Tham gia vào xu hướng Eco-design, đạt các tiêu chí được đánh giá nỗ lực chống biến đổi khí hậu,… cho thấy ngành thang máy toàn cầu đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và không đứng ngoài các vấn đề môi trường toàn cầu.
Bạn có tin rằng người ta đã sử dụng 7.500 lít nước – lượng nước mà một người uống trong bảy năm – để sản xuất một chiếc quần jean? Đây là sự thật được Liên Hợp quốc công bố năm 2019 và nó cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng trôi – một hiện thực cấp thiết cần các giải pháp như thiết kế sinh thái – Eco-design. Đó là một triết lý mới, xem xét tính bền vững của sản phẩm từ đầu đến cuối, nơi chiết xuất, sản xuất, phân phối và sử dụng của người tiêu dùng đều phải tuân thủ các tiêu chí xanh.
Trong khi trước nay chúng ta đã quen với nền kinh tế mua – sử dụng – vứt bỏ hay nền kinh tế “tuyến tính”, thì Eco-design nghĩa là nền kinh tế có mục đích sản xuất ra các sản phẩm có tuổi thọ không giới hạn. Nghĩa là hàng hóa nằm trong một nền kinh tế xoay vòng, hết thời gian sử dụng trong điều kiện thích hợp sẽ được chuyển sang mục đích sử dụng mới. Hiểu đơn giản, Eco-design (thiết kế sinh thái) tạo ra các sản phẩm cân nhắc đến tác động môi trường trong toàn bộ “vòng đời” của chúng: từ quá trình sản xuất, đến việc sử dụng và thải bỏ chúng.
Lợi ích của Eco-design không chỉ ở môi trường sinh thái mà bản thân nền công nghiệp, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ đó. Có thể nói, Eco-design chính là lối đi bền vững tất yếu cần theo đuổi, trở thành xu hướng cạnh tranh trong tương lai. Lý do là bởi sẽ đến lúc khách hàng chỉ lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, và sẽ đến lúc tiêu chuẩn Eco-desdign trở thành yêu cầu bắt buộc để hàng hóa có thể lưu thông trên thị trường. Vậy thì nếu doanh nghiệp không bắt đầu ngay từ bây giờ, trong tương lai sẽ bị tụt hậu và thậm chí là bị đào thải khỏi thị trường!
Các lợi ích của Eco-design đối với cả môi trường và thị trường, doanh nghiệp
Có các quy định cụ thể quản lý thiết kế sinh thái chứng nhận các sản phẩm bền vững được tung ra thị trường. Các chứng nhận bao gồm:
Cradle to Cradle (C2C): Hệ thống này chứng nhận và thúc đẩy sự đổi mới trong các sản phẩm bền vững trên năm hạng mục hiệu suất quan trọng: sức khỏe vật liệu, tái sử dụng vật liệu, năng lượng tái tạo và quản lý carbon, quản lý quốc gia và công bằng xã hội.
ISO 14062: Tiêu chuẩn môi trường quốc tế này đánh giá sự tích hợp các khía cạnh môi trường vào thiết kế và phát triển sản phẩm.
ISO 14001: Tiêu chuẩn này cho phép các công ty chứng nhận cam kết của họ đối với môi trường bằng cách quản lý các mối nguy sinh thái nội tại đối với các hoạt động của họ.
ISO 14006: Tiêu chuẩn này liên quan đến hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn kết hợp thiết kế sinh thái, là một tiêu chuẩn quốc tế quy định các hướng dẫn để giúp các tổ chức thiết lập, lập hồ sơ, thực hiện, duy trì và liên tục cải tiến việc quản lý thiết kế sinh thái của họ như một phần của hệ thống quản lý môi trường. Tiêu chuẩn này dự định sẽ được sử dụng bởi các tổ chức đã triển khai hệ thống quản lý môi trường tuân thủ ISO 14001, nhưng có thể giúp tích hợp thiết kế sinh thái vào các hệ thống quản lý khác. Hướng dẫn này có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào bất kể quy mô hoặc hoạt động của tổ chức đó.
Ngành thang máy toàn cầu cũng không nằm ngoài vòng nhận thức về vai trò của thiết kế sinh thái trong phát triển bền vững, hưởng ứng giải pháp sống xanh.
