TCTM – Sau khoảng thời gian nghiên cứu và xây dựng, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chính thức công bố Từ điển ngành thang máy. Đây là một ấn phẩm có ý nghĩa quan trọng, giúp việc vận hành ngành thang máy có sự thống nhất và đồng bộ, đồng thời cũng mang đến nhiều lợi ích thiết thực khác.
Các thuật ngữ, cách gọi các linh kiện, thiết bị và các thao tác kỹ thuật trong ngành thang máy phần nhiều là các từ ngữ có xuất xứ từ ngôn ngữ nước ngoài. Ngoài một số thuật ngữ kỹ thuật phổ biến đã được Việt hóa, phần lớn các thuật ngữ vẫn tương đối mới và thường được dịch từ tiếng “Anh bồi” hoặc sử dụng luôn tiếng Anh để gọi.
Do đó, cho đến nay cách gọi các linh kiện, thiết bị vẫn là mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân làm trong ngành thang máy lại có một cách gọi khác nhau. Việc này đã gây ra nhiều tình huống hiểu nhầm, hiểu sai dẫn đến thiệt hại kinh tế, hiệu suất làm việc,…
Đơn cử như với “ngàm dẫn hướng” (guide shoes), nếu tra cứu trên Internet sẽ thấy có đến cả chục cách gọi tiếng Việt – tiếng Anh lẫn lộn.
Có thể nói, từ điển ngành thang máy sẽ là một công cụ hỗ trợ quan trọng cho công việc sản xuất, kinh doanh, quản trị và đào tạo trong lĩnh vực thang máy, giúp thúc đẩy ngành thang máy Việt Nam hoạt động hiệu quả, an toàn và bắt kịp được với sự phát triển chung của ngành thang máy quốc tế.
Ý thức được sự cần thiết phải có một bộ từ điển ngành giúp cho quản trị doanh nghiệp trong thời đại 4.0 – mọi thứ phải được chuẩn hóa để số hóa, giúp cho hệ sinh thái doanh nghiệp trong nước, ngoài nước liên kết với nhau thông suốt, không hiểu nhầm, lãng phí,…
Mặt khác, đây cũng là tiền đề để chuẩn hóa tài liệu đào tạo cho kỹ thuật viên ngành thang máy trong nước có nền tảng để gia nhập vào thị trường lao động toàn cầu.
Trong quá trình biên soạn, hội đồng tuân thủ chặt chẽ 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) và 32 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về ngành thang máy hiện hành và các tài liệu quốc tế để đảm bảo tính nguyên tắc: phù hợp luật pháp – thống nhất – phổ biến.
Do có một vai trò quan trọng và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, từ điển ngành thang máy cần đảm bảo các tiêu chí sau:
– Có tính chuyên môn cao: Từ điển chuyên ngành thang máy cần đưa ra các thuật ngữ và khái niệm chuyên ngành, phản ánh đúng bản chất của đối tượng kỹ thuật trong lĩnh vực thang máy.
– Định nghĩa đầy đủ, rõ ràng: Các khái niệm, thuật ngữ trong từ điển ngành thang máy cần được định nghĩa chi tiết, khoa học để người đọc có thể hiểu rõ về chức năng, cấu tạo và vai trò của từng linh kiện, thiết bị.
– Diễn giải trực quan: Thang máy là một hệ thống máy móc phức tạp nên việc diễn giải các thành phần của nó cần có thêm hình ảnh, sơ đồ để minh họa trực quan, giúp người dùng hiểu rõ hơn về cách sử dụng thuật ngữ trong ngữ cảnh cụ thể.
– Được cập nhật thường xuyên: công nghệ thang máy liên tục phát triển từ điều khiển cơ học đến điều khiển điện tử, rồi đến điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo AI dẫn đến thuật ngữ, đối tượng mới về thang máy liên tục xuất hiện. Do đó, từ điển chuyên ngành thang máy cần được cập nhật thường xuyên để phản ánh đúng và thích nghi kịp thời sự phát triển này.
Trên cơ sở đó, Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã từng bước hoàn thiện nội dung của bộ từ điển thang máy bằng Tiếng Việt với tên gọi: “Từ điển ngành thang máy”.
Nội dung Từ điển ngành thang máy được chia 2 phần chính, bao gồm:
Phần 1: Thuật ngữ và định nghĩa
Phần này trình bày các khái niệm, thuật ngữ về thang máy sắp xếp theo đặc điểm, chức năng, bộ phận, như cấu trúc và phân loại thang máy, thiết bị – linh kiện thang máy, cũng như các thuật ngữ liên quan đến công việc cụ thể về lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa,…
Phần 2: Danh mục thuật ngữ theo thứ tự bảng chữ cái
Phần này trình bày các thuật ngữ sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái kèm số trang để thuận tiện cho việc tra cứu.
Trong đó, tại phần Thuận ngữ và định nghĩa, mỗi thuật ngữ được nêu cụ thể tên gọi tiếng Việt, có chú thích tên gọi tiếng Anh tương ứng và định nghĩa, diễn giải trực quan về chức năng, cấu tạo của từng thuật ngữ.
Truy cập để đọc và tải về bộ Từ điển ngành thang máy tại:
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật