TCTM – Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường thang máy không chỉ ảnh hưởng tới an toàn của khách hàng mà còn phương hại nghiêm trọng tới uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như làm đánh mất niềm tin của người tiêu dùng với ngành thang máy Việt.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề thời sự và chưa bao giờ hết nóng. Không chỉ đe dọa quyền lợi của người tiêu dùng, vấn nạn này còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây tiếng xấu cho môi trường kinh doanh của nước nhà.
Hàng giả là những sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; hoặc những sản phẩm, hàng hoá không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc.
Hàng giả được thiết kế để trông giống như sản phẩm chính hãng. Nhìn bề ngoài, hàng giả có thể trông gần giống với hàng thật chính gốc, nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp.
Hàng nhái là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường. Đây là loại hàng hoá được sao chép lại từ sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng hoặc các sản phẩm đã được nhà nước cấp phép lưu thông ra thị trường.
Hàng nhái được sản xuất giống với các sản phẩm chính hãng về hình dáng, màu sắc, thậm chí cả thành phần in trên bao bì. Hay nói cách khác, hàng nhái là những mặt hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ, “mạo danh” những sản phẩm của các thương hiệu uy tín nhằm thu lợi nhuận.
Hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường, “đánh cắp” thị phần của doanh nghiệp chân chính.
Trên thực tế hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, rất giống hàng thật để lừa người tiêu dùng. Với quy trình sản xuất không cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, cắt xén nguyên vật liệu, giảm chất lượng sản phẩm và không thực hiện các nghĩa vụ về thuế,… hàng giả, hàng nhái có mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Và cũng chính điều này đã thu hút sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng mà không hay biết rằng mình đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nặng nề cho bản thân người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra khoảng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 348,2 tỷ đồng.
Có thể thấy rõ, hiện nay vấn nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng ở trong mọi mẫu mã hàng hóa thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các linh, phụ kiện, thiết bị trong ngành thang máy – ngành liên quan đến an toàn, sức khỏe người sử dụng.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành thang máy hiện nay trục lợi từ sự tin tưởng và thiếu hiểu biết của khách hàng đến một số thương hiệu uy tín trên thị trường để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn lợi dụng những kẽ hở để khai sai về tên hàng hóa, chủng loại, xuất xứ,… Nhiều trường hợp các doanh nghiệp che giấu về nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, nhập khẩu hàng hóa từ nước A sang nước B để lấy xuất xứ của nước B rồi nhập về Việt Nam, sau đó gắn với những lời quảng cáo hoa mỹ như “Xuất xứ Nhật Bản/ Công nghệ Hàn Quốc,…”.
Thực trạng này xảy ra không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà còn diễn ra ở cả những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt đối với lĩnh vực linh kiện thang máy.
Lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp gian lận xuất xứ bằng cách che dấu tuyến đường của lô hàng.
Không ít các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tay, sử dụng các linh kiện, thiết bị và sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng hoặc bị làm giả xuất xứ, nhãn mác để tiến hành lắp đặt, sửa chữa thang máy cho khách hàng. Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái còn được các doanh nghiệp đội lốt dưới tên gọi hàng OEM (hàng được bán từ nhà máy sản xuất cho hãng).
Chẳng hạn như vụ việc bán thang máy giả nhãn hiệu Mitsubishi của Công ty TNHH Thương mại Thang máy Hùng Quang ở TP HCM diễn ra vào năm 2017. Cụ thể, Công ty Vạn Lộc Phát ở Bình Dương đã ký hợp đồng với Công ty Hùng Quang để lắp đặt 4 thang máy Mitsubishi với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi nghiệm thu, Công ty Vạn Lộc Phát phát hiện nhiều điểm không hợp lý trong hồ sơ chứng từ nhập khẩu thang máy Mitsubishi đã lắp đặt về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng… Để xác minh, Công ty Vạn Lộc Phát đã liên hệ Công ty thang máy Mitsubishi Việt Nam và Mitsubishi phụ trách châu Á cho ý kiến.
