TCTM – Phá, cạy, cắt cửa thang máy cho đến đục tường cứu hộ kẹt thang máy. Những phương pháp cứu hộ khiến nhiều người lo ngại và đã nhiều lần gây ra hậu quả thương tâm. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn được sử dụng phổ biến trong các vụ cứu hộ kẹt thang máy. Là sai cách hay là không thể?
Mới đây, tại một khách sạn tại Nha Trang đã xảy ra vụ kẹt thang máy, hai nam du khách gần 70 tuổi khi đi thang máy từ tầng 20 xuống sảnh khách sạn thì bị mắc kẹt, thang máy khựng lại khi đi đến giữa tầng 19 và 20.
Theo đó, vào ngày 20/1/2024, nhân viên khách sạn nhận được chuông báo động cứu hộ và tìm cách mở cửa thang máy nhưng bất thành. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Khánh Hòa điều 7 chiến sĩ đến hiện trường. Do cabin thang máy kẹt giữa hai tầng nên lực lượng cứu hộ đã dùng thiết bị đục tường đường kính gần 40cm ở tầng 20 để các chiến sĩ tiếp cận nạn nhân từ phía trên thang máy. Sau hơn một giờ, hai du khách được đưa ra ngoài an toàn.
Hình ảnh lực lượng cứu hộ cứu nạn đục tường để tiếp cận được nóc cabin thang máy tại khách sạn trên đường Hồng Bàng, TP Nha Trang ngày 20/1/2024
Tuy nhiên, phương pháp cứu hộ đục tường đang gây tranh cãi, nhiều người lo ngại đây là cách thức cứu hộ không có nghiệp vụ về kỹ thuật thang máy, gây tổn hại tài sản và có nguy cơ gây mất an toàn cho nạn nhân.
Tương tự, ngày 29/1/2024 vừa qua, Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an quận Hoàn Kiếm cũng vừa giải cứu 7 người mắc kẹt thang máy tại trụ sở Bộ Công Thương bằng cách dùng phương tiện chuyên dụng để mở cửa, tạo khoảng trống đưa các nạn nhân ra ngoài an toàn. Trước đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đã cố gắng tìm cách mở cửa nhưng không hiệu quả.
Hình ảnh lực lượng cứu nạn cứu hộ quận Hoàn Kiếm dùng dụng cụ để phá cửa giải cứu người kẹt thang ngày 29/1/2024 tại trụ sở Bộ Công Thương
Lực lượng chức năng cạy cửa tại chung cư Handico 30 (xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An) để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt ngày 19/1/2024 giải cứu bốn học sinh mắc kẹt
Trước đây, trong nhiều tình huống kẹt thang máy, nạn nhân tự cứu hộ bằng cách cạy phá cửa để thoát ra hoặc lực lượng cứu hộ cứu nạn dùng dụng cụ chuyên dụng phá cửa để đưa nạn nhân ra ngoài cũng khiến nhiều người bất an.
Bình luận của nhiều độc giả trên các kênh báo chí lo ngại về việc cạy phá cửa thang máy trong công tác cứu hộ
Với chiều cao thông thủy trung bình của cabin thang máy là 2,2m, chiều cao tầng trung bình trong khoảng 3,3m – 3,6m, một số công trình chiều cao tầng có thể lên đến trên 4m. Theo đó, khi cabin bị kẹt có các tình huống như dưới đây:
Trong tình huống này cabin đang kẹt tại vị trí nằm trong khoảng bằng tầng, hoạt động cứu hộ thang máy có thể diễn ra dễ dàng bằng cách sử dụng chìa khóa mở cửa tầng để mở cửa tầng và cửa cabin, đưa người bị kẹt ra ngoài. Khoảng bằng tầng được quy định là điểm bằng tầng theo thiết kế hoặc sàn cabin cao hoặc thấp hơn không quá 0.2m so với sàn tầng, đây là khoảng an toàn để mở cửa tầng, tránh các rủi ro rơi ngã vào giếng thang máy.
