mạng xã hội, công nghệ, AI đều là công cụ, vấn đề nằm ở cách chúng ta sử dụng và để chúng ảnh hưởng đến mình như thế nào. Ở ranh giới mong manh giữa thực tại và thế giới ảo, chúng ta cần khoảnh khắc tỉnh thức để trở về với đời sống thật. Nơi có nắng gió không qua chỉnh sửa, có những vòng tay ấm áp của người thân và những cung bậc cảm xúc nguyên bản. Thay vì sống để “đăng” thì chúng ta hãy sống để “chạm” – chạm vào nhịp sống bình dị xung quanh và chạm đến chính mình. Bởi chỉ khi ấy, chúng ta mới thực sự kết nối – không chỉ với thế giới mà với cả tâm hồn mình để có những cảm xúc thật và trải nghiệm cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
Lâm Anh
Thông tin mới cập nhật