Sau gần một tháng rưỡi ở Hàn Quốc để thực hiện công tác hỗ trợ lắp đặt, thử nghiệm thang máy cho nước bạn, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Việt Nam. Món quà mà chúng tôi mang về là một ít sản vật từ đất nước xinh đẹp và những điều quan sát được về người và nghề trong lĩnh vực thang máy.
Nhiệm vụ của đoàn chúng tôi khi lên đường sang Hàn Quốc là tham vấn kỹ thuật giúp bên đối tác Vastek Group lắp ráp, thử nghiệm dòng sản phẩm thang máy mới trước khi lưu hành mà phía bạn đang lúng túng.
Đoàn chuyên gia kỹ thuật của Gama Service do Hiệp hội Thang máy Việt Nam cử sang tham vấn, hỗ trợ Vastek Elevator Hàn Quốc
40 ngày, những nỗ lực của 2 kỹ sư Việt Nam đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Bài toán khó từ phía đối tác đã có lời giải với sự cảm phục từ các đồng nghiệp Hàn Quốc.
Trong quãng thời gian đó, chúng tôi cũng thường xuyên quan sát với mong muốn học hỏi được điều gì đó thú vị để làm hành trang mang về quê hương. Và những người bạn Hàn Quốc đã gợi ra cho chúng tôi câu hỏi băn khoăn trong suốt hành trình trở về: Tại sao một đất nước có diện tích chưa bằng 1/3 Việt Nam lại có thể phát triển, thuận tiện như vậy?
Phải chăng họ được hỗ trợ từ một nguồn lực nào đó? Nhưng cho dù thế nào thì đối tượng được hỗ trợ phải có tiềm năng, có khả năng. Tôi tin rằng Hàn Quốc họ có những điều ấy, không ở đâu xa mà chính là yếu tố con người. Có lẽ, con người là “chìa khóa” cho mọi vấn đề, ít nhất là trong ngành thang máy.
Xin được chia sẻ một vài suy nghĩ.
Thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt: Trước đây, Hàn Quốc đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thang máy rất thảm khốc. Nhận ra được bản chất của vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng ban hành bộ luật an toàn lao động, trong đó có các quy định chặt chẽ về thang máy.
Thang máy tại Hàn Quốc được kiểm tra và cấp chứng nhận tiêu chuẩn bởi tổ chức mang tên KoELSA (Korea Elevator Safety Agency). Đã có rất nhiều công ty thang máy đã phải đóng cửa vì không đảm bảo được chất lượng đưa ra theo tiêu chuẩn của tổ chức này. Ngay chính công ty Thang máy Vastek cũng đã phải tháo dỡ một thang máy lắp đặt ở đảo Jechu vì lý do thử nghiệm trong quá trình kiểm định không đạt. Thậm chí, họ còn phải đền bù hợp đồng kèm theo với một chi phí rất lớn.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng quy định về thử nghiệm, kiểm định tại Hàn Quốc quá khắc nghiệt và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng phải thừa nhận rằng cũng chính nhờ đó mà người tiêu dùng thang máy tại Hàn Quốc có thể hoàn toàn yên tâm với các sản phẩm được chứng nhận bởi KoELSA.
Các bộ phận liên quan đến an toàn được đặc biệt lưu ý kiểm tra bao gồm: phanh, động cơ, bộ khống chế vượt tốc Governor, cảm biến UCM,… Những thiết bị trên đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thang máy, có nguy cơ gây nguy hiểm khi có vấn đề.
Ngoài ra, tất cả các quy trình kiểm tra đều được đo bằng thiết bị chuyên dụng để ghi lại kết quả chính xác và có hình ảnh rõ ràng, không làm việc theo kiểu cảm tính bằng mắt, bằng cảm nhận… Ví dụ, kiểm tra quá tốc để tác động lên bộ khống chế vượt tốc Governor thì cần phải mở phanh cho thang trôi tự do để kiểm bằng máy đo gia tốc, trượt, thời gian đáp ứng,…
Vượt qua thử nghiệm, kiểm tra trước khi lưu thông: Sản phẩm thang máy để được phép lưu hành tại thị trường Hàn Quốc bắt buộc phải đáp ứng quy định khắt khe về quy chuẩn kỹ thuật và vượt qua được các bài thử nghiệm rất nghiêm ngặt. Sau đó, chúng sẽ được cấp chứng nhận để có thể ra thị trường.
Lấy ví dụ thế này, tủ điện có bao nhiêu bo mạch thì nhà cung cấp (hay nhà sản xuất) cần phải gửi đủ tất cả những bo mạch đó để kiểm tra. Phanh chống rơi có bao nhiêu kiểu thì phải được kiểm tra và thử nghiệm tất cả những kiểu đó trước khi được lưu hành. Bên cạnh đó, đơn vị cấp chứng nhận cũng sẽ kiểm tra thực tế tại nhà máy sản xuất thang máy, dù cho đó có là nhà sản xuất tại nước ngoài, kể cả châu Âu hay Mỹ.
Tại Việt Nam, chúng ta đã có những quy định rõ ràng về quy chuẩn kỹ thuật và kiểm định. Tuy nhiên, nếu quy trình thử nghiệm, kiểm định có thể khắt khe hơn nữa thì sẽ nâng cao hệ số an toàn cho các sản phẩm thang máy, cả nhập ngoại lẫn hàng trong nước. Sản phẩm nào không đủ khả năng đáp ứng thì một là buộc phải cải tiến để tiếp tục, hai là “dừng cuộc chơi”.