Sau đó, Mitsubishi Việt Nam và Mitsubishi phụ trách châu Á đều lần lượt có công văn xác nhận các thang máy với số hiệu như đã lắp đặt không phải là nhãn hiệu của Mitsubishi và không được sản xuất bởi Mitsubishi. Ngoài ra, Mitsubishi Việt Nam cũng xác nhận Công ty Hùng Quang không phải là đại lý của Mitsubishi.
Chuyên gia của Mitsubishi kiểm tra thang máy giả do Công ty Hùng Quang bán cho Công ty Vạn Lộc Phát.
Mặc dù được ghi tên thương hiệu Mitsubishi nhưng thực chất lại là hàng giả. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Bên cạnh việc bán hàng giả, hàng nhái cho khách hàng để trục lợi, nhiều doanh nghiệp thang máy hiện nay còn sử dụng những cái tên gần giống với những thương hiệu lớn khiến khách hàng hoang mang, lầm tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Trong khi đó, các loại thang máy này hầu hết là mua linh kiện, thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau rồi lắp ráp thành thang để bán cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng giả còn ghi những tính năng mà thậm chí hàng thật không có hay những xuất xứ nghe rất kêu như “EU, Nhật Bản,…” mà những doanh nghiệp chân chính không dám ghi vào trong báo giá, hợp đồng nhằm thu hút khách hàng.
Đặc điểm của những doanh nghiệp này là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa có uy tín, thương hiệu trên thị trường,… và những doanh nghiệp này dễ trốn tránh trách nhiệm, bỏ trốn, đóng cửa khi bị khách hàng phát hiện, tố cáo.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thang máy còn đánh lừa khách hàng với cách thức sử dụng cabin, máy kéo của nhãn hiệu lớn còn những linh kiện, thiết bị khác đều là từ các nguồn khác nhau, miễn sao lắp cái thang chạy được là được.
Và những chiếc thang máy có hình thức vỏ chính hãng, ruột kém chất lượng cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏng hóc, trục trặc của thang máy, hay thậm chí nguy hiểm hơn cả là tai nạn thang máy.
Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu. Các loại hàng hóa này đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt phong phú cả về chủng loại.
Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thị trường chung, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thang máy còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của người sử dụng.
Hầu hết các hãng uy tín, thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa.
Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.
Việc sử dụng linh, phụ kiện giả khiến thang máy dễ hư hỏng, gặp sự cố và giảm tuổi thọ thang.
Sự xâm chiếm của hàng giả, hàng nhái còn khiến sản phẩm của các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các đối tác, khách hàng tiềm năng cũng như mất khả năng đổi mới. Bởi mỗi khi đưa sản phẩm ra thị trường thị lại bị làm giả, dẫn đến người tiêu dùng sẽ hiểu nhầm đối với các sản phẩm thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính.
Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Việc sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng như tiếp tay cho loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường bất chấp lợi ích, an toàn của khách hàng không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cá nhân doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp khác trong ngành thang máy cũng như niềm tin của khách hàng với ngành thang máy Việt.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới với một trong những động lực chính là sức sáng tạo và năng suất, thay vì sức lao động và tài nguyên, việc giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Chia sẻ tại buổi Đối thoại chuyên đề: “Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử” hồi tháng 5/2022, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ triệt tiêu khát vọng và mong mỏi sáng tạo của doanh nghiệp. Không ai mong muốn sáng tạo hay phát triển khi mà còn đầy rẫy hàng nhái, hàng giả.
Do đó, ta phải không chỉ coi đây là vấn nạn mà phải coi là kẻ thù của sự phát triển trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển thịnh vượng. Đây thực sự là giặc xâm lăng đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia”.
Về phía nhà nước, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế do không thực hiện các nghĩa vụ về thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Về dài hạn, vấn nạn hàng giả, hàng nhái còn làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam so với thế giới. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nổi bật như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) hay Hiệp định thương mại tự do liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.
Nhằm hướng tới những lợi ích thiết thực cho cộng đồng ngành thang máy, ngày 20/4/2023, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Đường dây nóng phản ánh hàng giả, hàng kém chất lượng, đạo nhái thương hiệu trong lĩnh vực thang máy:
Số điện thoại: 0989761499
Email: contact@tapchithangmay.vn
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật