Giulio Cappellini là Giám đốc Nghệ thuật cũng là nhà thiết kế của hãng nội thất lừng danh Cappellini. Rất nhiều sản phẩm của Cappellini nằm trong bộ sưu tập vĩnh viễn của các bảo tàng nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới. Ông được tạp chí Time vinh danh là một trong mười người có tầm ảnh hưởng lớn đến xu hướng thiết kế, nghệ thuật thế giới và cũng được vinh dự trở thành Đại sứ của Thiết kế Ý trên toàn thế giới.
Giulio Cappellini cũng là một Giám đốc Nghệ thuật cho công ty Ceramica Flaminia, một công ty dẫn đầu thị trường về vật liệu phòng tắm cũng như công ty Icone Luce. Ông đã có nhiều buổi thuyết giảng trên thế giới trong các trường thiết kế và kiến trúc.
Dưới đây là chia sẻ của ông khi trở thành Giám đốc Nghệ thuật của Tập đoàn IGV trên tạp chí Elevatori Magazine.
Ông có chia sẻ gì về mối quan hệ giữa kiến trúc, thiết kế và lĩnh vực thang máy?
Trong thế giới của kiến trúc và thiết kế, cụ thể là trong mỗi dự án đều có các yếu tố “Loại A” và yếu tố “Loại B”. Người ta thường chú ý đến các yếu tố về cấu trúc và bỏ qua những yếu tố về thiết kế nội thất như cửa sổ và cửa ra vào. Hoặc, nếu ở trong kiến trúc, họ thường bỏ qua thang máy. Nhưng ngày nay, những điều này đã thay đổi. Những năm gần đây, chúng ta đã thấy có sự quan tâm rõ ràng đến những yếu tố mà trước đây có thể cho là “Loại B”. Một cái cửa, một tấm vách hoặc một công tắc thôi đã trở thành yếu tố thiết kế. Nếu như một số căn phòng trước đây được coi là kém quan trọng, hiện giờ đã đóng một vai trò mới và nổi bật trong kiến trúc: Hãy thử nghĩ về một căn nhà ở, nơi phòng tắm trước chỉ là nơi vệ sinh cá nhân, giờ trở thành phòng để hưởng thụ. Hay như các công ty, nếu trước kia chỉ tập trung vào các không gian chính (ví dụ như phòng họp, phòng chờ hoặc các văn phòng) thì theo cách tiếp cận mới này, phải bao gồm cả thang máy. Thang máy không chỉ là một thiết bị phục vụ đi lại nữa, mà trở thành đối tượng trong thiết kế, kiến trúc và là điểm nhấn trong không gian.
Vậy thì khi thiết kế, cần đưa thang máy trở thành điểm nhấn chính trong môi trường nhưng phải luôn duy trì được chức năng của nó. Làm thế nào để tìm ra sự cân bằng phù hợp?
Tạo ra một thiết kế tốt nghĩa là phải tìm được cân bằng giữa “kiểu dáng” và “chức năng”, hòa trộn cả hai yếu tố này. Thật là vô nghĩa khi tạo ra đồ vật có thể vận hành hoàn hảo, nhưng lại xấu xí, hay ngược lại, cũng thật vô nghĩa khi tạo ra đồ vật đẹp mà vận hành tồi. Tôi có thể nói rằng, hiện nay, để thiết kế một dự án thì cần phải tìm được sự hòa trộn tinh tế giữa hai yếu tố. Các yếu tố về công nghệ và thiết bị cơ khí đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Thường thì thiết bị công nghệ sẽ kém thẩm mỹ. Nhưng ngày nay có những thiết bị cơ khí không nhất thiết phải che đi, mà ngược lại, có khi sẽ đẹp hơn nếu được đưa vào làm điểm nhấn.
Về tư cách nhà thiết kế: Điều gì đã thúc đẩy ông tham gia vào ngành thang máy?
Tôi tốt nghiệp ngành Kiến trúc ở Trường Bách Khoa Milan và ban đầu, tôi nghĩ tôi sẽ trở thành nhà kiến trúc sư. Sau đó, tôi gia nhập Cappellini, công ty nội thất của gia đình. Trong một thời gian dài, tôi đã tham gia vào việc phát triển các sản phẩm mới và tìm kiếm các nhà thiết kế mới, bởi vì tôi đam mê làm cái mà tôi hay gọi là “các dự án hợp xướng”. Trong một dự án của công ty, tôi thích được tham gia theo hình thức cá nhân và cả được bao gồm các bên khác, với lịch sử, văn hóa, truyền thống và quốc gia khác nhau. Nói theo cách khác, là làm “các dự án toàn cầu”. Tôi đã làm như vậy trong nhiều năm và sẽ tiếp tục làm như vậy, cho cả Cappellini và cho cả các công ty khác (từ “Ceremica Faminia” trong lĩnh vực phòng tắm đến “Icone luce” trong lĩnh vực đèn và “Superstudio” cho lĩnh vực truyền thông). Tất cả đều cho tôi các kinh nghiệm rất khác biệt, bởi vì tôi chưa bao giờ hoạt động cho hai công ty sản xuất cùng một sản phẩm.
Khi tôi có cơ hội liên hệ với Tập đoàn IGV, trên cả việc thiết kế cho một thang máy duy nhất (người mà tôi làm việc là nhà thiết kế Antonio Facco), chúng tôi lựa chọn mở ra cho công ty một chân trời mới: từ một công ty sản xuất sản phẩm tuyệt vời đến một thương hiệu cho thế giới kiến trúc và thiết kế, một “thương hiệu được khao khát”. Đây là một dự án phức tạp mà không thể có đơm hoa kết trái ngay lập tức, nhưng rất khả thi. Bởi vì tôi tin rằng bằng cách kết hợp giữa chuyên môn công nghệ và sự cởi mở với thế giới thiết kế của Tập đoàn IGV, chúng ta có thể đạt được những kết quả ấn tượng.
Bằng cách nào một công ty chuyên về sản xuất thang máy có thể trở thành một “thương hiệu đáng khao khát”?
Chúng ta cần tạo những dự án tốt và hơn nữa phải tập trung vào việc đổi mới: dù hành trình thang có ngắn thì vẫn có thể trở thành trải nghiệm thực sự. Trải nghiệm này được tạo ra bởi vật liệu, hương thơm, hình ảnh, ánh sáng,… Khoảnh khắc trong thang máy có thể trở nên đáng nhớ hơn bởi có cả một thế giới để khám phá. Không chỉ cần đổi mới hình dạng mà còn cần phải đổi mới về nội dung: ngày nay thế giới thiết kế không chỉ cần thêm sản phẩm mới, mà hơn thế nữa, còn cần thêm ý tưởng mới, câu chuyện mới. Tôi đã nói về thang máy như “kiến trúc năng động”.
Thường thì kiến trúc là tĩnh. Trong khi đó, các đối tượng thiết kế, ví dụ như một vật thể như một chiếc cốc đến một chiếc ô tô, có thể tĩnh hoặc động, nhưng luôn luôn đứng độc lập.
Thang máy thì lại khác. Thang luôn cần phải kết hợp với kiến trúc không gian xung quanh nó, trở thành một yếu tố mà truyền tải các chuyển động và động lực đến thực tế bất động.
Việc Tập đoàn IGV có lịch sử và truyền thống lâu đời có ảnh hưởng như thế nào đến dự án?
Tôi nghĩ chỉ khi công ty có những sản phẩm chất lượng cao thì lúc đó mới nên tính đến các khía cạnh khác của công ty như hình ảnh, truyền thông và các dự án tổng thể.
Sản phẩm chất lượng, sản xuất ở Italy, được tạo ra bởi một công ty với bề dày lịch sử: đây là ba yếu tố nòng cốt để xây dựng một “thương hiệu đáng khao khát”. Nếu được kết hợp với khâu truyền thông đúng cách thì thế giới chính là sân khấu của chúng ta
Vậy nên, một Tập đoàn như IGV có thể trở thành một trong những nhân vật chính của thế giới thiết kế. Sản phẩm thủ công và lối sống Italy vẫn đang có sức hút lớn trên thế giới. Chúng ta cần phải khuyến khích điểm mạnh này của Italy theo thời gian. Bởi vì hiện nay chúng ta có thể tìm thấy bất cứ thứ gì dưới mác “Made in Italy”. Ngược lại, chúng ta phải bán văn hóa và chất lượng cho thế giới, chứ không phải chỉ có sản phẩm.
Một số các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã tham gia vào dự án này (một số khác sẽ tham gia trong tương lai sắp tới), nhưng giá trị to lớn mà Tập đoàn IGV đem đến là lượng kiến thức và khả năng sản xuất. Điều này đòi hỏi nhiều sự linh hoạt từ Tập đoàn IGV.
Vai trò của tôi, kể từ bây giờ, sẽ giống như vai trò của một nhạc trưởng, Tập đoàn IGV sẽ trở thành công ty đa văn hóa, một bản trình diễn về thế giới thang máy được sáng tác bởi nhiều nhà thiết kế khác nhau. Một dàn nhạc chỉ có thể khi có nhiều nhạc sĩ được chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
The Box là hệ thống thang máy, hay đúng hơn là một tác phẩm kiến trúc động được thiết kế bởi Giulio Cappellini và Antonio Facco cho Tập đoàn IGV. Đây không chỉ là phương tiện vận chuyển dọc mà còn một cabin cảm quan đúng nghĩa. Các vách cabin có thể được làm bằng một vật liệu duy nhất hoặc bằng nhiều vật liệu khác nhau đặt cạnh nhau như ô bàn cờ.
The Box hoàn toàn có thể được tùy chỉnh: từ vách cabin được bọc vải hoặc da đến các vật liệu như đá, kim loại, đá Venice – Terrazzo, kính phủ màu, gỗ và nhiều loại khác.
Các vật liệu được lựa chọn luôn đem người dùng trải nghiệm chất lượng sản xuất tuyệt vời của Ý. Nhiều vật liệu được kết hợp khiến cho việc di chuyển bằng The Box trở thành một trải nghiệm cảm quan thực sự, từ trị liệu bằng màu sắc đến âm thanh vòm Dolby Surround, từ màn hình cảm ứng đến hệ thống khử khuẩn hiệu quả. Concept đằng sau The Box mà nhà thiết kế muốn xây dựng là một chiếc hộp linh hoạt mà phù hợp với khoảng không kiến trúc đa dạng nhất, cho cả ở công cộng và tư gia, và đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất.
Hà My
Theo Elevatori Magazine
Thông tin mới cập nhật