Con người là chủ thể quan trọng quyết định mọi vấn đề: Chúng tôi nhận thấy những đồng nghiệp Hàn Quốc coi trọng tính trung thực, minh bạch và tuân thủ tuyệt đối quy trình trong công việc. Mọi vấn đề đều được báo cáo tỉ mỉ và chi tiết.
Trong quá trình phối hợp chuyên môn, mỗi thao tác của chúng tôi dù chỉ thay đổi một chút thì những đồng nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ hỏi chi tiết về lý do, về tính chính xác kỹ thuật,… Dù bản chất là như nhau nhưng chúng tôi cũng cần thể hiện rõ ràng điều đó.
Nghĩ đến chúng ta, có không ít hãng thang máy khi tiến hành kiểm định không đạt thì dùng “kỹ thuật phù phép” để tạo ra kết quả có lợi hoặc dùng “cách nào đó” để thiết bị vận hành được. Ở đây thì không, kỹ thuật cần được đảm bảo chuẩn xác tuyệt đối, một là một, hai là hai. Mọi quy trình, thao tác đều cần dựa trên “giấy trắng mực đen” rõ ràng.
Người Việt mình rất giỏi về kỹ thuật, chăm chỉ, nhiệt tình nhưng cũng khôn lỏi, biết dùng quá nhiều mánh khóe trong công việc. Điều này vô tình đã làm chúng ta “khó lớn”, cả trong việc phát triển bản thân cũng như đóng góp xây dựng tầm vóc cho doanh nghiệp, cho đất nước.
Kết quả công việc là yếu tố quan trọng nhất: Dựa trên quy trình làm việc chuyên nghiệp, chính xác chứ không nặng về tình cảm. Nếu có hỏi bên tình, bên lý bên nào nặng hơn thì chắc họ sẽ chọn vế thứ hai, tôi nghĩ vậy.
Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả công việc của tập thể và sự phát triển chung của quốc gia. Chính vì có mục tiêu như thế nên các đồng nghiệp Hàn Quốc mà chúng tôi hợp tác, đa phần đều làm việc tự giác, tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn và đoàn kết. Điều đó có thể gợi ý cho chúng tôi và các bạn về những mục tiêu lớn hơn để đóng góp cho ngành, công việc của chính chúng ta ở những cấp độ lớn hơn thay vì sự tủn mủn, manh mún?
Vastek Group – một tập đoàn đa ngành, nhân viên vì mục tiêu chung mà họ tự giác làm việc, không cần sếp phải nhắc nhở, can thiệp quá nhiều. Cũng vì thế mà lãnh đạo của họ có nhiều thời gian hơn để xử lý các công việc khác. Tôi cảm nhận như thế.
Chủ động và “liều lĩnh”: Khi phối hợp xử lý công việc thang máy, chúng tôi nhận thấy các đồng nghiệp dường như không ngại và không biết sợ. Khi được giao nhiệm vụ, họ dường như không do dự. Họ sẽ sử dụng tất cả nguồn lực có thể để thực hiện dự án đó, thậm chí đưa ra những yêu cầu nguồn lực hỗ trợ để có thể tối đa hóa khả năng cho dù chưa biết có đạt được mục tiêu như kỳ vọng hay không.
Tôi chợt nghĩ, không ít đồng nghiệp ở đất nước chúng ta sẽ cho rằng: “Mình yêu cầu “ít ít” thôi kẻo đến khi không thành công thì chẳng ra sao”. Và rồi khi yêu cầu “ít ít”, bạn không đủ nguồn lực để làm được tốt nhất dẫn tới không thực hiện được nhiệm vụ một cách hiệu quả, thì có phải do chính bạn? Chỉ vì sợ một điều gì đó mà bạn đã lỡ mất cơ hội?
Liều lĩnh hơn, đó là thứ mà chúng ta cần nghĩ tới!
Luôn luôn học hỏi: Những đồng nghiệp Hàn Quốc cùng làm việc với chúng tôi không hề ngần ngại tham vấn các vấn đề chuyên môn kỹ thuật thang máy mà họ chưa biết rõ. Việc mời những chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài đến hỗ trợ là một việc tiêu tốn nhiều chi phí và họ không muốn lãng phí bất kì điều gì. Chúng tôi cảm nhận rằng họ tìm cách học hỏi được nhiều nhất có thể từ khoản đầu tư này của doanh nghiệp. Tất nhiên chúng tôi cũng vậy, những đồng nghiệp Hàn Quốc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn hết sức quý giá để bổ sung vào vốn kiến thức, mang trở về Việt Nam./.
Những đồng nghiệp Hàn Quốc trong quá trình làm việc luôn chủ động hỏi han kinh nghiệm thực tế
Lời tòa soạn: Đất nước Hàn Quốc, có một nơi giống như “thung lũng silicon” dành riêng cho việc nghiên cứu, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về ngành thang máy đã thúc đẩy ngành công nghiệp thang máy ở xứ sở Kim Chi phát triển với tốc độ nhanh và kỹ thuật cao. Việc các chuyên gia của Hiệp hội Thang máy Việt Nam được Vastek Group (Hàn Quốc) mời sang tham vấn kỹ thuật đã phần nào thể hiện được tầm vóc của ngành thang máy nước nhà. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ tay nghề và thúc đẩy ngành sản xuất thang máy trong nước phát triển.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân.
Ý kiến của bạn thế nào, xin hãy để lại bình luận dưới bài viết.
Nguyễn Thanh Phong
Thông tin mới cập nhật
Minh Tú
Bài chia sẻ rất hay, đậm chất kỹ thuật nhỉ.
Đối với lĩnh vực nào thì cũng cần luôn luôn học hỏi, làm mới và cải tiến.
Minh
Cái tôi to là bộ phanh khủng khiếp của chuyến xe cuộc đời.