TCTM – Đây là ý kiến đề xuất của Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) trong phiên thảo luận sáng 10/5/2025, Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Sáng 10/5/2025, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Các ĐBQH tham dự phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu; chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và chủ trương trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đề xuất bỏ công bố hợp quy vì ‘gây lãng phí và tăng chi phí sản xuất’
Thừa nhận việc đánh giá hợp quy, công bố hợp quy còn phức tạp, tốn kém, đôi khi không mang lại hiệu quả tương ứng trong việc cải thiện chất lượng thực tế của hàng hóa, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng bắt buộc của các quy chuẩn Việt Nam; rà soát phân loại lại danh mục hàng hóa nhóm 2.
“Chúng ta cần có một cuộc rà soát tổng thể, mạnh mẽ để xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa nào thật sự có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn quốc gia và môi trường để áp dụng quy chuẩn Việt Nam bắt buộc, những sản phẩm có rủi ro thấp hoặc trung bình nên được chuyển sang các hình thức quản lý khác linh hoạt hơn”, vị đại biểu bày tỏ.
Bà đề nghị Chính phủ mạnh dạn thu hẹp danh mục hàng hóa rủi ro cao; chuyển đổi căn bản từ cơ chế Nhà nước kiểm soát quá trình sang cơ chế doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn áp dụng và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm.
Nữ đại biểu cũng đề nghị chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung nguồn lực vào việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành có trọng tâm và dựa trên đánh giá rủi ro. Chính phủ cần tạo ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, vi phạm về chất lượng sản phẩm.
Phát biểu trước đó, đại biểu Thạch Phước Bình – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật đã nêu các yêu cầu chung đối với việc đánh giá sự phù hợp, nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi công bố sai lệch hoặc gian dối trong công bố hợp chuẩn, hợp quy.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Phó Trường Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tiêu chuẩn – quy chuẩn ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong quản lý chất lượng sản phẩm, việc thiếu chế tài đối với hành vi này là một kẽ hở nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả về an toàn, sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vì vậy, ông đề nghị quy định rõ tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý công bố sai lệch về kết quả đánh giá hợp chuẩn, hợp quy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hướng dẫn về mức độ xử lý vi phạm theo từng hành vi, từ thu hồi giấy công bố, phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy chuẩn hợp quy là một công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Nếu chúng ta không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát thì sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, cộng đồng và môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, vấn đề ở đây là chúng ta phải quản lý sản phẩm, hàng hóa đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp. Việc quản lý cũng phải giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam.
Ông nhắc lại cách đây khoảng 30 năm có vụ formol trong bánh phở, lúc đó chúng ta rất lúng túng, không có quy định nên mỗi nơi làm, quản lý một kiểu. Ở Hà Nội đi đóng dấu từng rổ bánh phở một, nhưng ở TP.HCM lại ra tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi kiểm tra hậu kiểm.
Ông nhắc tới vấn đề thời sự gần đây liên quan vụ sữa giả, thuốc, thực phẩm chức năng giả và kém chất lượng, nếu không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì rất khó quản lý chất lượng khi đưa ra thị trường, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Vì thế, Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các đại biểu Quốc hội về việc phân loại các sản phẩm, hàng hóa có rủi ro cao cần phải kiểm tra trước khi lưu hành (tiền kiểm), còn những sản phẩm ít rủi ro có thể thực hiện kiểm tra sau (hậu kiểm). Theo Phó Thủ tướng, việc này sẽ giúp đảm bảo công tác quản lý nhà nước mà không tạo ra rào cản, gây tăng chi phí hay thời gian cho doanh nghiệp.
“Nếu bãi bỏ thật sự rất khó cho công tác quản lý nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết sẽ rà soát lại quy định này, theo hướng vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo để phát triển.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật