TCTM – Khởi nghiệp (Startup) sẽ bắt đầu hành trình kiến tạo nên những giá trị để cống hiến cho xã hội, định vị bản thân của nhiều doanh nhân ngành thang máy. Trong hành trang đó sẽ không thể thiếu giá trị chính trực.
TCTM – Khởi nghiệp (Startup) sẽ bắt đầu hành trình kiến tạo nên những giá trị để cống hiến cho xã hội, định vị bản thân của nhiều doanh nhân ngành thang máy. Trong hành trang đó sẽ không thể thiếu giá trị chính trực.
Arthur Andersen – cái tên từng thuộc một trong 5 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (cùng với PricewaterhouseCoopers, Deloitte Touche Tohmatsu, Ernst & Young và KPMG), có văn phòng tại hơn 84 quốc gia với trụ sở tại Chicago, Mỹ, vào thời kỳ đỉnh cao (giai đoạn 2001 – 2002), doanh thu hằng năm lên đến 900 triệu USD. Thế nhưng mọi thành tựu đã sụp đổ, 85.000 người mất việc làm chỉ vì lãnh đạo doanh nghiệp này đánh đổi sự chính trực với đồng tiền.
Vào thời điểm xảy ra vụ bê bối lớn này tại Mỹ, Arthur Andersen đã hoạt động được 89 năm. Thật trớ trêu khi công ty hoạt động với phương châm “Nghĩ ngay, nói thẳng” (Think straight, talk straight) lại tiếp tay cho công ty năng lượng Enron thao túng báo cáo tài chính và sai phạm liên quan đến việc thiếu trung thực trong kiểm toán.
Gã khổng lồ đã sụp đổ bởi sự chính trực khi đó chỉ còn là khẩu hiệu treo tường.
Là một doanh nhân, tôi nhận ra đây là một bài học sâu sắc mà những ai đã, đang và sắp khởi nghiệp trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn cần quan tâm đến điều chính trực này.
Sở dĩ nói vậy, vì thang máy, thang cuốn là thiết bị vận chuyển số lượng lớn con người hằng ngày, hằng giờ. Chỉ cần thiếu đi một chút chính trực từ việc đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất sản phẩm, đến lắp đặt, kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng,… thì rất có thể kéo theo những hậu quả khôn lường, thậm chí không thể khắc phục.
Khi điều không mong muốn xảy ra, mọi nỗ lực kiến tạo đều đổ xuống sông, xuống bể. Bởi thế, chính trực là điều mang lại lợi ích không chỉ đối với xã hội mà còn là nguyên tắc sống còn đối với doanh nghiệp và doanh nhân.
Từ “integrity” (chính trực) xuất phát từ tiếng Latinh “integritas” có nghĩa là trọn vẹn và lành mạnh. Nó được định nghĩa là phẩm chất của việc trung thực và có nguyên tắc đạo đức mạnh mẽ.
Chính trực thể hiện bằng chữ tín với đối tác bên ngoài và trong nội bộ tổ chức, phải xuất phát từ hành động của lãnh đạo đến nhân viên. Vì thế, chính trực trở thành mục tiêu theo đuổi của không ít doanh nghiệp, để mang nó vào hơi thở của mỗi thành viên trong tổ chức, dần trở thành ADN văn hóa của doanh nghiệp.
Trên 95% số doanh nghiệp của chúng ta là nhỏ và vừa, có nghĩa là nguồn lực tài chính, quy mô, năng lực quản trị,… của đa số đều rất khiêm tốn. Chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu, lộ trình và kỳ vọng lớn lao nhưng nếu thiếu kim chỉ nam là tính chính trực thì rất có thể mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Phải chăng nó đúng với quy luật triết học: Vật chất quyết định ý thức?
Câu chuyện khởi nghiệp ngành thang máy ban đầu có thể đơn giản. Chỉ cần người chủ có mối quen, có kinh nghiệm, một chút kỹ thuật, còn lại các khâu từ sản xuất, thi công, lắp đặt, bảo trì thiết bị,… đều có thể thuê đơn vị ngoài gia công, làm thầu phụ là có thể vận hành được doanh nghiệp.
Các nhà sáng lập chỉ cần đạt số lượng mỗi tháng vài chiếc thang là có thu nhập hơn hẳn so với làm công ăn lương trước đây. Và lúc đó, thường “những đứa con” đầu tay sẽ được chăm chút hết sức cẩn thận như một sự khẳng định về trí tuệ, bản lĩnh và sự tự trọng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh là lúc doanh nghiệp bắt đầu giai đoạn tăng trưởng nóng. Số lượng nhân viên trong tổ chức sẽ nhanh chóng tăng lên, đi kèm đó là áp lực về doanh số, tiến độ,… đã khiến không ít doanh nghiệp bỏ quên dần điều chính trực. Đạo đức của kỹ thuật viên hay nhân viên kinh doanh có thể bị xem nhẹ, gia tăng tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành. Ở góc độ vĩ mô, nếu tăng trưởng về lượng mà thiếu tương quan về chất thì ngành thang máy, thang cuốn sẽ không phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để tồn tại và mở rộng, phát triển như thế nào, xác định mục tiêu, định hướng, những lợi thế và ưu điểm của mình so với các công ty cạnh tranh không hề đơn giản trong ngành thang máy. Câu trả lời chính là ý tưởng và năng lực của người sáng lập khi ấp ủ công việc kinh doanh riêng, tham gia vào chuỗi giá trị để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp có thể thiết lập hệ thống mạng lưới bán hàng rộng khắp nước, hay bạn quản lý một nhà máy sản xuất thang máy năng suất cao với giá thành tốt, hoặc bạn có khả năng xây dựng đào tạo một đội ngũ kỹ thuật lành nghề, phục vụ chuyên nghiệp trong mảng dịch vụ thang máy.
Thống kê có đến 90% Start-up thất bại trong 3 năm đầu. Những trường hợp thành công có điểm chung hầu hết đến từ sự chính trực. Chính trực để doanh nghiệp thành công nhận ra mình không đi theo lối mòn, không làm giả làm nhái, là đi theo sự khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh.
Khởi nghiệp có lợi thế là có thể bắt đầu khai phá một con đường mới. Vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp ngành thang máy cần tìm ra những lối đi riêng. Để từ đó cộng đồng doanh nghiệp cùng hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển, thay vì kìm hãm, coi thương trường là chiến trường dẫn đến nồi da xáo thịt.
Khởi nghiệp, mỗi doanh nhân đã mang trong mình một sứ mệnh không chỉ cho bản thân mà còn kiến tạo những giá trị có ích cho cộng đồng. Bởi vậy, không cần chờ đợi về hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, các thủ tục hành chính,… thay đổi ngày một minh bạch hơn thì sự chính trực, tinh thần liêm chính trong kinh doanh phải được bắt đầu ngay từ khi khởi nghiệp./.
Trần Vĩnh Phước, Phó Tổng Giám đốc TNE
Thông tin mới cập nhật