Năm 2021, Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy ra đời, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, xây dựng – phát triển nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chuẩn hóa nhân lực ngành thang máy. Đây là tiền đề quan trọng, không chỉ hoàn thiện hệ sinh thái còn khá mới mẻ mà quan trọng hơn, hướng tới mục tiêu là tạo đòn bẩy để ngành thang máy nước nhà phát triển bền vững.
Thang máy được cấu thành từ nhiều thiết bị cơ bản như động cơ, biến tần, bo mạch vi xử lý, tủ điều khiển, cáp tải chuyên dụng, thiết bị chống vượt tốc,… Giới chuyên môn đều hiểu rằng đây là những bộ phận quan trọng nhất trong thang máy. Việt Nam đã sản xuất được những thiết bị này hay chưa? Chúng tôi không muốn đánh đố độc giả với câu hỏi này mà muốn các bạn hãy theo dõi tiếp câu chuyện.
Trên thực tế, đa phần chúng ta mới chỉ sản xuất được những bộ phận như khung thang, vách cửa tầng, đối trọng, vỏ tủ điện, bóng đèn chiếu sáng, cáp điện, sàn cabin, tay vịn,… Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy nhận định: “Chúng ta có năng lực tự sản xuất được 20% số linh kiện, thiết bị. Nhưng về mặt điện – điện tử, chúng ta nhập khẩu gần như 100%. Sản phầm thang máy nội địa vẫn mang hồn cốt của những linh kiện ngoại nhập chứ không mang nhiều chất xám và trí tuệ Việt trong đó. Chính điều này đã khiến giá trị gia tăng trong sản phẩm thang máy nội địa là vô cùng nhỏ.”
Chúng ta có thể đổ lỗi cho vấn đề đến từ nền công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ dòng chảy của ngành thang máy. Nhưng một nguyên nhân thực tế hơn mà chắc hẳn các doanh nghiệp sản xuất thang máy nội địa đã nhận ra là chúng ta đang thiếu những nghiên cứu khả thi và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Một khi làm chủ được công nghệ, công nghiệp thang máy trong nước mới có thể cất cánh và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Bật nhảy trên “lò xo” chắc chắn sẽ đạt thành tích cao hơn nhiều nếu bạn chỉ đi “chân đất”.
Khoa học, công nghệ sẽ phải trở thành động lực then chốt cho ngành công nghiệp thang máy Việt Nam
Trong số hơn 300 doanh nghiệp thang máy có mặt trên thị trường Việt Nam hiện nay, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thử hỏi có bao nhiêu đơn vị đã có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ?
Bản chất của R&D trong mỗi doanh nghiệp chính là tích lũy và sáng tạo tri thức, công nghệ. Nhưng để đầu tư cho R&D thì cần một nguồn lực không nhỏ về tài chính, nhân lực mà không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được.
Bên cạnh đó, các hoạt động R&D của doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ tập trung nhiều vào ứng dụng, nghĩa là gắn với cải tiến, giải quyết các vấn đề của hiện tại hơn là những sáng tạo mang tính đột phá.
Cũng không khó hiểu bởi Thang máy là ngành trẻ, mới có tuổi đời trên dưới 20 năm tại Việt Nam. Trong khi đó trên thế giới thì lĩnh vực này đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ. Khi đó, doanh nghiệp trong nước hoặc chọn làm thương mại, hoặc chọn nhập khẩu linh kiện lắp ráp và phân phối thị trường là hai hướng đi không có gì phải bàn cãi. Chỉ khi tồn tại được rồi, sau quá trình phát triển tạo ra đủ sự tích lũy cho doanh nghiệp mới là lúc nghĩ đến việc đầu tư để làm chủ công nghệ. Có thực mới vực được đạo là không sai nhưng những bất cập sẽ xuất hiện.
Khi không làm chủ được công nghệ nghĩa là chúng ta luôn tụt hậu hơn thế giới. Những bài học về “rác công nghệ” từ những lĩnh vực điện tử, cơ khí…còn mang đủ tính thời sự để cảnh báo ngành thang máy Việt Nam non trẻ. Chúng ta không có bí quyết công nghệ – thứ vũ khí sắc bén để cạnh tranh dẫn tới lép vế ngay trên chính sân nhà. Dòng tiền vẫn chảy ngược từ trong ra ngoài nước và sẽ không có dấu hiệu đảo chiều nếu cứ tiếp tục cách làm cũ.
Thách thức này đã thôi thúc sự ra đời của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam. Một trong những sứ mệnh của Viện chính là sáng tạo, chuyển giao công nghệ – kỹ thuật thang máy. Một mảnh ghép để hoàn thiện hơn nữa hệ sinh thái ngành công nghiệp thang máy nước nhà.
Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy ra đời với sứ mệnh “nâng” vai trò và vị thế của ngành công nghiệp Thang máy trong nước. Muốn làm được như thế, chúng ta sẽ lấy việc đào tạo, sát hạch nhân lực ngành làm “điểm tựa”, lấy chuyển giao công nghệ và phát triển quy chuẩn, tiêu chuẩn làm “điểm đặt của lực”. Khi đó chúng ta sẽ tạo ra được “đòn bẩy” để đưa ngành công nghiệp Thang máy Việt Nam lên tầm cao.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy chia sẻ: “Viện sẽ thực hiện công tác đào tạo nhân viên lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thang máy với tài liệu đào tạo được biên soạn công phu do đội ngũ kỹ sư lành nghề kết hợp với các cơ sở đào tạo như trường đại học, trường dạy nghề biên soạn. Các học viên tham gia khóa học sẽ được đào tạo với nền tảng vững chắc về lý thuyết, về công tác thực hành. Sau khóa học các học viên có thể lắp đặt, vận hành thuần thục thang máy. Trong quá trình đào tạo, học viên sẽ được tiếp xúc với các thang máy được lắp đặt chuyên biệt phục vụ cho đào tạo. Học viên bắt buộc phải trải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ. Các cấp hạng chứng chỉ sẽ phân loại rõ trình độ của các học viên. Viện sẽ cam kết chất lượng đầu ra”.
Có thể thấy, khi nhân lực ngành thang máy được đào tạo bài bản, sát hạch và cấp chứng chỉ theo các hình thức: Learning by doing (Học qua thực hành), Training on job (Đào tạo trong công việc thực tế) để gắn chất lượng đào tạo với nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Khi đó, năng lực ngành Thang máy đã có biến chuyển về chất. Lực lượng lao động được đào tạo nghiệp vụ thang máy từ định hướng, cơ bản đến chuyên sâu và công tác quản lý trong ngành sẽ tăng trưởng về lượng theo thời gian. Một trong ba Quy luật cơ bản của Triết học đã chỉ ra rằng: Khi tạo ra được chuyển biến về chất, đó là cuộc cách mạng. Khi tạo được biến đổi về lượng đủ lớn, đó là tiến hóa. Trên cơ sở đó, năng lực nền tảng – yếu tố con người sẽ được nâng lên những cao độ mới, tiệm cận hơn với trình độ của thế giới.
Ở góc độ Nghiên cứu và Phát triển (R&D), Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy sẽ nỗ lực tiên phong trong sáng tạo tri thức, phát triển và chuyển giao công nghệ. Khi đó, chúng ta sẽ có những “bí kíp riêng” để tạo ra những sản phẩm thang máy với tỷ lệ nội địa hóa cao, hạ giá thành sản xuất, hiện thực hóa những xu thế công nghệ thang máy trong tương lai như đệm từ trường hay kiến tạo những sản phẩm “xanh” vì lợi ích cộng đồng. Những công nghệ mới sẽ được chuyển giao hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thang máy trong nước, tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để ngành Thang máy nước nhà tăng tốc, tạo ra đột biến.
Thiên tài Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, với ý nghĩa là biết học hỏi và tận dụng những thành tựu đã có để vươn lên. Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy kỳ vọng với những giá trị mang lại sẽ tạo đòn bẩy để ngành Thang máy nước nhà phát triển nhanh về công nghệ.
“Thang máy là một ngành nghề, lĩnh vực đặc thù và quan trọng trong xã hội, nó ảnh hưởng rất lớn đến an toàn, chất lượng cuộc sống người dân. Do vậy, Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy sẽ là cơ quan tiên phong trong việc nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực sản suất, nghiệm thu, vận hành và bảo dưỡng thang máy. Viện sẽ kết nối với các tổ chức hiệp hội ngành có uy tín trên thế giới, các tập đoàn công nghệ thang máy hàng đầu để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng và độ an toàn của thang máy nội địa”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh bày tỏ quan điểm./
Đăng Khoa
Thiết kế: Trọng Tấn
Thông tin mới cập nhật
Trương Quốc Huy
Hay nhưng vẫn là trên giấy
Nguyên Nguyễn
Cảm ơn anh đã quan tâm. Đúng như anh nói, trước mắt thì dự án này vẫn đang trên giấy nhưng Hiệp hội cũng như Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy đang nỗ lực, gấp rút từng ngày để triển khai. Anh Huy có công tác trong lĩnh vực này và có thế chia sẻ những điều mà anh quan tâm chứ ạ?
Phạm công
Tôi muốn được học về kỹ thuật thang máy, có chổ nào đào tạo ko?
Nhờ chỉ giúp, cám ơn
Nguyên Nguyễn
Anh liên hệ với số máy hotline của Hiệp hội Thang máy anh nhé: Mr Nguyễn Huy Tiến, Chánh văn phòng Hiệp hội, 0904550779.
Cảm ơn anh đã quan tâm.
Nguyễn Phong
Bài viết hay, mơ về tương lai tốt đẹp cho ngành thang máy Việt Nam. Hiện tại 100% bulong trong thang máy vẫn là made in nước ngoài ạ
Nguyên Nguyễn
Cảm ơn anh. Mong là là chúng ta sớm có những sản phẩm thang máy mang trí tuệ Việt đúng nghĩa.
Nguyễn Dũng
Những suy nghĩ rất thiết thực và hiện đại.Mong sớm đi vào đời sống để đất nước còn phát triển.
Nguyên Nguyễn
Trân trọng cảm ơn ý kiến của độc giả.