Làm gì để góp phần đáp ứng nhu cầu rất cao về nhân lực kỹ thuật thang máy? Trong nhiều giải pháp, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc góp phần quan trọng trong việc tổ chức, hợp tác tổ chức đào tạo chuyên sâu kỹ thuật thang máy với hệ thống cơ sở vật chất thực hành hiện đại, giúp học viên tiếp cận thực tế “người thực, việc thực”, phục vụ phương pháp đào tạo Learning by doing (Học qua thực hành), Training on job (Đào tạo trong công việc thực tế)”.
Một trong những lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội Thang máy Việt Nam là tổ chức đào tạo, dạy nghề, thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và kỹ thuật cho thang máy, thang cuốn tại Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội đã hợp tác với một số cơ sở đào tạo nghề trong cả nước để xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy, cung cấp hạ tầng thực hành chuyên dụng, chuyên gia kỹ thuật giảng dạy hướng tới mục đích nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy. Định hướng và hành động của Hiệp hội góp phần tác động không nhỏ đến sự phát triển ngành thang máy Việt Nam, phát triển đất nước.
Một số thiết bị tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội – Đơn vị hợp tác với VNEA đào tạo kỹ thuật thang máy
Về sự hợp tác với Hiệp hội Thang máy Việt Nam, TS. Trần Xuân Ngọc – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đánh giá, Hiệp hội Thang máy Việt Nam là một tổ chức có uy tín lớn nhất trong ngành thang máy. Bởi vậy sự hợp tác giữa Hiệp hội và các nhà trường trong đó trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội mang ý nghĩa chiến lược đối với vấn đề đào tạo nhân lực ngành thang máy. Hiệp hội đã có sự bao quát rộng lớn về ngành thang máy, rất hiểu quy trình để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong nhà trường, từ xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và có thể hỗ trợ thiết bị chuyên dụng trong thực hành nghề thang máy. Cùng với đó, Hiệp hội cũng tạo điều kiện để các đơn vị giàu kinh nghiệm trực thuộc cung cấp các chuyên gia, kỹ sư có chuyên môn sâu phối hợp cùng với giảng viên cơ hữu của các nhà trường giảng dạy kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực chưa có hệ thống đào tạo chính quy này.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự nhiệt trình, trách nhiệm, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, tâm huyết của Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển nhân lực ngành thang máy. Đáp lại, trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cũng khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để sớm trình lên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt cho phép mở mã nghề kỹ thuật thang máy. Các công tác khác như chương trình đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất cũng được nhà trường khẩn trương tiến hành xây dựng song song. Chúng tôi hy vọng với sự hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa nhà trường và Hiệp hội, ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ tuyển sinh khóa đào tạo kỹ thuật thang máy chính quy đầu tiên trên cả nước!”, ông Ngọc bày tỏ sự phấn khởi.
Về tiềm năng sử dụng nhân lực thang máy, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết, theo thống kê chỉ riêng tại Hà Nội, số nhà cao tầng từ 20 tầng trở lên vào khoảng 10.000 nhà. Đi kèm với đó, số thang máy sử dụng trong trong nó là rất lớn. Thang máy là các thiết bị công nghệ phức tạp, đòi hởi mức độ an toàn cao nên cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định. Điều này đặt ra việc các cán bộ kỹ thuật vận hành tòa nhà cần phải được đào tạo bài bản, chính quy về kỹ thuật thang máy. Tuy nhiên, hiện nay các quản lý viên tại các tòa nhà chung cư cao tầng thường không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ về vận hành thang máy là tình trạng phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả là không xử lý kịp thời các sự cố thang máy, trong đó có những vụ việc chết người vì sự thiếu hiểu biết của những người có trách nhiệm quản lý tòa nhà.
Một buổi đào tạo kỹ thuật thang máy tại Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy
Từ thực tế đó, từ cuối năm 2021, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã hợp tác với Gama Service – Đơn vị Dịch vụ kỹ thuật cao cấp hãng thang máy GamaLift đã tổ chức huấn luyện, đào tạo, cấp chứng chỉ an toàn thang máy cho người lao động làm việc liên quan lĩnh vực này. Trong tháng 2/2022 vừa qua, Hiệp hội tiếp tục mở chương trình đào tạo đối với cán bộ kỹ thuật của một số đơn vị thành viên. Các học viên được đào tạo theo một chương chình khung bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu về nguyên lý thang máy, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa thang máy… Các học viên còn được trang bị các kiến thức tổng hợp về an toàn thang máy, cứu hộ, xử lý tai nạn thang máy… Đạo đức nghề nghiệp cũng là một phần quan trọng để giúp học viên nâng cao trách nhiệm đối với bản thân, khách hàng và cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thang máy, lãnh đạo Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ, Hiệp hội hướng tới mục tiêu đào tạo, sát hạch lao động ngành thang máy theo nhiều cấp độ. Việc đào tạo không chỉ bổ túc nghiệp vụ mà còn chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp để đào tạo ra những kỹ sư, kỹ thuật viên “vừa hồng, vừa chuyên”. Những học viên hoàn thành các khóa đào tạo an toàn thang máy do Hiệp hội tổ chức sẽ được sát hạch nghiêm túc, cấp chứng chỉ, được các đơn vị thuộc Hiệp hội bố trí công việc thích hợp với những gợi ý về mức lương tương xứng với năng lực, trình độ,…
Một đơn vị trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam ngoài chức năng nghiên cứu ứng dụng thang máy cũng có các kế hoạch đào tạo lâu dài. Đó là Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, tuy mới được thành lập nhưng đã có những kế hoạch dài hơi. Một trong những kế hoạch đó là tổ chức đào tạo về kỹ thuật thang máy. TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy chia sẻ: “Viện sẽ thực hiện công tác đào tạo nhân viên lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thang máy với tài liệu hiện đại, cập nhật. Học sẽ phải đi đôi với thực hành là nguyên tắc đào tạo hiệu quả nhất.
