TCTM – Theo nguồn tin riêng của Tạp chí Thang máy, thang máy khiến 9 người bị kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới đây là loại thang có tải trọng tối đa 450 kg, kích thước cabin 800 mm x 1200 mm. Chúng tôi đặt giả thiết, 9 người vào thang máy, có khả năng sẽ khiến thang quá tải nhưng lại không có cảnh báo và thang tiếp tục hoạt động. Và trong trường hợp này, có thể hệ thống cảnh báo quá tải đã trục trặc.
Mỗi thang máy đều có tải trọng quy định, liên quan mật thiết tới công suất, thiết kế, mục đích sử dụng. Trong trường hợp tổng trọng lượng người hoặc hàng hóa trong cabin vượt quá tải trọng, thang sẽ không hoạt động và phát ra tín hiệu báo quá tải. Thang có thể nhận biết được quá tải trọng cho phép nhờ hệ thống cảnh báo quá tải được lắp đặt phù hợp.
Sơ đồ một hệ thống cảnh báo quá tải trong cabin
Hệ thống cảnh báo quá tải thang máy thông thường bao gồm cảm biến tải trọng (Loadcell), hộp nối, bộ điều khiển và thiết bị báo hiệu (âm thanh, đèn cảnh báo). Trong đó, quan trọng nhất là loadcell.
Tùy thiết kế của mỗi nhà sản xuất thang máy mà chủng loại, số lượng loadcell sẽ khác nhau.
Nguyên lý làm việc của loadcell hoạt động dựa trên nguyên lý Wheatstone. Đây là nguyên lý cầu điện trở cân bằng. Loadcell là cảm biến có thể chuyển đổi một lực, trọng lượng thành một tín hiệu điện. Giá trị tác dụng tỉ lệ với sự thay đổi điện trở cảm ứng trong cầu điện trở, do đó trả về tín hiệu điện áp tỉ lệ.
Có nhiều cách phân loại loadcell. Nếu theo phương hướng lực ta có loadcell dạng nén, kéo, uốn, xoắn. Nếu phân theo hình dạng ta có loadcell dạng trụ, cầu, thanh, chữ Z,.. Nhưng hiện nay, thông thường sẽ phân loại theo dạng tín hiệu truyền và nhận, ta sẽ có 2 loại là loadcell analog (tương tự) và loadcell digital (số).
Loadcell digital
Khi có lực tác động lên loadcell, thân loadcell sẽ bị thay đổi (giãn ra hoặc nén vào) dẫn đến sự thay đổi của chiều dài sợi kim loại Strain gauges dán trên thân loadcell. Gây ra sự thay đổi giá trị của các điện trở ở Strain gauges. Từ đó dẫn đến thay đổi trong điện áp đầu ra.
Loadcell cảm nhận tải trọng bên trong cabin, được nối với một bộ điều khiển, từ đó tính toán trọng lượng và đưa ra tín hiệu cảnh báo nếu quá tải trọng đã được cài đặt.
Cảm biến tải trọng giúp giảm tối đa tình trạng quá tải, tiềm ẩn nguy cơ đứt cáp khiến cabin rơi tự do, gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng cũng như ảnh hưởng đến độ bền của thang máy.
Nếu bộ phận cảm biến loadcell hoạt động tốt thì việc giám sát được tải trọng bên trong cabin sẽ đảm bảo động cơ điều khiển cabin áp dụng mô-men xoắn phù hợp khi di chuyển. Điều này sẽ giúp động cơ hoạt động trơn tru và có tuổi thọ dài hơn.
Cảm biến tải trọng tiên tiến còn đóng vai trò như một chiếc cân nên ngoài chức năng cảnh báo quá tải nó còn cho phép thang cảnh báo, dừng hoạt động khi trọng lượng nhỏ hơn một mức nào đó (dưới 15 kg để bảo vệ trẻ em như hệ thống cân của Zemic).
Có nhiều nguyên nhân quá tải thang máy không được cảnh báo mà người dùng cần nhận biết. Trong đó, bảo trì, kiểm định sẽ giúp sớm phát hiện các hư hỏng về thiết bị cảnh báo quá tải để người dùng thang nhận biết và có giải pháp khắc phục.
Thang máy khi lắp đặt xong, trước khi đưa vào sử dụng đều phải tiến hành kiểm định. Quy trình kiểm định được quy định rất chi tiết tại Thông tư Số 12/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 12) ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021. Trong quy trình kiểm định có các nội dung kiểm tra tải trọng của thang và thiết bị cảnh báo quá tải.
Theo Khoản 4, Điều 8 của Thông tư 12, thang máy cần thử tải động ở 3 hình thức: Không tải, 100% tải định mức và 125% tải định mức.
Ở mức thử tải 100% định mức, việc thử bộ hãm an toàn cabin (đối với bộ hãm an toàn tức thời hoặc hãm an toàn tức thời có giảm chấn) quy định: Thử với tốc độ chạy kiểm tra, phương pháp thử và đánh giá theo điểm 4.2.3.1.2 TCVN 6904:2001. Cụ thể, thang phải đạt yêu cầu đối với bộ hãm bảo hiểm tức thời hoặc bộ hãm bảo hiểm tức thời có giảm, đó là thang chuyển động đi xuống với vận tốc định mức và tải trọng bằng tải trọng định mức.
Đối với mức thử tải 125% tải định mức, yêu cầu thứ nhất là thử phanh từ. Theo đó, cho cabin đi xuống với vận tốc định mức sau đó ngắt nguồn điện động cơ và nguồn điện phanh, quãng đường phanh không được vượt quá giá trị quy định của nhà sản xuất. Yêu cầu thứ 2 là thử bộ hãm bảo hiểm. Việc thử bộ hãm bảo hiểm được tiến hành khi cabin đi xuống, tải thử được phân bố đều trên sàn cabin, phanh mở. Việc thử với tốc độ dưới tốc độ định mức đối với bộ hãm bảo hiểm tức thời hoặc bộ hãm bảo hiểm tức thời có giảm chấn phải được tiến hành khi thang chuyển động đi xuống với vận tốc định mức và tải trọng bằng tải trọng định .
Thông tư 12 cũng yêu cầu kiểm tra thiết bị hạn chế quá tải. Cụ thể, Điểm e, Khoản 4, Điều 8 có ghi: Kiểm tra thiết bị hạn chế quá tải: Đánh giá theo điểm 2.8.3.2.4 QCVN 02:2019: Khi thiết bị bảo vệ quá tải và/hoặc bảo vệ quá dòng cho phanh cơ điện hoạt động thì nó phải đồng thời kích hoạt quá trình ngắt dòng điện cung cấp cho máy dẫn động. Nói một cách khác, khi thang quá tải, hệ thống sẽ tự động ngắt không cho thang hoạt động để đảm bảo an toàn. Nếu quá trình này không diễn ra tức là thiết bị cảnh báo quá tải đã bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, thử tải chức năng kéo của thang, Điểm c, Khoản 4, Điều 8 của Thông tư 12 cũng nêu rõ: Phương pháp thử và đánh giá theo điểm 4.2.4 TCVN 6904:2001. Theo đó, khi thử chức năng này, người ta chất tải bằng 125% tải trọng định mức, sau đó cho cabin đi xuống đến tầng dừng phía dưới. Trong quá trình đi xuống cabin được dừng ở một số tầng, ở mỗi lần dừng cabin không bị trôi hoặc tụt tầng.
Tải trọng thang máy tỷ lệ thuận với cabin thang máy, cụ thể tải trọng lớn thì cabin sẽ có kích thước lớn và không gian hố pit cũng lớn. Tất nhiên, chúng phải thỏa mãn các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Khi lắp đặt thang máy, trước hết phải chọn thang có tải trọng phù hợp với mục đích sử dụng. Điều này giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, không gian lắp đặt, tránh gây lãng phí, tránh được hiện tượng quá tải không mong muốn.
Hiện tượng quá tải thang máy không phải là hiếm
Nếu thang máy thường xuyên bị sử dụng quá tải do bất cứ lý do gì, giống như một người yếu nhưng thường xuyên phải vác quá nặng, các thiết bị, linh kiện điện tử của thang máy sẽ giảm tuổi thọ nhanh chóng.
Thang máy bị quá tải thường xuyên còn tạo lực ma sát lớn giữa các bộ phận cơ khí của thang, khiến các thiết bị này nhanh chóng hao mòn, hư hỏng, gây ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động chung của thang máy,…
Theo khuyến cáo, thang máy ở mức tải trọng 200 kg thì số người sử dụng từ 2-3 người. Thang tải trọng 300 kg dành cho 3-4 người; 400-500 kg tương ứng 5-7 người và thang từ 525-630 kg sử dụng cho 5-8 người.
Khi xuất hiện chuông báo quá tải, thì những người đứng gần cửa thang máy nhất cần nhanh chóng bước ra ngoài để tránh ảnh hưởng đến thời gian di chuyển bằng thang máy của những xung quanh, tránh các hậu quả có thể xảy ra đối với người sử dụng và thang.
Người sử dụng cũng nên thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thang máy định kỳ để hệ thống cảnh báo quá tải được bảo trì. Chuyên gia khuyến cáo, 6-12 tháng, nên cân chỉnh lại các loadcell để kiểm tra độ an toàn của hệ thống cảnh báo quá tải, đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật