TCTM – Hoạt động sơ tán bệnh viện khi có cháy là một thách thức phức tạp do đối tượng chủ yếu là bệnh nhân hạn chế khả năng di chuyển, phụ thuộc thiế bị y tế. Bài viết này sẽ làm rõ vào các giai đoạn sơ tán, đặc điểm từng nhóm bệnh nhân khi xảy ra tình huống khẩn cấp tại bệnh viện.
Trong các tòa nhà bệnh viện, đặc biệt là khu vực chăm sóc bệnh nhân, việc sơ tán toàn bộ cư dân tòa nhà trong trường hợp hỏa hoạn là một thách thức rất lớn và không mong muốn từ góc độ an toàn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân bị hạn chế khả năng di chuyển, bệnh nhân sử dụng xe lăn, và bệnh nhân nằm liệt giường không thể tự mình di chuyển qua các lối thoát hiểm, đặc biệt là cầu thang, nếu không có sự hỗ trợ. Bệnh nhân đang dùng thuốc có thể cần sự hỗ trợ của nhân viên, và những bệnh nhân phụ thuộc vào thiết bị điện/hô hấp để duy trì sự sống không phải lúc nào cũng có thể ngắt kết nối và di chuyển nhanh chóng mà không gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiến lược sơ tán bệnh nhân trong tòa nhà bệnh viện được chia thành hai phương pháp sơ tán ngang lũy tiến và sơ tán dọc. Có ba giai đoạn sơ tán chính trong một tòa nhà bệnh viện:
Giai đoạn 1: Sơ tán ngang ban đầu: Di chuyển người từ khu vực đang cháy sang một tiểu khoang hoặc khoang an toàn liền kề.
Giai đoạn 2: Sơ tán ngang mở rộng: Di chuyển người từ toàn bộ khoang có cháy sang một khoang an toàn khác trên cùng tầng. Nếu cần, có thể tiếp tục di chuyển họ sang các khoang an toàn kế tiếp để tăng khoảng cách và độ an toàn giữa người bệnh và đám cháy, trước khi tiến hành sơ tán xuống tầng dưới.
Giai đoạn 3: Sơ tán dọc: Di chuyển người xuống các tầng thấp hơn hoặc ra khỏi tòa nhà.
Hình ảnh bệnh nhân được sơ tán ra ngoài tòa nhà trong vụ hỏa hoạn tại Bệnh viện Royal Stoke xảy ra vào tháng 7/2017. (Anh)
Đối với sơ tán ngang từng bước, nhân viên sẽ di chuyển bệnh nhân đang nằm trên giường hoặc xe lăn đến một khu vực an toàn hơn (nơi trú ẩn, phòng lánh nạn) trên cùng một tầng, sau đó (nếu cần) tiếp tục sơ tán bệnh nhân đến một tầng khác an toàn trong tòa nhà hoặc ra bên ngoài.
Nguyên tắc của sơ tán ngang là di chuyển người bệnh từ khu vực bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn qua một vách/rào chống cháy đến một khu vực liền kề trên cùng một tầng, được thiết kế để bảo vệ người bệnh khỏi các nguy hiểm tức thời của lửa và khói. Người bệnh có thể ở lại đó cho đến khi đám cháy được xử lý hoặc chờ được hỗ trợ sơ tán tiếp tục bởi nhân viên đến một khu vực liền kề tương tự khác hoặc đến cầu thang gần nhất.
Ở các cơ sở y tế, việc sơ tán dọc (tức là di chuyển người xuống các tầng khác bằng thang bộ thoát hiểm, thang máy sơ tán/chữa cháy) chỉ nên được thực hiện khi đám cháy không thể kiểm soát tại khu vực ban đầu và có nguy cơ cháy lan sang các khu vực khác. Nguyên tắc an toàn này được áp dụng vì việc sơ tán dọc tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho cả nhân viên và bệnh nhân.
Kích thước thang máy và sảnh thang máy sơ tán dành cho thang máy chở giường bệnh cùng thiết bị y tế, nhân viên y tế đi cùng
Trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, việc chỉ định cụ thể cầu thang nào là lối thoát hiểm, cầu thang nào chỉ phục vụ đi lại thông thường là không được chấp nhận. Lý do là trong trường hợp khẩn cấp, bất kỳ cầu thang nào cũng có thể được sử dụng. Do đó, tất cả các cầu thang cần được thiết kế làm lối thoát hiểm, trừ những cầu thang hoàn toàn nằm trong khu vực giếng trời (atrium) và chỉ phục vụ cho khu vực đó.
Việc sử dụng thang máy để hỗ trợ sơ tán dọc được xem là rất hữu ích, đặc biệt là khi di chuyển các bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt hoặc không thể đi lại.
Trong trường hợp khẩn cấp, việc sử dụng thang máy để hỗ trợ sơ tán là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân khuyết tật, bệnh nhân trong các khu vực phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt,…
Bệnh nhân tự chủ có khả năng di chuyển không bị suy giảm và có thể tự rời khỏi cơ sở mà không cần hỗ trợ của nhân viên. Hoặc, họ có thể bị suy giảm khả năng di chuyển nhưng chỉ cần hỗ trợ tối thiểu, có khả năng tự di chuyển lên xuống cầu thang hoặc với sự hỗ trợ tối thiểu, và có thể hiểu các biển báo chỉ dẫn khẩn cấp.