Một khu xưởng thực hành của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy tại Thái Nguyên
Hiện nay, Viện đã tiến hành lắp đặt 2 thang máy trong khu thực hành của Viện tại Thái Nguyên với đầy đủ linh kiện, thiết bị, đó là một thang cáp kéo, một thang thủy lực. Hai chiếc thang máy này cùng với một số mô hình cửa thang liên động và đầy đủ hệ thống truyền động cửa thang tự động sẽ giúp các học viên tiếp cận thực tế “người thực, việc thực”, phục vụ phương pháp đào tạo Learning by doing (Học qua thực hành). Viện còn liên kết với một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội để học viên có dịp chứng kiến, học tập, tích lũy kinh nghiệm tại hiện trường một số công trình có lắp đặt thang máy dưới hình thức Training on job (Đào tạo trong công việc thực tế)”.
TS. Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ, công việc chuẩn bị cho công tác đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thang máy như chương trình đào tạo, chuyên gia, giáo viên giảng dạy, hạ tầng phục vụ thực hành về cơ bản đã được chuẩn bị tỉ mỉ, chuyên nghiệp, sẵn sàng. Lãnh đạo Viện cho biết, bước đầu, mỗi khóa học có thể tiếp nhận đào tạo từ 30 – 40 học viên, mỗi năm từ 2 – 3 khóa. Dự kiến vào tháng 6/2022, khóa đào tạo kỹ thuật thang máy đầu tiên sẽ được khai giảng. Học viên bắt buộc phải trải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ. Các cấp hạng chứng chỉ sẽ phân loại rõ trình độ của các học viên. Chứng chỉ được cấp cho học viên có giá trị toàn quốc và quốc tế. Thời gian tới khi Hiệp hội và Viện hợp tác với các hiệp hội thang máy quốc tế và khu vực, nội dung hợp tác bao gồm cả phối hợp đào tạo, tập huấn và đưa lao động làm việc ở nước ngoài. Dữ liệu của tất cả học viên được Viện đào tạo sẽ được tích hợp, lưu trữ trên trang web của Hiệp hội. Doanh nghiệp, người sử dụng nhân lực kỹ thuật thang máy trên toàn quốc hoặc ở nước ngoài đều có thể dễ dàng tra cứu, kiểm tra tài liệu về quá trình đào tạo các học viên. Đây cũng là một yếu tố để giúp các học viên có thể được các công ty thang máy của nước ngoài tuyển dụng làm việc như một hình thức xuất khẩu lao động. Viện sẽ cam kết chất lượng đầu ra. Trong tương lai gần, Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy sẽ mở rộng đào tạo chuyên sâu nhiều lĩnh vực liên quan tới thang máy.
Thị trường thang máy, thang cuốn đang phát triển và rất có tiềm năng, tương ứng với nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên việc cung ứng gặp khó khăn do việc đào tạo manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có mã ngành chính thức, học viên thiếu môi trường thực hành,… Trong tình hình đó, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả của Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong công tác đào tạo hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội cho các học viên kỹ thuật thang máy. Họ sẽ được đào tạo chính quy trong các cơ sở đào tạo được trang bị thiết bị hiện đại, một môi trường thực hành thật sự, học đi đôi với hành, được cấp chứng chỉ có giá trị để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng và doanh nghiệp.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật
Nguyễn Hồng Vượng
Tôi muốn tham lớp học thiết kế thang máy.
Hiền Nguyễn Thị
Anh vui lòng tìm hiểu thêm thông tin về các chương trình đào tạo của Hiệp hội Thang máy Việt Nam tại website vnea.vn hoặc liên hệ trực tiếp Fanpage: https://www.facebook.com/hiephoithangmayvietnam. Trân trọng cảm ơn!
Ha thanh cao
Muon hoc điên thang máy
Hiền Nguyễn Thị
Anh vui lòng để lại thông tin số điện thoại/email để Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy liên hệ tư vấn khi có chương trình đào tạo được tổ chức.
Ngoài ra anh có thể tìm hiểu thêm thông tin về các chương trình đào tạo của Hiệp hội Thang máy Việt Nam tại website vnea.vn hoặc liên hệ trực tiếp Fanpage: https://www.facebook.com/hiephoithangmayvietnam. Trân trọng cảm ơn!
ĐẶNG ĐỨC TÙNG
Tôi muốn học kỹ thuật điện thang máy thì khi nào có lớp ạ
đỗ văn thanh
tôi muốn tham gia học lớp chứng chỉ vận hành thang máy
Hiền Nguyễn Thị
Chào bạn, bạn liên hệ đến fanpage Hiệp hội thang máy Việt Nam hoặc bạn để lại thông tin số điện thoại/email, Tạp chí sẽ chuyển đến bộ phận tiếp nhận và tư vấn của Hiệp hội ạ.
Cường
tôi muốn tham gia về kỹ thuật thang máy sdt 0388961910 có thể liên hệ tư vấn giúp tôi đc k