TCTM – Bên cạnh những lợi ích từ việc mua bán, sát nhập mang lại, hoạt động này cũng mang tới nhiều lo ngại về vấn đề các doanh nghiệp thang máy Việt Nam bị các “cá lớn” quốc tế thâu tóm, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với đầy rẫy những khó khăn.

Không ít người cho rằng khi đã theo kinh tế thị trường thì chuyện mua bán và sát nhập (M&A) là bình thường, rằng nước ngoài khi tiếp quản doanh nghiệp trong nước thì vẫn đánh thuế, đóng góp tăng trưởng,… nhưng nhìn ngược lại, không tự nhiên mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phải thốt lên “việc thâu tóm của nước ngoài là rất nguy hiểm” và “rất lo ngại” tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5.

Sau năm 2022 với một loạt thách thức từ chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất leo thang, nền kinh tế toàn cầu bước sang năm 2023 tiếp tục phải đối mặt với những biến động kinh tế khó lường. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ đặt ra mối lo về một cuộc khủng hoảng tài chính mới tương tự như hồi năm 2008.

Với khó khăn chung đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp thang máy nước ngoài cũng phải “căng mình” để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và Việt Nam – thị trường thang máy đầy tiềm năng, cũng là một trong những điểm đến được nhiều doanh nghiệp ngoại hướng tới.

Quan trọng hơn, lĩnh vực bất động sản, cùng với xây dựng, đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc và là trụ cột chính cho tăng trưởng của đất nước này. Tuy nhiên, kể từ khi giới chức nước này siết hoạt động cho vay từ năm 2020, thị trường bất động sản Trung Quốc nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt.

Trong năm 2022, các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc điêu đứng khi giá nhà lao dốc, doanh số bán nhà giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục. Trong tháng 3/2023, số lượng công trình mới xây dựng đã giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Với việc Trung Quốc bất ngờ từ bỏ chính sách Zero COVID vào cuối năm 2022, không ít doanh nghiệp thang máy lớn tại Trung Quốc cũng đã tiến sang các thị trường khác trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh thị trường xây dựng, bất động sản Trung Quốc gặp khó.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng Trung tâm Greenland Vũ Hán, một tòa nhà chọc trời cao 636m ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Theo Hiệp hội Thang máy Việt Nam, ngay từ đầu năm 2023 tới nay đã có khoảng hơn 10 doanh nghiệp lớn, tầm cỡ tại Trung Quốc tới gặp Hiệp hội để tìm hiểu và tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất hoặc liên doanh qua hoạt động mua bán, sát nhập (M&A).

Trung Quốc là phân xưởng sản xuất thang máy của thế giới. Bên cạnh các nhà máy của các thương hiệu thang máy quốc tế, Trung Quốc cũng có không ít doanh nghiệp thang máy nội địa tiềm năng như Joylive, Canny, Koyo,…

Với kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc và quốc tế cùng “cái nôi” xuất phát từ “công xưởng lớn nhất thế giới”, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng và lấn át, thâu tóm và loại bỏ các doanh nghiệp thang máy Việt.

Quan trọng hơn, nguy cơ về việc các doanh nghiệp thang máy ngoại chuyển các dây chuyền đã hết khấu hao sang các nước khác để sản xuất, lắp đặt cũng mang tới mối lo ngại các doanh nghiệp này có thể phá giá, bán thang máy với mức giá không tưởng và khiến doanh nghiệp Việt bị “hụt hơi” trong cuộc đua chiếm giữ thị phần.

Trên thực tế, hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 300 công ty hoạt động trong lĩnh vực thang máy bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài đa phần làm thương mại và doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập khẩu thang máy nguyên chiếc hoặc tự sản xuất, lắp ráp.

Với dư địa phát triển rộng mở, nhiều công ty thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi,… quyết định rót vốn đầu tư vào hoạt động thương mại tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nhiều công ty nội địa cũng tham gia vào hoạt động sản xuất, lắp ráp như Thiên Nam, Hisa, VPTech,… hoặc hoạt động dịch vụ như Gama Service.

Nhà máy sản xuất thang máy của Schindler. (Ảnh: Schindler).

