TCTM – Để triệt tiêu tận gốc hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần phải “tìm đến nơi, truy đến chốn” ngay khi phát hiện. Không chỉ ngăn chặn từ đầu vào là biên giới, cảng biến mà còn phải truy ngược lại từ người mua để tìm ra nơi sản xuất loại hàng hóa này. Do vậy, việc phát giác và tố cáo của người mua là vô vùng quan trọng để dẹp bỏ vấn nạn này.
Thực tế hiện nay, việc tìm mua thang máy là điều không hề khó với số lượng doanh nghiệp thang máy đang hoạt động trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, để mua được thang máy tốt, chính hãng thì lại là điều vô cùng khó khăn khi trên thị trường đang đầy rẫy linh kiện nhái, giả, thang máy liên doanh “tự xưng”, thang máy vỏ chính hãng ruột “tạp chủng”…
Để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người tiêu dùng cần phải thông thái khi chọn mua thang máy, không nên tin tưởng hoàn toàn vào những lời tư vấn viên nói, cũng đừng ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khách hàng cần phải tìm hiểu rõ về xuất xứ, nguồn gốc, công bố chất lượng, chính sách bảo hành,…
Nếu là thang máy nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc từ các hãng thì cần phải có bộ chứng từ nhập khẩu bản gốc cho từng công trình, từng thang máy. Cụ thể gồm Giấy chứng nhận xuất xứ CO (Certificate of Origin), Giấy chứng nhận chất lượng CQ (Certificate of Quality), P/L (Packing List – danh sách đóng gói/bảng kê từ bên bán), Vận đơn B/L (Bill of landing),… kèm theo catalogue, chứng từ, tờ khai hải quan bản gốc và ghi rõ tên công trình, người mua,… và có mã để tra cứu điện tử.
Nếu là thang máy nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc từ các hãng thì cần phải có bộ chứng từ nhập khẩu bản gốc
Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng mua thang máy, khách hàng phải hiểu biết để đưa các điều khoản vào hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình như khi nghiệm thu có thể mời các cơ quan liên quan như các cơ quan chức năng, giám định độc lập,… để kiểm tra, xác nhận về nguồn gốc, xuất xứ.
Trong trường hợp sau khi ký hợp đồng và tiến hành lắp đặt thang, khách hàng mới phát hiện hoặc nghi ngờ mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái, chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo hoặc kém chất lượng, hư hỏng thì khách hàng cần phải mạnh dạn đấu tranh cho quyền lợi của mình, tránh cách suy nghĩ “9 bỏ làm 10” hay ngại tố cáo, kiện tụng.
Khi phát hiện, nghi ngờ có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, khách hàng cần phải giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm và các chứng cứ liên quan, có thể chụp ảnh, quay video để làm bằng chứng.
Sau đó, để xác minh linh kiện hoặc thang máy là hàng giả, nhái, khách hàng có thể gửi đơn, liên hệ tới những cơ quan, hiệp hội có chuyên môn về ngành này như Tạp chí Thang máy/Hiệp hội Thang máy Việt Nam để Hiệp hội phối hợp các bên liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc.
Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ tới Hiệp hội chống hàng giả, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thị trường, cơ quan công an,… để phản ánh và xác minh.
Luật quy định về việc đơn vị sản xuất kinh doanh phải công bố, giải thích rõ các tính năng, khuyến cáo an toàn sử dụng… cho người tiêu dùng và phải cam kết chất lượng hàng hóa, dịch vụ như công bố, quảng cáo.
Vì vậy, ngay sau khi xác nhận chính xác bị bên bán cung cấp hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng hoặc chất lượng không đúng như hợp đồng thì người tiêu dùng cần liên hệ với bên bán hàng để được yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Trong trường hợp hai bên phát sinh tranh chấp, không được bên bán hàng giải quyết thỏa đáng, người bán hàng chối bỏ trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm về phía nhà sản xuất thì khách hàng nên làm đơn tố cáo kèm theo chứng cứ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan Quản lý thị trường/Công an/Hải quan,… nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể khiếu nại đến Hiệp hội Thang máy Việt Nam hoặc phản ánh đến Tạp chí Thang máy để được hỗ trợ các bước xử lý.
Thậm chí, trường hợp có căn cứ chứng minh do hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng có quyền khởi kiện hoặc nhờ các tổ chức xã hội khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để buộc bên bán, cung cấp sản phẩm phải bồi thường thiệt hại.
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, những hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng bị nghiêm cấm, nếu vi phạm thì tùy theo tính, mức độ vi phạm mà bị khiếu nại, tố cáo, bị khởi kiện, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Đồng thời, khách hàng có quyền yêu cầu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả; trường hợp có phát sinh tranh chấp thì có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên thực tế, pháp luật đã có đầy đủ chế tài đối với các vi phạm này, nhưng vì nhiều lý do như nhân sự không đủ đáp ứng cho quản lý một thị trường rộng lớn; hàng giả, hàng nhái vô cùng đa dạng dưới nhiều hình thức, cũng như hoạt động của những đối tượng này rất tinh vi,…
Bên cạnh đó, các mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu vào của các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái nên công tác bảo vệ doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trở ngại. Mặc dù vậy, việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề.
Công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Không ít trường hợp lợi dụng kẽ hở để khai sai về tên hàng hóa, chủng loại, xuất xứ,… Nhiều trường hợp các doanh nghiệp che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, nhập khẩu hàng hóa từ nước A sang nước B để lấy xuất xứ của nước B rồi nhập về Việt Nam.
Nhiều loại thang máy được các doanh nghiệp chào bán dưới dạng tên liên doanh chủ yếu có máy kéo, tủ điều khiển sản xuất tại Trung Quốc nhưng làm giả hoặc nhập vòng qua Thái Lan, Malaysia,… rồi về Việt Nam dưới những cái tên như Mitsubishi, Fuji, Nippon. Thực chất là Nice 3000 của hãng Mornach hoặc Step AS 380 của Trung Quốc.
Một số đối tượng lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; hàng quá cảnh; hàng tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm để nhập lậu.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là biện pháp hữu hiệu để triệt tiêu hàng giả, hàng nhái
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần phải ngăn chặn sự xâm nhập hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ khâu kiểm soát tại biên giới, cửa khẩu, vùng biển tránh để nguồn hàng này thâm nhập vào thị trường nội địa.
Việc xử lý hàng giả, hàng nhái không chỉ dừng ở thời điểm khi hàng hóa đã vào Việt Nam, trưng bày lên kệ bán thì cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử phạt. Việc xử lý tại các cơ sở buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái chỉ giải quyết phần ngọn, mang tính đối phó.
Ngược lại, khi nhận được phản ánh về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ phía người tiêu dùng, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo chiều ngược lại tức là từ người tiêu dùng tới cơ sở kinh doanh, buôn bán sau đó truy ra nơi sản xuất hàng giả, hàng nhái từ đó “triệt tận gốc” vận nạn này.
Nếu hành vi của chủ thể buôn bán, sản xuất hàng giả đủ cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể, tại Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả) với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù, thậm chí bị phạt tiền tối đa là 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Công tác chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, mỗi thành phần, vị trí đều phải có sự gắn kết. Trong đó, người tiêu dùng cần phải thực thi nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật. Khi phát hiện hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thì phải có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp sản xuất, bán hàng hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối khi nhận được thông tin của người tiêu dùng thì phải có động thái tích cực, tìm hiểu, khảo sát và thông báo chính quyền để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, trừng phạt.
Quan trọng nhất vẫn là sự tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, “tìm đến nơi, truy đến chốn” và nghiêm túc thực thi pháp luật đối với những đối tượng làm ăn bất chính.
Hồng Nhung
Thông tin mới cập nhật
Ong Ngọc Toàn
Bài viết rất hay, nên có thêm những bài viết chuyên sâu về linh kiện thang máy giả, linh kiện nhái, không đúng xuất xứ để tạo một môi trường sản xuất và cung ứng lành mạnh