TCTM – Đối với các khu nhà chung cư cao cấp thì sự cố thang máy là điều cuối cùng người ta nghĩ đến. City Bank – Agricultural Trust Company là khu dân cư cao tầng sang trọng nằm ở trung tâm tài chính Manhattan (NewYork, Hoa Kỳ). Người dân cho biết, họ đang phải sinh sống trong địa ngục cao tầng khi thang máy đã hết hạn sử dụng và nhiều tháng nay không được khắc phục, sửa chữa.
City Bank được xây dựng từ năm 1931, là tòa nhà có mặt tiền bằng đá cao nhất thế giới vào thời điểm đó. Người ta gọi nó là “gã khổng lồ tài chính”.
Tòa nhà có mặt tiền được trang trí theo phong cách nghệ thuật hiện đại, với 14 nhân vật được cho là các “đại gia tài chính” đội mũ trùm đầu, nằm ở mặt ngoài của tầng 19. Hành lang của tòa nhà được thiết kế theo kiểu mái vòm, trần nhà được trang trí bằng vàng, bạc và đồng.
Lối vào của tòa nhà được trang trí bằng các bản sao của tiền xu từ khắp nơi trên thế giới, đại diện cho các quốc gia nơi Ngân hàng Thành phố Quốc gia của New York (sau này là Citibank) mở chi nhánh.
Từ những năm 2000, tòa nhà này bắt đầu được chuyển đổi công năng thành khu dân cư với 750 căn hộ có các tiện ích sang trọng, nhìn ra bến cảng.
City Bank từng mang tính biểu tượng bởi sự hoành tráng về kiến trúc và hiện đại – Nguồn: New York Times
Nhưng kể từ khi những sự cố thang máy kéo dài bắt đầu từ tháng 11/2021 thì City Bank đã bị ví như “địa ngục cao tầng”. Thang máy dừng hoạt động hay thường xuyên gián đoạn đã làm cho cuộc sống của cư dân bị đảo lộn.
Chính quyền New York đã nhận được 25.376 đơn khiếu nại về trục trặc thang máy trong năm 2021. Cư dân bày tỏ ý kiến rất bức xúc và cho rằng mình đang sống trong địa ngục. Nhiều người buộc phải thay đổi kế hoạch, lịch hẹn, lộ trình công việc hay thậm chí chuyển nhà để ổn định cuộc sống.
Faisal Al Mutar, 30 tuổi, cho biết: “Thời điểm những chiếc thang máy này ngừng hoạt động, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn”. Hiện anh đang sống trong một studio trên tầng 22.
Một kỹ sư phần mềm trẻ tuổi sinh sống tại City Bank đã quá quen với việc thang máy hỏng đến mức anh ấy đã đăng ký tham gia cuộc leo núi từ thiện Đường hầm dẫn tới Tháp cao 102 tầng tại Trung tâm Thương mại One World vào tháng Sáu.
Y tá Erin Campbell thậm chí phải đi bộ lên căn hộ của mình ở tầng 48 sau ca làm việc kéo dài 12 tiếng do thang máy trục trặc – Nguồn: New York Times
Cô cho biết: “Tôi còn trẻ và thể lực tốt nên leo được 48 tầng. Tuy nhiên việc về nhà vẫn là nỗi ám ảnh” – Nguồn: New York Times
Erin Campbell, một y tá 28 tuổi, đã rất hào hứng khi tìm được căn nhà. Sau đó, thang máy bắt đầu hỏng. Điều này khiến cô cảm thấy stress sau cả ngày dài phải đứng để làm việc.
“Tôi là một y tá và bản thân không có lựa chọn nào khác: Tôi phải đi làm”, Erin Campell bộc bạch. Cô nhớ lại việc thường xuyên về nhà và thấy thang máy bị hỏng. Có lần cô về nhà lúc 8h30 tối và người gác cửa nói rằng thang máy có thể không hoạt động cho đến khoảng 11 giờ đêm.
Không có thang máy đặc biệt khó khăn đối với tất cả các cư dân, đặc biệt là những người cần được chăm sóc y tế. Nữ y tá bày tỏ sự quan ngại của mình khi những người hàng xóm không có đủ thể lực cũng như trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể đối mặt với khả năng cứu hộ bị chậm trễ.
Việc thang máy bị hỏng đặc biệt khó khăn đối với những cư dân có tình trạng sức khỏe không tốt phải vật lộn để leo lên đến căn hộ của họ – Nguồn: The New York Times
Một số cư dân cho biết họ thấy thang thường xuyên bị xóc đột ngột và đi xuống nhanh hơn bình thường – Nguồn: The New York Times
Sara Irvine, 31 tuổi, sống ở tầng 43 cho biết bệnh viêm khớp khiến cô không thể sử dụng cầu thang. Cô cảm thấy thời gian “hỏng thang máy” giống như trong giai đoạn đầu của đại dịch, chỉ ra ngoài để thực hiện các chuyến đi mua hàng tạp hóa cho hai tuần hoặc là ở nhà.
“Có những hôm không còn gì để ăn tối. Tôi chỉ có thể ăn bánh quy hoặc cái gì đó tương tự”, Irvine chia sẻ.
Gina Chen, 30 tuổi, sống ở tầng 22, đã nghĩ trục trặc thang máy chỉ là một vấn đề nhỏ không quá phải bận tâm cho đến khi cô bị gãy chân vài tuần trước. Chen nói. “Sau hai năm xảy ra đại dịch mà chúng tôi cảm thấy như bị mắc kẹt, việc hỏng thang máy càng trở nên trầm trọng hơn”.
Chen đã phải vật lộn để lên căn hộ ở tầng 22 kể từ khi bị gãy chân – Nguồn: New York Times
Dù chủ nhà đã làm việc với các chuyên gia về thang máy, điện và kỹ thuật nhưng sự cố vẫn chưa được khắc phục – Nguồn: New York Times
Những cư dân sống trong tòa nhà cho biết bảng điều khiển của thang máy thường xuyên bị chập điện và phải thay thế. Họ buộc phải thuê một thợ sửa thang máy để sửa chữa tại chỗ 24/24. Họ cũng đã cố gắng đặt mua số lượng lớn các bảng mạch đang hoạt động, nhưng bị cản trở bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Các chủ nhà cho biết họ đã tìm đến giải pháp cho khách thuê một số phòng khách sạn và căn hộ đầy đủ tiện nghi ở các tầng thấp hơn hay trong một tòa nhà khác gần đó. Một số khác thì áp dụng các ưu đãi về tiền thuê nhà.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn đang cân nhắc về việc kết thúc hợp đồng sớm để chuyển đến một nơi khác ổn định hơn, đặc biệt là vấn đề thang máy phải đảm bảo thông suốt, an toàn.
Trông người lại nghĩ đến ta. Ở Việt Nam, vấn đề thang máy trong các khu chung cư bị hỏng hóc cũng đã trở nên rất phổ biến. Tất nhiên, chưa có một thống kê đầy đủ đưa ra được những con số biết nói về thực trạng này. Theo thời gian, khi mật độ tại các đô thị nén ngày càng gia tăng, tỷ lệ người dân sở hữu căn hộ ở chung cư cao tầng sẽ tăng lên nhanh chóng. Khi đó, con người sẽ càng lệ thuộc vào “sức khỏe của thang máy” là điều tất yếu. Việc thay thế thiết bị, thay thế thang gặp nhiều khó khăn đã được nêu ở bài Răng sâu nhưng chữa không được mà nhổ không xong. Đời sống của người dân sống trong các chung cư này sẽ bị tác động không nhỏ.
Chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề này như thế nào?
Hà My
Theo New York Times
Thông tin mới cập nhật