TCTM – Dù tổ chức đấu thầu công khai, nhưng với chiêu thức “cài cắm” tinh vi trong hồ sơ mời thầu, con đường tìm kiếm gói thầu của không ít nhà thầu trở nên khó khăn hơn với muôn vàn “chốt chặn”.
Việc đấu thầu theo kiểu hình thức không phải là việc “xưa nay hiếm” nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp thân hữu, sân sau. Những sai phạm, vi phạm trong hoạt động đấu thầu cũng được không ít đại biểu Quốc hội lên tiếng trên diễn đàn Quốc hội trong nhiều kỳ họp.
Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), không ít đơn vị mời thầu sử dụng những “chốt chặn” chiêu trò nhằm đạt lợi ích cá nhân, gian lận trong quá trình xét thầu – “cài thầu quen, chèn thầu lạ”.
Hầu hết các nhà thầu thang máy đều có thể đáp ứng các tiêu chí về năng lực nhà thầu được quy định trong HSMT. Nhưng với chiêu trò cài cắm tinh vi, rất nhiều sai phạm liên quan đến đấu thầu vẫn xảy ra, gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và trở thành chủ đề thời sự không bao giờ hết nóng.
Không ít HSMT được các đối tượng “bắt tay, đi đêm”, “tranh sáng, tranh tối” để chuyển cho nhau thông tin về thiết bị đấu thầu, thông đồng về tiêu chí kỹ thuật của thang máy, hay thậm chí cùng nhau xây dựng HSMT và gần như nhìn qua cũng thấy “nhà thầu nào sẽ trúng”.
Trên thực tế, những “chốt chặn” trên con đường đấu thầu của doanh nghiệp lại được bên mời thầu “cài cắm” tinh vi trong những quy định trong liên quan tới tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật hay nhân sự,… để hướng đến những nhà thầu thân hữu và loại bỏ sự tham gia của những nhà thầu khác. Từ đó biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế.
Chẳng hạn như tại gói thầu số 15 “Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy” thuộc dự án “Đầu tư, cải tạo văn phòng trụ sở mới của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt” có giá trị 2.286.900.000 đồng, đã đóng thầu vào hồi 9h15 ngày 21/06/2023.
Cụ thể, bên mời thầu đưa ra yêu cầu thang máy có công suất động cơ P ≥11kW còn công suất tiêu thụ điện ≤11kVA. Ai đã học qua môn Vật lý thời trung học phổ thông cũng biết công thức tiêu thụ được tính bằng công thức kW = kVA x Cosφ (trong đó, Cosφ là Hệ số công suất, thông thường cosφ ≈ 0.8).
Như vậy, công suất tiêu thụ điện sẽ được tính theo công thức kVA = 11/0,8 = 13,75 kVA. Với công thức tính này, thì công suất tiêu thụ điện không thể ≤11kVA như HSMT trên đưa ra.
Và như vậy, khi HSMT không chính xác thì làm sao có thể lựa chọn được một nhà thầu đạt tiêu chí này? Nhưng sau cùng, Đơn vị Tư vấn vẫn đánh trượt hai nhà thầu khác và lựa chọn được đơn vị trúng thầu. Những điều bất hợp lý trong hồ sơ này khiến người ta phải nghi ngại phải chăng đây là “cái bẫy” để loại các nhà thầu “lạ”?
Bên cạnh những bài toán kỹ thuật mang tính “đánh đố”, không ít HSMT ngang nhiên nêu cụ thể xuất xứ, nhãn hiệu nhằm hạn chế sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Như tại gói thầu “Trang bị mới 2 thang máy tại Trụ sở làm việc của Chi nhánh Hải Dương” được đăng tải ngày 19/7/2023 mới đây, bên mời thầu đã đưa ra chi tiết các yêu cầu về thương hiệu, xuất xứ, thậm chí là mã hiệu thang máy.
Cụ thể là thang máy của hãng Mitsubishi – Nhật Bản, mã hiệu Nexiez – MR có xuất xứ tại Thái Lan. Đồng thời, thang máy phải các tính năng kỹ thuật khác theo tiêu chuẩn của hãng Mitsubishi như dừng tầng an toàn (SFL), dừng tầng kế tiếp (NXL), tự động điều chỉnh tốc độ cửa (DSAC),… Đây là một trong những điều kiện được cho là phân biệt đối xử đối với hàng Việt, hạn chế doanh nghiệp trong đấu thầu.
Mọi chuyện sẽ đi về đâu nếu tiếp tục để những người xét thầu không “chịu học luật”, “không nắm vững kiến thức cơ bản” hay là ngang nhiên thách thức luật pháp giữa thời nay?
Với sự tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư đã biến cuộc đấu thầu thành vở kịch “quân xanh, quân đỏ” để quân đỏ đường đường chính chính trúng thầu. Vở kịch này thường được bố trí theo sơ đồ chiến thuật “3-2-1”, cụ thể, 3 nhà thầu dự thầu, 2 nhà thầu “quân xanh” bị loại vì những lỗi rất sơ đẳng để 1 nhà thầu “quân đỏ” trúng thầu với giá cao, sát giá gói thầu.
Hầu hết, các nhà thầu “quân xanh” sẽ bị loại bởi những lý do lãng nhách như không có bảo lãnh dự thầu, không đầy đủ tài liệu kèm theo… Câu hỏi lớn đặt ra, môi trường đấu thầu qua mạng gần như chỉ dành cho những nhà thầu có kinh nghiệm, hiểu biết nhưng lại để xảy ra những sơ suất sơ đẳng như trên?
