TCTM – Các vụ mua bán và sát nhập của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt ngày càng gia tăng. Điều này dấy lên mối lo ngại về việc nhiều doanh nghiệp Việt tiềm năng phải “bán mình” và trở thành “gà Việt đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp ngoại.
Tại báo cáo gửi đến Quốc hội ngày 17/5/2023 về đánh giá bổ sung kinh tế xã hội 2022, tình hình năm 2023, Chính phủ cho biết: “Hiện đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Mới đây, trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội sáng ngày 22/5/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5. Bộ trưởng cho hay, nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đều đã bán, nhiều trường hợp chỉ bán bằng 50% giá trị thực.
Ông nói tiếp: “Người mua là ai? Người mua toàn là nước ngoài. Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ. Đấy là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”.
Những phát biểu trên của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất thẳng thắn, đầy trách nghiệm và phản ánh những gì đãng diễn ra hiện nay, đặc biệt là việc mua bán, sáp nhập (M&A) khi âm thầm lúc lại nở rộ.
Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD. Trước đó, năm 2021, tổng giá trị M&A đạt hơn 10 tỷ USD.
Trong thời điểm năm 2022, thị trường M&A Việt Nam chứng kiến các thương vụ với quy mô lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thương vụ lớn nhất trong năm là Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A nằm ở trung tâm Hà Nội, được mua bởi một trong những công ty hàng đầu trong ngành với giá 523,4 triệu USD.
Một số thương vụ M&A khác như Tập đoàn Keppel Land mua lại dự án Khu đô thị An Khánh – Mai Land HN City (tên cũ là Splendora) trị giá hơn 120 triệu USD hay vụ sáp nhập dự án khu công nghiệp Yên Phong của Công ty CP công nghiệp Logistic KTG và Boustead với giá trị 141 triệu USD.
Đối với ngành Năng lượng – Tiện ích công cộng, nhà phát triển và vận hành năng lượng tái tạo với trụ sở chính tại Madrid, Tây Ban Nha, EDP Renovaveis S.A. (EDPR), đã ký kết thỏa thuận mua lại hai dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận từ Tập đoàn Xuân Thiện với giá trị giao dịch đạt 284 triệu USD.
Liên quan tới ngành tiêu dùng, Seletar Investments của Singapore, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle đã mua lại khoảng 36% cổ phần của Golden Gate trị giá khoảng 234 triệu USD từ Prosperity Food Concepts Pte Ltd.
Trong khi đó, những tháng đầu năm 2023, nhiều người đã biết đến thương vụ của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (SMBC) chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank.
SMBC và VPBank cũng không phải hai đối tác xa lạ. Vào đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, Sumitomo Mitsui đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit – công ty con của VPBank.
Ngoài ra, thời gian qua, thông tin về một gã khổng lồ nước ngoài đàm phán chi 1,5 tỷ USD mua tài sản của một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của dư luận.
Một thương vụ trị giá như vậy sẽ ghi dấu là một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất ở Đông Nam Á trong vài năm qua.
Đáng chú ý hơn là cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang đối mặt với khó khăn về thanh khoản trong 1 năm qua.
Trong những năm qua, bên cạnh các thương vụ của công ty trong nước, hoạt động M&A chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, đặc biệt là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan,…
Riêng năm 2022, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài tích cực nhất.
Hoạt động M&A diễn ra phổ biến tại các quốc gia trên thế giới và bùng nổ tại Việt Nam trong giai đoạn mở cửa kinh tế.
Bên cạnh những lợi ích đa chiều mà M&A mang lại như nâng cao quy mô của doanh nghiệp, tối ưu hóa tài chính, tăng thị phần,… thì M&A cũng có nhiều mặt trái như hình thành thế độc quyền, thâu tóm thù địch có thể triệt tiêu doanh nghiệp nhỏ, bản xứ,…
Vào hồi tháng 5/2020, trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải đưa ra kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm dừng việc M&A doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh và coi đây như là một biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Và mới đây nhất là lời cảnh báo về việc nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản và nguy cơ thâu tóm của nước ngoài đối với các doanh nghiệp nội của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5.
Việc các tập đoàn nước ngoài thâu tóm/tính cách thâu tóm các doanh nghiệp Việt không còn là vấn đề mới. Những làn sóng M&A như vậy đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên, sự nổi lên của làn sóng này cũng khiến nhiều người phải lo lắng, chẳng hạn như chỉ tính riêng người Thái đã nắm giữ trong tay loạt doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của Việt Nam và thu tỷ USD tiền cổ tức từ đây.
Theo Điều tra PCI-FDI 2022, trong số 20 thương vụ M&A lớn và đình đám tại thị trường Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 trong số đó là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan.
Cụ thể, trong năm 2017, thương vụ ThaiBev chi gần 5 tỷ USD để sở hữu xấp xỉ 54% cổ phần Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và biến thương hiệu bia số 1 Việt Nam thành công ty nước ngoài.
Sabeco hiện vẫn là thương hiệu bia hàng đầu trên thị trường nội địa và đều đặn “in tiền” cho người Thái.
Những cái tên nổi tiếng Nhựa Bình Minh, Bao bì Biên Hòa, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng đã về tay chủ đầu tư người Thái. Hay tại Vinamilk, cổ đông Thái Fraser & Neave hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam.
Ngoài ra, Central Group của Thái Lan cũng thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá hơn 1 tỷ USD vào giữa năm 2016.
Thời gian trước đó, họ đã mua lại một phần tỷ lệ cổ phần chi phối của Nguyễn Kim – hệ thống phân phối điện tử hàng đầu của Việt Nam khi ấy với giá trị giao dịch 140 triệu USD.
Một số thương vụ đình đám khác như: TCC Holdings chi 800 triệu USD mua Metro Cash&Carry Việt Nam; Siam City Cement (SCCC) mua 65% Lafarge Holcim (khoảng 524 triệu USD); SCG mua Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Việt Nam (tổng giá trị được cho là 440 triệu USD) và mua 85% cổ phần Prime Group (tương đương 290 triệu USD);…
Không chỉ Thái Lan, nhiều tập đoàn từ các quốc gia trên thế giới cũng chi tiền mạnh và hiện nắm trong tay nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và đây đều là những thương hiệu ăn nên làm ra, “gà Việt đẻ trứng vàng”.
Trong số những thương hiệu Việt phải “bán mình” cho doanh nghiệp ngoại, người ta có thể kế đến một loạt các tên tuổi lớn như Diana, Bibica, Tribeco, Dạ Lan, Phở 24h hay P/S,… Đây đều là những thương hiệu ăn nên làm ra tại Việt Nam.
Điển hình trong số đó là thương vụ có tính chất thâu tóm của Tập đoàn Colgate Palmolive (Mỹ) với thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan – từng được coi là “ông lớn” trong ngành hàng kem đánh răng Việt vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Khi đó, có lẽ chủ nhân của Dạ Lan đặt ra kỳ vọng tập đoàn có lịch sử 200 năm tuổi này sẽ tiếp tục phát triển tốt thương hiệu Dạ Lan do mình gầy dựng. Tuy nhiên, sau khi mọi thủ tục chuyển nhượng và liên doanh hoàn thành, thương hiệu Dạ Lan chỉ tồn tại vỏn vẹn 3 tháng trên thị trường và bị thay thế bằng thương hiệu kem đánh răng Colgate.
Như vậy, thông qua hoạt động M&A Tập đoàn Colgate Palmolive đã đạt được mục tiêu trong chiến lược mua một thương hiệu nội địa có thị phần lớn ở Việt Nam, sau đó khai tử để đưa thương hiệu của mình vào.
Tương tự như Dạ Lan, thương hiệu nước ngọt Tribeco từng nổi đình đám trên thương trường 20 năm, cho đến khi quyết định liên doanh với Uni – President VN (Đài Loan) vào năm 2008 và rồi tuyên bố giải thể 4 năm sau đó để chấm dứt lỗ lã triền miên.
Kịch bản của Tribeco không khác Dạ Lan là mấy, công thức chung là liên doanh, rồi liên tục đầu tư mở rộng, lỗ lũy kế lên quá con số 300 tỷ đồng, gồng mình không nổi, buộc bán lại công ty.
Có thể thấy, hàng loạt thương hiệu từ nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử… đã nhanh chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và trở thành cầu nối để hàng ngoại tràn ngập vào thị trường trong nước.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, xu hướng này chưa dừng lại khi nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí cả những “gã khổng lồ” cũng đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Các doanh nghiệp thang máy cũng không nằm ngoài nỗi lo bị các đối thủ trên thương trường nhòm ngó, thâu tóm.
Tác giả: Phương Trang
Thiết kế: Trịnh Giang