Điển hình trong số đó, Công ty Thang máy Orona (Tây Ban Nha) chính là doanh nghiệp thang máy đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận Eco-design ISO 14006, cùng đó toàn bộ các trung tâm làm việc của Orona tại Tây Ban Nha cũng được cấp chứng nhận ISO 14001. Thành tựu này đạt được dựa trên nỗ lực xây dựng một chiến lược phát triển hiện đại, nhân văn và trên hết là hướng tới lợi ích cộng đồng. Bởi thế từ lĩnh vực quản trị, sản xuất, dịch vụ,… nhà sản xuất này đều đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Ngoài việc cân nhắc mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong toàn bộ các công đoạn từ nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, sử dụng cho đến cuối vòng đời sản phẩm thì Orona còn trang bị cho sản phẩm của mình nhiều ứng dụng công nghệ thông minh: hệ thống vi xử lý kết nối trực tiếp với trung tâm quản lý vận hành tại Tây Ban Nha, có thể hướng dẫn và xử lý kỹ thuật thông qua Internet. Những giải pháp được Orona áp dụng cho thang máy trước hết đã góp phần giảm mức độ tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, kế đó là giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Về lâu dài, chiến lược phát triển xanh của Orona hướng tới xây dựng một thương hiệu có trách nhiệm toàn diện với cộng đồng, khởi tạo một xu hướng phát triển tích cực, tham gia vào “cuộc chạy đua” giữ gìn môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp thang máy cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
KONE và TK Elevator (TKE) là một trong những nhà sản xuất thiết bị gốc – OEM (khác với các doanh nghiệp gia tăng giá trị cho mặt hàng ban đầu bằng các tính năng, dịch vụ – VAR) được công nhận với điểm “A” danh giá từ CDP (Customer Data Platform – Nền tảng dữ liệu khách hàng) của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cho những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Hai doanh nghiệp này nằm trong số ít các công ty hoạt động hiệu quả được đánh giá đạt điểm “A” trong số gần 12.000 doanh nghiệp tham gia đánh giá. Những doanh nghiệp thang máy khác đạt điểm “A” bao gồm Mitsubishi Electric Corp. và Hitachi Ltd.
Trong một thông cáo báo chí, KONE công bố rằng họ đã thông qua CDP từ năm 2009 và đã nhận được điểm A hoặc A- về biến đổi khí hậu trong chín năm liên tiếp. CDP phân bổ điểm từ A đến D- dựa trên tính toàn diện của việc công bố thông tin, nhận thức và quản lý các rủi ro môi trường, chứng minh các thực tiễn tốt nhất, khả năng lãnh đạo về môi trường và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng. Vào năm 2020, KONE đặt mục tiêu giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon vào năm 2030.
Đạt điểm “A” trong năm thứ hai liên tiếp, TKE cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ bền vững, đặc biệt là cam kết giảm CO2. phát thải thông qua các biện pháp như chuyển đổi xe sang điện và hybrid. Các mục tiêu của TKE bao gồm chỉ sử dụng điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 và hướng đến trở nên trung hòa với khí hậu vào năm 2050.
Có thể nói, những nỗ lực của các doanh nghiệp thang máy trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nỗ lực đạt các tiêu chuẩn về Eco-design cho thấy quyết tâm của ngành thang máy đang ngày càng được lan tỏa và hưởng ứng mạnh mẽ. Ngoài ra, đây cũng là biểu hiện rõ ràng của lựa chọn phát triển bền vững của ngành thang máy toàn cầu.
Với xu hướng tất yếu này, phải chăng cũng đã đến lúc Việt Nam cần đề cao vai trò của vấn đề sinh thái, khí hậu đối với hàng hóa và doanh nghiệp. Chỉ có bắt đầu ngay từ bây giờ, chúng ta mới hạn chế được những hậu quả trong tương lai, cùng đó là bắt kịp xu hướng cạnh tranh tất yếu của thị trường toàn cầu hướng về môi trường sinh thái.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật
Nguyên Nguyễn
Bài viết của tác giả gợi ý về chiến lược mà ngành thang máy non trẻ VN cần tính tới nhỉ.
Càng ngày tiêu chuẩn đặt ra càng khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp Việt vừa phải đi tắt đón đầu công nghệ, bắt kịp xu thế, vừa đáp ứng thị trường trong nước rồi vươn ra biển lớn.