Các khu vực có bệnh nhân tự chủ không bị phụ thuộc nhiều vào sơ tán ngang, do đó, nhu cầu phân khoang cả theo chiều ngang và chiều dọc được giảm bớt. Dù vậy, một khu vực được xác định là dành cho bệnh nhân tự chủ, vẫn cần tính đến khả năng bệnh nhân cần hỗ trợ hoặc bệnh nhân phụ thuộc rất cao có thể phải sơ tán qua khu vực này. Trong trường hợp này, các quy định về lối thoát hiểm phải đảm bảo phù hợp để sơ tán những người khó di chuyển hơn.
Đây là nhóm tất cả bệnh nhân, ngoại trừ những người được phân loại là “tự chủ” hoặc “phụ thuộc rất cao”.
Đây là nhóm bệnh nhân mà tình trạng sức khỏe hoặc quá trình điều trị khiến họ phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Nhóm này bao gồm những người ở khu vực chăm sóc đặc biệt, phòng phẫu thuật, chăm sóc tim mạch, và cả những trường hợp mà việc sơ tán có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, chiến lược sơ tán cho nhóm này tập trung vào việc bảo vệ họ tại chỗ là ưu tiên hàng đầu, và chỉ sơ tán khi thực sự không còn lựa chọn nào khác. Khi thiết kế phòng mổ và khu chăm sóc đặc biệt cần tính tới các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để đối phó với nguy cơ:
1. Cháy và khói ở khu vực bên cạnh hoặc tầng dưới;
2. Cháy và khói ngay trong chính khoa đó.
Đối với phương án bảo vệ tại chỗ, cần tập trung ngăn chặn lửa và khói xâm nhập vào khu vực của bệnh nhân, phòng phẫu thuật. Điều này được thực hiện thông qua việc xây dựng các khoa/phòng bằng tường và sàn chống cháy để tạo thành một khoang riêng biệt. Đồng thời, hệ thống điều hòa không khí (HVAC) được thiết kế để duy trì áp suất dương bên trong khu vực này nhằm ngăn khói tràn vào.
Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển sang khu vực khác, thời gian sơ tán sẽ kéo dài hơn đáng kể so với các bệnh nhân khác, do cần phải di chuyển đồng thời cả giường bệnh, các thiết bị hỗ trợ sự sống như máy thở, thiết bị theo dõi và đội ngũ nhân viên y tế. Do đó, các lối đi và cửa ra vào cần đủ rộng (thường là cửa đôi) để đảm bảo việc di chuyển các thiết bị cồng kềnh này diễn ra hiệu quả.
Buổi diễn tập hỏa hoạn tại một bệnh viện
Ngoài việc sơ tán ngang sang các khu vực lánh nạn liền kề, dù việc di chuyển những bệnh nhân này có thể nguy hiểm, vẫn phải có phương án sơ tán dọc (xuống tầng dưới hoặc ra ngoài) như một giải pháp cuối cùng, kèm theo các biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Do đó, khi thiết kế hệ thống thang máy chữa cháy hoặc thang máy sơ tán cũng cần lưu ý tới kích thước, tải trọng phù hợp với đối tượng này.
Kết luận:
Trong chiến lược sơ tán bệnh viện khi có cháy, dù sơ tán ngang là ưu tiên hàng đầu, sơ tán dọc vẫn là một phương án không thể thiếu khi tình hình đám cháy vượt tầm kiểm soát hoặc có nguy cơ lan rộng. Đối với nhóm bệnh nhân phụ thuộc rất cao – những người không thể tự di chuyển và cần duy trì các thiết bị hỗ trợ sự sống – việc di chuyển qua cầu thang bộ tiềm ẩn rủi ro cực kỳ lớn.
Trong bối cảnh đó, thang máy chữa cháy và thang máy sơ tán đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành mắt xích sống còn trong quá trình sơ tán dọc. Các loại thang máy này không chỉ giúp lực lượng cứu hỏa tiếp cận hiện trường nhanh chóng mà còn là phương tiện hiệu quả duy nhất để di chuyển an toàn những bệnh nhân nằm giường, kèm theo trang thiết bị y tế và đội ngũ nhân viên y tế cần thiết.
Do đó, việc thiết kế và trang bị hệ thống thang máy này với kích thước và tải trọng phù hợp, đáp ứng được đặc thù của việc vận chuyển y tế phức tạp, là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn tối đa cho mọi bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp tại bệnh viện.
Nội dung tham khảo từ tài liệu “Chỉ dẫn thiết kế thang máy” của Viện Kỹ thuật ứng dụng Thang máy
Cẩm nang thang máy bệnh viện: Lựa chọn kích thước, tải trọng thang máy theo từng loại thang máy
Thông tin mới cập nhật