TCTM – Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, hiện đang dẫn đầu số dự án đầu tư vào Việt Nam. Theo một số nhận định, việc di chuyển nhà máy sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tờ South China Morning Post (SCMP – Hồng Kông, Trung Quốc) cho hay, tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) thường niên được tổ chức tại TP Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc kéo dài từ ngày 16-17/9/2023, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc xếp hàng chờ đợi để được tư vấn về việc đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam nhiều chưa từng có.
Hội nghị thượng đỉnh Thương mại – Đầu tư Trung Quốc – ASEAN kéo dài 4 ngày, cũng vừa kết thúc hôm qua 19/9. Hơn 2.000 doanh nghiệp từ 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã tham dự diễn đàn thường niên, trong đó nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp từ lâu đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực. (Ảnh: AFP)
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Kinh doanh Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng, Việt Nam), bà đã tiếp tới 300 khách hàng doanh nghiệp tiềm năng đến từ Trung Quốc trong cuộc họp kết nối doanh nghiệp kéo dài hơn 1 giờ. Thậm chí, sau buổi nói chuyện, vẫn còn hơn hàng chục khách hàng Trung Quốc xếp hàng đợi bà Nga tư vấn.
Tất cả những doanh nghiệp này đều đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và đặc biệt quan tâm đến Việt Nam.
Bà Nga cho biết: “Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến thị trường Việt Nam. Mối quan tâm của họ đặc biệt bùng nổ trong năm 2023 này”.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc như các nhà sản xuất hóa chất, điện tử và sản xuất tấm pin mặt trời đang bày tỏ sự quan tâm đến các khu công nghiệp của nước ta. Sắp tới sẽ có khoảng 7, 8 nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chuyển đến đây vào cuối năm nay.
Theo Hiệp hội Thang máy Việt Nam, chỉ trong nửa đầu năm 2023, đã có khoảng gần 20 doanh nghiệp lớn, tầm cỡ tại Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực thang máy tới gặp Hiệp hội để tìm hiểu và tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất hoặc liên doanh qua hoạt động mua bán, sáp nhập.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ tới thời điểm hiện tại, Triển lãm Quốc tế Thang máy, Thang cuốn, Công nghệ & Phụ kiện – Vietnam Elevator Expo 2023 đã thu hút khoảng hơn 40 gian hàng tới từ các doanh nghiệp thang máy, thang cuốn và lĩnh vực liên quan của Trung Quốc đăng ký tham gia triển lãm.
Tính trên toàn bộ quy mô triển lãm Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo), hiện số gian hàng đăng ký triển lãm tới từ phía doanh nghiệp Trung Quốc nói chung đã chiếm khoảng 40% tổng số gian hàng của Hội chợ.
Khu vực triển lãm chuyên đề thang máy, thang cuốn và phụ kiện tại Vietnam Elevator Expo 2022
Theo nhận định của SCMP, kể từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ Trung nổ ra năm 2018, Việt Nam là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp muốn di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế nhập khẩu của Mỹ.
Môi trường chính trị ổn định của Việt Nam cộng với lực lượng lao động trẻ và chi phí lao động thấp đã giúp nước ta trở thành điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước ngoài để mắt tới. Những ưu điểm này từ lâu đã biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Hãng tin Reuters hồi tháng 3 cũng đưa tin, sau khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch vào tháng 12/2022, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chỉ trong 50 ngày đầu năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tổ chức đầu tư 45 dự án mới tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 2,69 tỷ USD; vượt cả Nhật Bản, Hàn Quốc, để giành vị trí thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Nếu xét về số lượng dự án thì Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới, đạt tỷ lệ 20,7%.
Bình luận về làn sóng chuyển dịch của các nhà đầu tư Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài – GS.TSKH Nguyễn Mại chia sẻ: “Không chỉ năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam thông qua tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá”.
Theo giới phân tích, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam được xem là cơ hội nhưng cũng mang tới không ít thách thức.
Xét ở góc độ thu hút đầu tư đơn thuần thì đây là một tín hiệu tốt. Trong bối cảnh đất nước mở cửa chào đón đầu tư FDI, dù là nhà đầu tư tới từ quốc gia nào thì doanh nghiệp làm hạ tầng cũng gia tăng nguồn thu từ việc thuê đất, có dự án đầu tư là sẽ có vốn đầu tư được giải ngân. Và quan trọng hơn, thông qua các dự án sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng góp cho nền kinh tế và các loại thuế vào ngân sách,…
Điều này sẽ giải quyết được những vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài thì chưa kiến tạo được một cơ cấu nền kinh tế hiện đại, bền vững, tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp đất nước.
Chuỗi giá trị trong sản xuất – Như vậy, lắp ráp sản xuất là nền tảng nhưng giá trị gia tăng lại thấp nhất
Đằng sau bức tranh dòng vốn FDI rót vào Việt Nam đầy tươi sáng, các chuyên gia cũng đặt ra không ít nỗi lo về việc nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đưa thiết bị lạc hậu hoặc chuyển công nhân, chuyên gia của họ sang Việt Nam đảm nhận các khâu có giá trị cao như R&D, thiết kế còn các khâu sản xuất, gia công đơn giản thì sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam.
Thậm chí, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam có nguy cơ bị biến thành “cứ điểm” để các doanh nghiệp Trung Quốc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Về mối lo ngại này, tờ SCMP cũng thông tin, các doanh nghiệp và chuyên gia thương mại cũng đã dự báo về việc thắt chặt quy định về xuất xứ giữa các nhà nhập khẩu phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc quản lý chặt chẽ hơn các sản phẩm từ công ty linh kiện Trung Quốc nhưng lắp ráp ở Việt Nam.
Câu chuyện đầu tư FDI để “rửa” xuất xứ từng được Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam phản ánh hồi tháng 5/2023
Còn đối với ngành thang máy, bên cạnh các nhà máy của các thương hiệu thang máy quốc tế, Trung Quốc cũng có không ít doanh nghiệp thang máy nội địa tiềm năng như Joylive, Canny, Koyo,…
Với kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc và quốc tế, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng và lấn át, thâu tóm và loại bỏ các doanh nghiệp thang máy Việt.
Quan trọng hơn, nguy cơ về việc các doanh nghiệp thang máy ngoại chuyển các dây chuyền đã hết khấu hao sang các nước khác để sản xuất, lắp đặt cũng mang tới mối lo ngại các doanh nghiệp này có thể phá giá, bán thang máy với mức giá không tưởng và khiến doanh nghiệp Việt bị “hụt hơi” trong cuộc đua chiếm giữ thị phần.
Một số doanh nghiệp thang máy Trung Quốc tham gia Triển lãm Thang máy và Thang cuốn Quốc tế (WEE Expo)
Đã đến lúc Việt Nam không cần phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá, mà cần phải kiểm soát công nghệ từ các dòng vốn đầu tư chuyển vào Việt Nam, tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Để làm được điều đó, quan trọng nhất là việc xây dựng các chế tài chặt chẽ, khoa học và toàn diện, vừa thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.
Chúng ta cần đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành từ đó tạo nên một “lưới lọc” chọn ra các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn giúp chuyển giao công nghệ mới, công nghệ lõi; gia tăng năng suất lao động, tay nghề người lao động; sản phẩm chọn lọc, người tiêu dùng được lợi,… thông qua “lưới lọc” này tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật