Doanh nghiệp thang máy ‘lao đao’ vì bất động sản Trung Quốc suy yếu
Doanh nghiệp thang máy ‘lao đao’ vì bất động sản Trung Quốc suy yếu
TCTM – Nhu cầu lắp đặt thang máy mới suy giảm mạnh do các hoạt động xây dựng tại Trung Quốc gần như ‘đóng băng’, nhiều doanh nghiệp thang máy báo cáo lợi nhuận sụt giảm, điều chỉnh định hướng kinh doanh.
TCTM – Nhu cầu lắp đặt thang máy mới suy giảm mạnh do các hoạt động xây dựng tại Trung Quốc gần như ‘đóng băng’, nhiều doanh nghiệp thang máy báo cáo lợi nhuận sụt giảm, điều chỉnh định hướng kinh doanh.
Chiếm hơn 60% nhu cầu thang máy toàn cầu, cú “ngã ngựa” của loạt đại gia bất động sản như Country Garden hay Evergrande đã kéo theo sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp thang máy rơi vào cảnh “lao đao”, ngày càng “khó kiếm tiền” tại thị trường tỷ dân.
Số lượng các công ty thang máy châu Âu hoạt động tại Trung Quốc lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng tăng.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc tháng 9/2024 vừa qua, có 71% thành viên của Phòng Thương mại cho biết biên lợi nhuận tại Trung Quốc đang ở mức bằng hoặc thấp hơn mức trung bình toàn cầu. Khoảng 44% thành viên bi quan về lợi nhuận trong tương lai – mức cao nhất kể từ khi báo cáo bắt đầu được đưa ra vào năm 2012.
Cuối năm 2023, Bloomberg đưa tin Wittur Holding – nhà sản xuất linh kiện thang máy Đức – chứng kiến doanh thu giảm sâu do sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản Trung Quốc, một trong những thị trường chính của công ty.
Nhu cầu về thang máy xuống rất thấp khi các hoạt động xây dựng ở Trung Quốc gần như đóng băng. Do gánh nặng nợ lớn cùng với sự phụ thuộc vào thị trường tỷ dân đã khiến các cổ đông của công ty này, gồm Bain Capital (Mỹ) và một quỹ hưu trí của Canada, đã chuyển quyền sở hữu cổ phần cho chủ nợ là KKR & Co.
Câu chuyện vẫn chưa có điểm khởi sắc khi kết thúc quý 3/2024, nhiều doanh nghiệp thang máy đa quốc gia cũng thông báo lợi nhuận sụt giảm và cắt giảm dự báo cả năm. Nguyên nhân hầu hết đều đến từ việc thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm, không thấy tín hiệu phục hồi.
Với 30% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận hoạt động điều chỉnh trong quý 3/2024 của Kone là 319 triệu euro (khoảng 344 triệu USD), thấp hơn với mức dự báo trung bình là 340 triệu euro (khoảng 367 triệu USD).
Giám đốc điều hành Kone, ông Philippe Delorme cũng cho biết trong năm 2024, phần lợi nhuận liên quan đến xây dựng mới ở Trung Quốc sẽ ít hơn 10%.
Tương tự, Otis cũng đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng hằng năm xuống còn 14,2 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng trước đó là từ 14,3 đến 14,5 tỷ USD. Doanh thu ròng bán mới quý 3/2024 của Otis giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1,3 tỷ USD, nguyên nhân nằm ở mức giảm hơn 20% tại Trung Quốc.
Investing.com nhận định doanh thu từ thiết bị mới tại Trung Quốc giảm đáng kể đã góp phần tạo nên mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2017 của Otis.
Thị trường hậu mãi 'khổng lồ'
Thị trường hậu mãi 'khổng lồ'
Có thể thấy rõ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đến chi tiêu của người tiêu dùng đang chững lại và căng thẳng thương mại gia tăng.
Dù mảng kinh doanh thiết bị mới tại thị trường Trung Quốc gặp nhiều thách thức, đây vẫn là thị trường tiềm năng lớn trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì và hiện đại hóa thang máy, với gần 11 triệu thang máy tính đến cuối năm 2023. Các doanh nghiệp trong ngành đều đang chuyển hướng tập trung vào mảng này.