Không dừng lại ở đó, sau khi dư luận lên tiếng về tình trạng trên, vở kịch “quân xanh, quân đỏ” còn có nhiều bước chuyển cảnh tinh vi hơn. Chẳng hạn như nhà thầu dự bị sẽ đường hoàng bước qua cửa đánh giá năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, những “diễn viên” này lại “ngã ngựa” vào phút chót với lý do như không làm rõ HSDT…
Hay thậm chí, để loại bỏ sự tham gia của nhà thầu “lạ”, thì biệt đội “quân xanh, quân đỏ” sẽ dùng phương pháp “quây thầu” với sự tham gia của 3 – 5 nhà thầu. Mỗi nhà thầu sẽ có nhiệm vụ khác nhau nhằm gây hoang mang cho nhà thầu “lạ”.
Có nhà thầu đóng vai trò tham dự để bị loại từ khâu đánh giá, có nhà thầu lại mang vai trò “kẹp dưới” đưa giá thầu thấp sát với nhà thầu “lạ” và nhà thầu còn lại sẽ có vai trò “ghì trên” với giá thầu cao hơn nhà thầu “quân đỏ”. Và tất cả đều để dọn đường cho nhà thầu “quân đỏ” trúng thầu.
Vở kịch “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu không phải là chuyện xưa nay hiếm. Điển hình như vụ án xảy ra tại dự án Bệnh viện Đồng Nai, chủ tịch công ty AIC đã lập, thuê nhiều công ty làm quân đỏ, quân xanh tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu, rồi “nâng khống” giá trị các gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Theo quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhất là các trường hợp đặc biệt hoặc các khoản chi nhỏ, Luật Đấu thầu đã quy định những trường hợp về chỉ định thầu, quy định hạn mức để áp dụng chỉ định thầu gồm các dự án dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỷ đồng.
Lợi dụng các quy định về chia tách, gộp gói thầu, có nhiều trường hợp chia nhỏ gói thầu như kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân cận chiếm một phần, hoặc gom nhiều gói thầu nhỏ lại để tạo thành gói thầu phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể có thể đáp ứng.
Hành vi lách luật này cũng từng được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu ví dụ cụ thể về trường hợp tại một bệnh viện đa khoa, tổng giá trị hàng hóa mua sắm là 95 tỷ đồng, song giám đốc bệnh viện đã ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng.
Ngoài ra, không ít trường hợp có sự móc ngoặc tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu cùng cơ quan thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu, khiến giá trị gói thầu tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Cùng với các chiêu trò trên là một ma trận những hoạt động nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong đấu thầu khiến cho việc phải chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu trở thành luật bất thành văn mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia.
Không ít gói thầu thang máy được bên mời thầu xây dựng theo hướng “sính ngoại”, với yêu cầu hàng hóa phải “nhập khẩu đồng bộ nguyên chiếc từ Singapore – Hàn Quốc – Thái Lan hoặc các nước G7” được nhiều doanh nghiệp “gài” trong hồ sơ mời thầu, các nhà sản xuất trong nước đã bị loại “ngay từ vòng… gửi xe” dù sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đặt ra câu hỏi lớn: Liệu rằng thang máy Việt bị loại do nghi ngờ chất lượng hay doanh nghiệp “chung chi” kém hấp dẫn? Trong khi thang máy nội có giá bán rẻ hơn, giá cả rất rõ ràng và dễ dàng tham chiếu thì thang ngoại lại khó khăn hơn trong việc kiểm tra giá.
Vấn đề nổi cộm hiện nay chính là việc nhiều chủ đầu tư, nhất là những dự án tại địa phương ngang nhiên sai phạm, lách luật. Nhiều nhà thầu không trúng thầu, ấm ức cũng đành chịu, vì có muốn cũng không làm gì được, chỉ tốn công tốn sức “kiện củ khoai”.
Ông Vua Thép Andrew Carnegie (1835 – 1919) – một doanh nhân người Mỹ, từng nói “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội” khi đề cập tới việc kết nối, xây dựng, quản lý, sắp xếp và vận dụng các mối quan hệ trong kinh doanh và cuộc sống.
Nhìn vào thực tế xã hội hiện nay, triết lý ấy vẫn luôn đúng. Một doanh nghiệp nếu không có quan hệ tốt với chính quyền, cơ quan nhà nước thì thật khó để có thể kinh doanh, phát triển. Song, vấn đề là mối quan hệ đó thế nào? Có dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật hay không?
Dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì vẫn sẽ tồn tại những kẽ hở chính sách và đấu thầu thang máy cũng không phải ngoại lệ. Một người nghĩ ra luật để đi be, đắp, bịt lại những kẽ hở thì lại luôn có một nhóm người chuyên nghĩ ra các chiêu trò lạng lách.
Trong khi đó, Luật Đấu thầu là một trong những luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kỹ thuật lập pháp. Bởi luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Để tìm được điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó.
Để xóa “mảng tối” này, việc hoàn thiện chặt chẽ các quy định pháp luật, đưa ra mức xử phạt khắt khe hơn trong những vi phạm về đấu thầu là rất cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng kẽ hở trục lợi. Đối với các gói thầu thang máy hay các gói thầu khác dù nhỏ hay lớn, một khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, khó giải thích, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc xác minh và làm rõ vấn đề mà dư luận đang nóng lên.
Và nếu đấu thầu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi.
Tác giả: Phương Trang
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật