Ai sẽ thực hiện mục tiêu đảm bảo sự công bằng, hài hoà lợi ích giữa Doanh nghiệp và Người tiêu dùng? Lời giải chính là các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề. Liệu ngành thang máy Việt Nam có ngoại lệ?
Theo số liệu Cục An toàn Lao động, tính đến tháng 10 năm 2021, có 250.000 thang máy đang được vận hành tại Việt Nam. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy, con số này chưa dừng lại và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp thang máy là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước với phương thức sản xuất và sản phẩm cung cấp: thang máy được nhập khẩu nguyên chiếc hoặc tự sản xuất, mua thêm linh kiện lắp ráp.
Đa số doanh nghiệp nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam ngoài mục đích lợi nhuận hiện không có hoặc chưa có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Song lại có sức mạnh về vốn, lợi thế chiến lược marketing, kỹ năng quản trị bài bản. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước do sản xuất manh mún, hạn chế vốn và năng lực quản trị nên đã phải mua thêm linh kiện từ nước ngoài, lắp ráp để phục vụ lợi nhuận ngắn hạn.
Trên sức ép gia tăng của doanh nghiệp ngoại lên doanh nghiệp trong nước, để có lợi nhuận ít ỏi, không ít đơn vị đã chạy đua giảm chất lượng sản phẩm bằng mọi cách. Những cuộc cạnh tranh không lành mạnh về giá sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường, không chỉ gây ra cho doanh nghiệp mà còn là sự an toàn, tính mạng của người tiêu dùng.
Điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi cho tới nay đang còn nhiều hạn chế trong việc hoàn thiện quy chuẩn và giám sát thực hiện từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp,… thang máy khi công tác kiểm định nguồn gốc xuất xứ linh kiện thiết bị hay việc xây dựng tiêu chuẩn năng lực nguồn lao động ngành thang máy vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nếu tiếp tục tình trạng: sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nhân công lắp đặt, bảo trì không qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề thì đó sẽ là những nguy cơ góp phần kìm hãm sự phát triển ngành thang máy Việt Nam.
Ngay tại diễn đàn thảo luận vừa được tổ chức bởi Hiệp hội Thang máy Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thang máy chỉ biết than trời vì chứng kiến chuyện bán phá giá, hay như câu chuyện của một chủ doanh nghiệp trong nước kể về những hợp đồng bị hụt mất vì có đơn vị khác chào giá thấp hơn, mà theo ông, mức giá đó là không thể. Doanh nghiệp trong nước bị cuốn vào cuộc đua giảm giá bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất tối đa mà bỏ mặc an toàn, thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để tăng tính cạnh tranh.
Thực tế là doanh nghiệp nước ngoài dù có tiềm lực, ngày càng có vị thế nhưng lại bỏ qua mục tiêu bền vững. Trong khi ở các quốc gia khác, để kinh doanh tại nước sở tại, các doanh nghiệp phải gắn liền với điều kiện về lộ trình tăng tỉ lệ nội địa hoá, chuyển giao công nghệ. Ngoại lệ, số rất ít các doanh nghiệp có thể đứng vững trong tình hình cạnh tranh khốc liệt nhờ vào kế hoạch, mục tiêu phát triển rõ ràng, hướng tới tự lực tự cường về công nghệ sản xuất mà không bị phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Giữa sự rời rạc, hỗn loạn của cộng đồng thang máy và niềm tin, an toàn của người tiêu dùng đang dần biến mất, các doanh nghiệp chân chính hay ngành thang máy muốn phát triển phải đối mặt không ít thách thức.
Một trong những cam kết quan trọng kể từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi từ sự bảo hộ của nhà nước. Như vậy ai sẽ giúp doanh nghiệp khi Nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài? Ai sẽ là đầu mối thống nhất các doanh nghiệp, đoàn kết để cùng phát triển? Lời giải chính là các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề.
Nhà nước không thể can thiệp vào chuyện “bếp núc” của doanh nghiệp mà chỉ có hiệp hội. Chúng ta có thể thấy như ngành du lịch Thái Lan phát triển nhờ vào vai trò điều phối nhuần nhuyễn và bài bản của hiệp hội chứ không phải nhà nước. Hay ở Pháp, những tiêu chuẩn về chất lượng được ADEB – Hiệp hội phát triển xuất khẩu rượu vang đóng dấu cho doanh nghiệp thành viên của mình có giá trị còn hơn cả luật pháp của nước này.
Như vậy, việc có một hiệp hội bảo vệ thành viên và đặt ra luật chơi với mục tiêu đảm bảo sự công bằng, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp chân chính là cơ hội thiết yếu trong giai đoạn hiện nay. Vậy Hiệp hội Thang máy Việt Nam cần phải làm gì?
Rõ ràng, đã đến lúc doanh nghiệp thang máy cần có một tổ chức thống nhất, tạo ra sân chơi minh bạch, đoàn kết để cùng đạt được những mục tiêu dài hạn.
Ở đó, các doanh nghiệp chân chính được hỗ trợ những chính sách phù hợp, cung cấp các sản phẩm dịch vụ thang máy hợp lý giữa chất lượng và giá cả. Và như vậy, sự ra đời của Hiệp hội Thang máy Việt Nam là bước đầu tiên quy tụ, thống nhất các doanh nghiệp thang máy, hoạt động một cách có tổ chức.
Đóng vai trò “bà đỡ”, Hiệp hội Thang máy sẽ đứng ra dàn xếp các tranh chấp thương mại quốc tế, hình thành tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, các vấn đề mua sắm, đấu thầu, sản xuất sẽ được giải quyết minh bạch.
Đối mặt với nguy cơ hỗn loạn của thị trường thang máy hiện nay, Hiệp hội cần tham mưu cho các cơ quan chức năng liên quan để có các chính sách, văn bản pháp luật phù hợp hiệp ước thương mại liên quốc gia. Đồng thời có sự bảo hộ sản xuất trong nước tạo nên tính hệ thống, bài bản để mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài bắt buộc tuân thủ quy định được xây dựng: chuyển giao công nghệ theo đúng lộ trình, đúng cam kết. Linh kiện, thiết bị nhập khẩu được kiểm tra giám sát theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ. Hơn nữa, Hiệp hội xúc tiến thương mại, kết nối trong và ngoài nước để các doanh nghiệp thang máy Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thống kê, mỗi năm có 40.000 thang máy được kiểm định, hơn 130 tổ chức được cấp phép hoạt động kiểm định với con số kiểm định viên xấp xỉ 1.000 người. Trên thực tế, tiêu chí và thời gian kiểm định lại khá mờ nhạt. Chưa kể đến công tác bảo trì, bảo dưỡng thang máy không được đảm bảo tuân thủ thời gian theo quy chuẩn đã ban hành, chưa có tiêu chuẩn về năng lực lao động. Giai đoạn này, Hiệp hội đóng vai trò rất lớn trong việc tham mưu xây dựng các tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Để hoạt động của Hiệp hội thực sự có hiệu quả, trong thời gian tới cần xúc tiến và tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hiệp hội với các bộ ngành. Đó là sự lắng nghe và hành động của Chính phủ, của các cơ quan chức năng nhà nước từ những ý tưởng đóng góp từ phía Hiệp hội, tạo điều kiện và cơ chế hoạt động cho Hiệp hội đủ sức mạnh trợ giúp các doanh nghiệp.
Đức Hoàng
Thông tin mới cập nhật