Trung Quốc không quy định cụ thể về niên hạn sử dụng của thang máy.
Tuổi thọ thang máy thường được xác định dựa trên tiêu chuẩn quốc gia và quy định của từng địa phương, có thể khác nhau tùy khu vực và loại thang máy. Thông thường, thang máy dân dụng có tuổi thọ từ 15 đến 20 năm, còn thang máy thương mại từ 20 đến 25 năm.
Tuy nhiên, các thương hiệu lớn tại Trung Quốc đều khuyến nghị 15 năm là “thời gian thang máy có thể hoạt động an toàn trong điều kiện sử dụng bình thường.”
Điều này mở ra một thị trường lớn và bền vững, trở thành nguồn lợi nhuận chủ lực cho các doanh nghiệp.
Theo biểu đồ xu hướng lão hóa thang máy tại Trung Quốc, giai đoạn 2030-2040 sẽ có khoảng 50% số lượng thang máy hiện tại đạt ngưỡng 15 năm, là một con số khổng lồ để thực hiện các chương trình hiện đại hóa và thay thế.
Dư địa lắp mới vẫn còn
Dư địa lắp mới vẫn còn
Ngoài các con số về thị trường dịch vụ bảo trì và hiện đại hóa thang máy, Trung Quốc bắt đầu áp dụng một chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ cải tạo chung cư cũ liên quan trực tiếp đến lắp đặt thêm thang máy.
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1976, những người nhập cư trẻ ùn ùn chuyển dịch từ nông thôn lên làm việc cho các nhà máy mới xây mọc lên như nấm sau mưa. 25 năm tiếp theo, các thành phố Trung Quốc có lượng dân cư gần bằng toàn bộ dân số Mỹ.
Để tạo nơi ở cho các cư dân mới của thành phố, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đã vội vàng xây dựng các tòa chung cư cao từ 7 đến 10 tầng trên khắp đất nước. Các tòa chung cư mang phong cách Liên Xô nhanh chóng hình thành và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại những trung tâm sản xuất như Quảng Châu.
Nhưng hầu hết những chung cư này không có thang máy. Trung Quốc lúc đó vẫn còn là nước nghèo. Họ có rất ít nhà sản xuất thang máy, trong khi hàng nhập khẩu rất đắt đỏ.
Các tòa chung cư mang phong cách Liên Xô chỉ cao từ 7 đến 10 tầng, được Trung quốc xây dựng vào những năm 80 đều không có thang máy.
Tình trạng thiếu thang máy giờ đây trở thành một vấn đề lớn trong một xã hội đang già đi nhanh chóng như Trung Quốc.
Kế hoạch lắp đặt thang máy cho ba triệu tòa chung cư cũ vốn chỉ có thang bộ đã được Trung Quốc tiến hành từ năm 2020. Gần đây, vào đầu năm 2024, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tiếp tục đề xuất lắp đặt thang máy mới cho các chung cư cũ “có khả năng lắp đặt” nhưng chưa có thang máy.
Tham khảo các chỉ số chi phí cho các dự án lắp đặt thang máy do Ủy ban Nhà ở và Xây dựng Đô thị – Nông thôn Bắc Kinh công bố gần đây, tổng chi phí lắp đặt mỗi thang máy khoảng 800.000 – 1.000.000 RMB (111.523 – 139.404 USD), trong đó thang máy chiếm khoảng 15%, chi phí lắp đặt chiếm khoảng 15%, phần xây dựng cải tạo chiếm khoảng 70%.
Dựa trên điều này, ước tính rằng tổng dung lượng lắp đặt thang máy trong tương lai sẽ là 375 – 450 tỷ RMB (53,2 – 62,7 tỷ USD) cho riêng lắp đặt thang máy và 750 – 900 tỷ RMB (104,5 – 125,4 tỷ USD) cho tổng toàn bộ chi phí bao gồm cả thiết bị, và cải tạo lắp đặt.
Với hàng triệu thang máy sắp đến hạn nâng cấp, cùng những kế hoạch lắp mới cho các chung cư cũ, Trung Quốc hứa hẹn vẫn sẽ là nguồn tăng trưởng bền vững, đảm bảo doanh thu ổn định cho ngành trong nhiều năm tới.