Trong khi các doanh nghiệp FDI lớn mạnh nhanh chóng nhờ lợi thế về vốn, chiến lược Marketing, kỹ năng quản trị và các mục tiêu bền vững, các doanh nghiệp thang máy nội địa lại có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Hầu hết các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đều bị hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị và công nghiệp phụ trợ yếu,…

Hơn nữa, ngành thang máy Việt Nam còn non trẻ cả về công nghệ, hầu như các doanh nghiệp đều không có bí quyết công nghệ.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp thang máy chủ yếu sao chép, học theo, nhập các linh kiện từ các nước để lắp thang. Các doanh nghiệp thang máy Việt vẫn chưa có một nghiên cứu bài bản về thang máy để có được điểm khác biệt, những bí quyết mang tính công nghệ so với các thị trường thang máy khác trên thế giới.

Cũng chính vì thế, ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt trong cấu thành sản phẩm rất ít, giá trị gia tăng quá thấp. Trong những năm qua, doanh nghiệp nội vẫn loay hoay với bài toán nội địa hóa để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời khẳng định chất lượng so với tên tuổi nước ngoài.

Quan trọng hơn hết chính là niềm tin của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm thang máy Việt Nam còn nhiều hạn chế và đây cũng chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.

Trên thực tế, thang máy các doanh nghiệp Việt chủ yếu dựa vào thương hiệu cá nhân nhiều hơn là thương hiệu sản phẩm, thị trường. Còn về thị hiếu, người tiêu dùng vẫn hướng tới các dòng thang máy ngoại nhập, nổi tiếng.

Như vậy, có thể thấy, bên cạnh các biến động từ thị trường chung, những khó khăn nội tại cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp thang máy có thể dễ dàng bị các doanh nghiệp thang máy lớn của nước ngoài thâu tóm, loại bỏ.

Nhiều ông lớn trong ngành thang máy Việt cũng cho rằng thời điểm này còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2014 trước đây. Đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ 10 năm kinh doanh tích lũy không đủ để bù đắp cho 1 năm khó khăn.  

Những khó khăn của doanh nghiệp thể hiện rất rõ qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong bốn tháng đầu năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ 2022 (gần 78.900 doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77.000).

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 22/5/2023 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận: 

“Đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Nhà máy sản xuất thang máy của VP Tech. (Ảnh: VP Tech).

Với tiềm lực tài chính mạnh, các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng “rót tiền” để nắm giữ các ngành sản xuất cũng như kinh doanh đầy tiềm năng tại Việt Nam như năng lượng, bán lẻ, xây dựng, nhựa, dược phẩm,… và đặc biệt là ngành thang máy.

Hiện tượng doanh nghiệp này thâu tóm đơn vị kia về mặt lý thuyết là quy luật bình thường của thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành câu chuyện “đáng chua xót” khi một doanh nghiệp tốt, có tiếng nhưng vì khó khăn trong ngắn hạn lại buộc phải bán tài sản, chuyển nhượng,…

Nhà máy sản xuất thang máy của Thiên Nam.

Trong ngành thang máy Việt, Công ty Thang máy Thiên Nam cũng từng bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài để hợp tác phân phối và bảo trì sản phẩm vào hồi năm 2006.

Không thể phủ nhận qua việc này, đội ngũ quản lý và kỹ thuật của công ty đã học hỏi và tiếp thu được nhiều điều hữu ích, song chính quyết định này cũng đã mở ra những chuỗi ngày ác mộng cho Thiên Nam.

 

Đối tác này tìm mọi cách kìm hãm sự phát triển của Thiên Nam thông qua các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như không cho tăng sở hữu vốn, chuyển vốn. Những miếng “ngon” của thị trường đều bị đối tác lấy hết và khiến Thiên Nam rơi vào thế chỉ chờ bán công ty. Đến năm 2016, Thiên Nam chính thức mua lại cổ phần của đối tác nước ngoài.

Có thể thấy, bên cạnh những lợi ích mà hoạt động M&A mang lại, nhìn vào trường hợp đầy chua xót của nhiều thương hiệu Việt từng biến mất sau cái “bắt tay” hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài như Viettronic, Dạ Lan,… hay những khó khăn và bước chuyển mình ngoạn mục của Thiên Nam sau khi bán cổ phần cho đối tác “cá lớn” đều khiến mỗi doanh nghiệp rút ra những bài học lớn, không phải cái “bắt tay” nào cũng hướng tới “win – win”.

Tác giả: Phương Trang
Thiết kế: Trịnh Giang