TCTM – Bé gái 12 tuổi bị tổn thương cơ tim do bị điện giật khi chạm tay vào cửa thang máy. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc thang máy bị rò rỉ điện là do không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện và hệ thống dây điện của thang.
Theo trang Chinatimes đưa tin ngày 20/8/2023, cách đây vài ngày, cô Cố ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đưa hai con gái đến khách sạn hạng sang thuộc hệ thống Hilton, thuê loại phòng giá mỗi đêm 2.000 nhân dân tệ (hơn 6,5 triệu đồng) để nghỉ ngơi. Lấy thẻ phòng ở quầy lễ tân xong, ba mẹ con về phòng và dọn dẹp.
Tiếp đó, cô Cố định đưa hai đứa trẻ ra ngoài ăn tối, tuy nhiên, khi ba mẹ con bước vào thang máy thì họ phát hiện bảng điều khiển thang máy không có nút bấm tầng 1.
Vì muốn nhìn xem thang máy bên kia có nút tầng một hay không, cô con gái 12 tuổi đã cố vươn đầu ra kiểm tra và tay chạm vào cửa thang máy. Ngay lập tức, bé gái hét lớn, đứng yên và cơ thể run rẩy không kiểm soát được.
Chứng kiến cảnh này, cô Cố sợ hãi, nhanh chóng liên lạc với lễ tân khách sạn yêu cầu họ cử người đến ngay hiện trường, đồng thời gọi cảnh sát. Rất nhanh sau đó, với sự hỗ trợ của nhân viên khách sạn, cô Cố đưa con gái đến bệnh viện.
Trên xe đến bệnh viện, tay chân bé gái lạnh cóng, cơ thể run rẩy bất thường. Sau khi khám và xét nghiệm, bác sĩ cho biết cơ tim của con gái cô Cố đã bị tổn thương, tình trạng rất nguy hiểm, sau này có thể để lại di chứng.
Bác sĩ yêu cầu cho nhập viện ngay để theo dõi, nếu không sẽ không thể đảm bảo mức an toàn cơ bản nhất cho bệnh nhân. Hồ sơ bệnh án cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Số 3 Thành Đô được cô Cố công khai cũng cho thấy, con gái cô được chẩn đoán lâm sàng là “tổn thương nặng do tai nạn điện, chấn thương điện”.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện khách sạn cho biết họ đã liên hệ với công ty bảo trì thang máy và phía công ty bảo trì cũng đã nhanh chóng đến hiện trường để hỗ trợ, nguyên nhân sự việc đang tiếp tục được điều tra thêm.
Khách sạn cũng cho biết, họ đã thanh toán toàn bộ chi phí y tế, chăm sóc cả gia đình bao gồm 3 bữa cơm mỗi ngày. Quản lý khách sạn khẳng định, họ sẽ không trốn tránh trách nhiệm.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bác sĩ Vương Truyền Lâm, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh giải thích, dòng điện có cường độ nhất định đi qua cơ thể con người có thể gây tổn thương mô hoặc rối loạn chức năng nội tạng ở các mức độ khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến tử vong tại chỗ.
Khi dòng điện bên ngoài chạm vào cơ thể con người, cơ thể con người sẽ trở thành một phần dẫn điện trong mạch điện. Dòng điện này sẽ nhanh chóng lan đến các bộ phận lân cận trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các mô và nội tạng. Khi triệu chứng nhẹ thì sẽ có cảm giác sợ hãi, đánh trống ngực, sắc mặt tái nhợt, chóng mặt và mệt mỏi. Nạn nhân còn có thể bị rối loạn nhịp tim và tổn thương cơ tim cấp tính.
Khi bị điện giật, điều cần làm là cắt nguồn điện ngay lập tức, hoặc dùng vật không dẫn điện để gỡ người bị nạn ra khỏi nguồn điện càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp tai nạn trên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là rò rỉ điện do không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện và hệ thống dây điện của thang máy.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Trường hợp nhiễm điện thang máy được thể hiện rõ nhất khi người sử dụng thang máy tiếp xúc trực tiếp với cửa thang máy, bảng điều khiển, khi đó cơ thể sẽ có cảm giác tê do dòng điện chạy qua người.
Nguyên nhân dẫn tới sự cố nhiễm điện thang máy thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
– Thiên tai, sấm sét, mưa bão,… hoặc có nguồn nước rò rỉ vào thang khiến cho thiết bị điện của thang máy bị ẩm ướt hoặc vật liệu cách điện không tốt.
– Quá trình lắp đặt thang máy không đảm bảo về kỹ thuật với các hệ thống tiếp địa, cách điện,…
– Thang máy không được lắp đặt bộ ngắt mạch chống rò điện
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA), để phòng tránh tình trạng thang máy bị nhiễm điện, rò rỉ điện thì trong quá trình lắp đặt thang máy cần chú ý đến tiêu chuẩn kỹ thuật thi công tiếp địa cho thang máy.
Hệ thống tiếp địa thang máy còn được gọi là tiếp đất hay nối đất, có tác dụng giúp triệt tiêu các xung điện nhiễu trong quá trình vận hành thang, làm tăng tuổi thọ của thiết bị và hệ thống điều khiển của thang máy. Ngoài ra, hệ thống này còn có một vai trò cực kỳ quan trọng đó là giúp chuyển những dòng điện rò rỉ từ các thiết bị có điện xuống đất để đảm bảo tối đa cho người sử dụng.
Bên cạnh việc lắp đặt tiếp địa cho thang máy, chuyên gia VILEA cũng lưu ý, thang máy cần phải lắp đặt thiết bị ELCB (Earth leakage circuit breaker) hoặc các thiết bị có tác dụng tương tự đóng vai trò là aptomat chống giật. Thiết bị được thiết kế với khả năng phát hiện dòng điện chênh lệch đi và về sau đó tiến hành ngắt phía nguồn điện tiêu thụ nếu có sự chênh lệch. ELCB được dùng để bảo vệ an toàn cho lưới điện, quan trọng hơn là sự an toàn của con nguời đối với các nguy cơ bị điện giật.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần lưu ý thang máy phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ để thang luôn hoạt động ổn định, an toàn. Đồng thời, giúp thợ kỹ thuật thang máy sớm phát hiện ra những lỗi thường gặp của thang máy để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Để đảm bảo cho công tác bảo trì, sửa chữa thang máy an toàn và hiệu quả, doanh nghiệp thang máy, kỹ thuật viên cũng như chủ sở hữu, người sử dụng thang máy,… có thể tham khảo bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Bộ Tiêu chuẩn cơ sở do Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA, thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) xây dựng với mục đích giúp các doanh nghiệp thang máy có căn cứ để xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và các cá nhân công tác trong ngành tham khảo để quản lý vận hành, lập định mức sửa chữa, thay thế linh kiện thiết bị,… và sử dụng thang máy an toàn.
Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng
Thang máy là một trong những phương tiện di chuyển an toàn bậc nhất, theo thống kê thì khoảng gần 7 triệu lượt thang máy di chuyển mới có một lượt xảy ra tai nạn. Dù vậy, những trục trặc kỹ thuật vẫn thường xảy ra. Ngoài sự cố về thang máy nhiễm điện, độc giả có thể đọc thêm: 8 sự cố thang máy người dùng cần lưu ý .
Thông tin mới cập nhật