TCTM – Trong ba năm qua, thị trường lao động toàn cầu đã phải đối mặt với nhiều thách thức, đầu tiên là COVID-19, sau đó là suy giảm kinh tế tại nhiều quốc gia. Và hiện nay là cuộc khủng hoảng thiếu nguồn lao động trẻ có tay nghề.
Già hóa dân số kéo theo nhiều hệ lụy trong đó là sự tác động tiêu cực tới thị trường lao động của quốc gia cũng như toàn cầu. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, theo một báo cáo mới đây của Tokyo Shoko Survey – một cơ quan điều tra tín dụng doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2023, số vụ phá sản của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quốc gia này đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến việc này là do đồng yên mất giá, nguyên vật liệu tăng cao và quan trọng nhất là thiếu lao động. Dù doanh nghiệp trả lương cao cũng không thể tuyển được lao động. Trong nửa đầu 2023, đã có khoảng 110 vụ phá sản do thiếu nhân lực, đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Tính đến năm 2022, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/3 dân số. Tốc độ già hóa nhanh chóng khiến Nhật Bản mất khoảng 12 triệu lao động trong 1/4 thế kỷ qua và nước này đang tìm mọi cách để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt.
Và trên thế giới, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh chóng tại nhiều quốc gia, đe dọa tạo áp lực cho thị trường lao động. Dự báo, số người trên 65 tuổi trên thế giới sẽ tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này, từ 531 triệu vào năm 2010 lên 1,5 tỷ vào năm 2050.
Nguồn: Worldbank, Liên Hợp Quốc và Tổng cục Thống kê
Và tại Việt Nam, trong kịch bản tỷ suất sinh trung bình cho thấy, đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng lên 19,6 triệu người và chiếm khoảng 18,1% dân số. Với tỷ lệ sinh giảm đi và tuổi thọ tăng lên, từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia có dân số đang già đi, dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già từ năm 2035 (theo Worldbank) hoặc cũng có thể muộn hơn vào năm 2039 (theo UNFPA).
Vậy khi dân số già đi, nguồn nhân lực ở đâu để nuôi nền kinh tế là bài toán mà nhiều quốc gia phải đi tìm lời giải, trong đó có cả Việt Nam.
Tỷ lệ sinh thấp kéo dài trong nhiều năm đang đẩy các quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất. Trong bối cảnh thiếu lao động trong nước, nguồn cung lao động từ nước ngoài được xem là giải pháp “lấp chỗ trống” hiệu quả.
Bên cạnh đó, để ứng phó với vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh nỗ lực tự động hóa trong chuỗi cung ứng, sử dụng robot và ứng dụng AI. Các nghiên cứu gần đây dự báo, quy mô thị trường tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) toàn cầu dự kiến đạt 25,66 tỷ USD vào năm 2027 và tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 40,6% trong giai đoạn này.
Robot đóng vai trò là người điều khiển thang máy để đón khách ngay khi họ bước vào tòa nhà.
Tại Hàn Quốc, vấn đề thiếu lao động trầm trọng đã khiến quốc gia này phải đẩy mạnh sử dụng robot hỗ trợ sản xuất. Theo dữ liệu của Liên đoàn Robot Quốc tế, tính đến năm 2021, Hàn Quốc là nước đứng đầu thế giới về mật độ sử dụng robot công nghiệp, khi cứ có 10.000 công nhân lại có 1.000 robot.
Con số này tại Hàn Quốc cao gấp 7 lần mức trung bình của thế giới và bỏ xa các nước xếp sau là Singapore, Nhật Bản hay Trung Quốc. Và tất nhiên, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đang ở bên “bờ vực dân số”. Chính phủ Hàn Quốc dự báo nước này đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tới năm 2025 sẽ đạt 20,6%, chính thức tiến vào xã hội ‘siêu già’.
Kết hợp AI với tự động hóa là một trong những giải pháp cho tình trạng thiếu lao động tại quốc gia ‘siêu già’ Nhật Bản. Quốc gia này cũng là nơi đầu tiên trên thế giới khởi xướng cuộc “cách mạng robot” từ năm 2015.
Việc thành lập Hội đồng Sáng kiến Cách mạng Robot (RRIC) nhằm ứng dụng robot vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội giúp quốc gia này phần nào vượt qua khủng hoảng dân số, thiếu hụt và suy giảm năng suất lao động trầm trọng.
Trong ngành thang máy, rất nhiều công ty, tập đoàn thang máy quốc tế cũng đã ứng dụng tự động hóa, AI, từng bước tiến vào giai đoạn công nghiệp 4.0 từ khâu thiết kế, sản xuất, lắp đặt, vận hành cho đến khâu bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.
Chẳng hạn như, trong quá trình sản xuất, các cánh tay robot đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà máy từ khâu sản xuất động cơ cho đến các công đoạn dập khung cabin, vách cabin và cửa thang,… Ngay cả công tác lắp đặt thang máy cũng đã có sự tham gia của robot với tính chính xác cao, giúp nâng cao tính an toàn cho người lao động,…
Hệ thống Robot lắp đặt thang máy của Schindler
Song song với quá trình sản xuất, lắp đặt, việc áp dụng công nghệ 4.0 cũng được doanh nghiệp chú trọng trong bảo trì – bảo dưỡng – sửa chữa thang máy thông qua IoT (Internet of Things – Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây và dữ liệu lớn (Big data) cũng như công nghệ robot.
Có thể thấy, tự động hóa hiện đang là một xu thế bao trùm và tác động trực tiếp lên hầu hết các ngành nghề trên thị trường, trong đó có thang máy.
Robot ngày càng đảm nhận nhiều công việc hơn tại nhà máy sản xuất thang máy của hãng Merih Asansor
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, công bố tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Báo cáo của WB cho biết các quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Mỹ là 69 năm, Pháp cần tới 115 năm thì Việt Nam chỉ cần khoảng 20 năm để tiến tới dân số già.
Như đã phân tích, tiến tới già hóa dân số đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng phải đứng trước những thách thức lớn về thiếu hụt nhân lực. Khi còn phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật viên, lao động trong hầu hết các công đoạn, không chú trọng tự động hóa, số hóa cũng sẽ trở thành trở ngại lớn tới sự phát triển bền vững của bản thân mỗi doanh nghiệp.
Và như thế, thay vì đón nhận một xã hội già với hàng ngàn nỗi lo liên quan tới nhân lực lao động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn một phương thức đón nhận một cách nhẹ nhàng hơn nhờ vào đẩy nhanh tốc độ số hóa ngay từ thời điểm này.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật