TCTM – Bạn có tin rằng kỳ vọng của bạn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả làm việc của một người khác? Hiệu ứng Pygmalion, một hiện tượng tâm lý thú vị, sẽ cho bạn câu trả lời.
Năm 1964, nhà khoa học Robert Rosenthal đưa ra giả thuyết rằng hiện thực có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của chúng ta đối với người khác, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Ông cho rằng kỳ vọng tích cực sẽ thúc đẩy hiệu suất làm việc, trong khi kỳ vọng tiêu cực sẽ tác động xấu đến kết quả.
Để chứng minh giả thuyết này, Rosenthal đã phối hợp với trường Tiểu học Spruce ở California tiến hành một thí nghiệm. Vào đầu năm học, các giáo viên được thông báo rằng Tiến sĩ Rosenthal sẽ thực hiện một bài kiểm tra để dự đoán khả năng học tập của học sinh. Bài kiểm tra này được gọi là “Bài trắc nghiệm dự đoán chuyển biến kết quả học tập”.
Năm học mới bắt đầu, các giáo viên ở Tiểu học Spruce biết rằng một nhà khoa học danh tiếng là Tiến sĩ Rosenthal sẽ tiến hành một bài kiểm tra với học sinh của mình. “Bài trắc nghiệm dự đoán chuyển biến kết quả học tập” này cho biết học sinh nào có thể đạt được thành tích cao nhất trong năm học đó.
Thực tế, đó là một bài kiểm tra IQ thông thường, và khi nắm trong tay những điểm số đó, Rosenthal và nhóm làm việc của mình đã đặt chúng qua một bên, không quan tâm đến nữa. Thay vào đó, họ chơi trò tung đồng xu để quyết định xem những trẻ nào sẽ xếp vào nhóm “có tiềm năng” và báo lại cho giáo viên danh sách những em học sinh thuộc nhóm đó. Trong khi đó, học sinh không hề biết gì về thí nghiệm này.
Chắc chắn là sức mạnh của kì vọng sẽ nhanh chóng phát huy sự màu nhiệm của nó. Giáo viên dành cho nhóm học sinh “có tiềm năng” sự quan tâm, khích lệ và khen ngợi nhiều hơn, vì thế làm thay đối cách bọn trẻ nhìn nhận bản thân. Tác động rõ rệt nhất xuất hiện ở nhóm trẻ nhỏ nhất, IQ tăng trung bình 27 điểm trong một năm. Mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm bé trai gốc Latin, vốn là nhóm thường nhận kì vọng ít nhất ở California.
Rosenthal gọi phát hiện của mình là Hiệu ứng Pygmalion, theo tên nhà điêu khắc trong Thần thoại Hy Lạp, người đã phải lòng một trong những tác phẩm của chính mình đến mức các vị thần quyết định biến bức tượng của ông ta thành người thật. Những niềm tin mà chúng ta hướng đến – cho dù đúng hay chỉ là tưởng tượng – có thể thành hiện thực và tác động đến sự thay đổi thực sự.
Trong bài viết đăng trên American Psychologist vào tháng 11/2003, Rosenthal sau đấy tóm gọn hiệu ứng Pygmalion/Rosenthal là “một hiện tượng, trong đó sự kỳ vọng của một đối tượng dành cho người khác có thể dẫn đến một lời tiên tri tự ứng nghiệm” – Những lời tiên tri trở thành sự thật, không phải vì nó được định sẵn, mà bởi vì chính chúng ta tin và mong chờ nó.
Theo Rosenthal, hiệu ứng Pygmalion hoạt động theo cơ chế vòng tròn 4 giai đoạn.
Ngược lại, hiệu ứng Golem là “hiệu ứng ngược” của Pygmalion effect, mô tả những tác động tiêu cực khi tin vào sự thất bại của người khác. Nếu ai đó cho rằng một người sẽ thất bại, người này có nhiều khả năng thất bại hơn.
Những nghiên cứu về Hiệu ứng Golem còn rất hạn chế, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi chúng ta xem xét đến những vấn đề đạo đức liên quan đến việc cố ý tạo ra những kỳ vọng tiêu cực ở người khác. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết được cho đến nay thực sự gây sốc.
Hãy xem xét một nghiên cứu do nhà tâm lý học Wendell Johnson thực hiện ở thành phố Davenport, Iowa (Mỹ) vào năm 1939. Ông chia 20 trẻ mồ côi thành hai nhóm, nói với một nhóm rằng chúng là những diễn giả giỏi, lưu loát và nhóm kia rằng số phận của chúng là trở thành những kẻ nói lắp.
Ngày nay, nghiên cứu này được biết đến như là một “Nghiên cứu quái vật” đầy tai tiếng. Thí nghiệm này để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều đối tượng thí nghiệm mắc phải những trở ngại trong giao tiếp suốt đời.
Hiệu ứng Pygmalion và hiệu ứng Golem đan xen trong cùng một tấm vải là thế giới của chúng ta, chúng tượng trưng cho hai thái cực của kỳ vọng. Chúng ta, dù vô tình hay cố ý, đều đang “nhào nặn” thế giới xung quanh bằng chính những mong đợi của mình.
Bằng cách nuôi dưỡng kỳ vọng tích cực, truyền cảm hứng và trao cơ hội phát triển, chúng ta có thể giúp người khác và cả chính mình khai phá tối đa tiềm năng, gặt hái thành công vượt trội. Ngược lại, những hoài nghi, bi quan sẽ kìm hãm sự tiến bộ, thậm chí đẩy người khác hay bản thân vào vòng xoáy thất bại.
Đức Minh
Thông tin mới cập nhật