Trong ba trường hợp này, cabin bị kẹt tại vị trí nằm ngoài khoảng bằng tầng, khi đó sàn cabin thang máy cách vị trí sàn tầng một khoảng lớn hơn 0.2m. Đây là các trường hợp không an toàn để mở cửa thang máy bởi rủi ro khi người từ trong cabin thang máy thoát ra ngoài có thể bị rơi ngã vào giếng thang. Đặc biệt, với các tòa nhà có thiết kế chiều cao tầng lớn, cabin có thể kẹt tại vị trí giữa hai tầng mà cửa tầng thang máy của cả 2 tầng đều không tiếp cận được cửa cabin. Đây cũng là tình huống nhiều người từng kẹt thang máy cố cạy cửa cabin thang máy chia sẻ lại trải nghiệm, sau khi nỗ lực cạy cửa, thứ họ có thể nhìn thấy chỉ là bức tường giếng thang.
Với các tòa nhà có thiết kế chiều cao tầng lớn, cabin có thể kẹt tại vị trí giữa hai tầng mà cửa tầng thang máy của cả 2 tầng đều không tiếp cận được cửa cabin, việc cạy phá cửa từ bên trong không thể đưa người bị kẹt thoát ra ngoài mà còn có nguy cơ rơi xuống giếng thang
Theo quy chuẩn kỹ thuật thang máy về hoạt động cứu hộ thang máy, các tình huống cabin thang máy không nằm trong khoảng bằng tầng cần sử dụng bộ cứu hộ bằng điện hoặc bộ cứu hộ bằng tay để đưa thang máy về vị trí bằng tầng. Tiếp đó mới dùng chìa khóa mở cửa tầng thang máy để mở cửa tầng và cửa cabin, đưa người bị kẹt ra ngoài.
Chìa khóa chuyên dụng để mở cửa tầng thang máy được dùng trong hoạt động cứu hộ và bảo trì, sửa chữa thang máy
Trong thực tế công tác cứu hộ thang máy, rất nhiều tình huống chúng ta thấy người gặp nạn hoặc lực lượng cứu hộ cạy, phá cửa tầng và cửa cabin để đưa người thoát ra. Thậm chí, khi cạy cửa thang mà cabin không nằm tại khoảng bằng tầng, chưa ngắt nguồn điện của thang máy mà vẫn đưa nạn nhân ra ngoài.
Việc này không chỉ gây hư hại thiết bị thang máy, công trình xây dựng mà thậm chí còn gây nguy hiểm cho nạn nhân. Bởi lẽ khi thang chưa về vị trí bằng tầng, chưa ngắt nguồn điện của thang thì thang máy có thể khởi động lại bất cứ lúc nào, lúc này, thang máy trở thành chiếc máy chém gây nên các vụ cắt, chém các bộ phận cơ thể.
Những tình huống lực lượng cứu hộ cứu nạn phá cửa đưa nạn nhân ra ngoài không đúng về kỹ thuật cứu hộ thang máy
Ngoài ra, khi thang máy chưa về vị trí bằng tầng, nguy cơ nạn nhân bị rơi vào giếng thang máy cũng có thể xảy ra như tai nạn tại phố Kim Mã năm 2021, khi hai nạn nhân bị kẹt thang máy, bảo vệ tòa nhà phá cửa để đưa nạn nhân ra ngoài, nhưng khi một nạn nhân vừa bước ra khỏi cabin thang máy thì rơi vào giếng thang dẫn đến tử vong.
Các trường hợp cứu hộ mở cửa khi cabin thang máy chưa về khoảng bằng tầng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn
Người chui ra có thể rơi trở lại giếng thang máy do sàn cabin trong những trường hợp này bởi sàn cabin cao hơn sàn tầng khoảng 1,7m, tuyệt đối không đưa người ra trong tình huống này bởi nguy hiểm cho cả người cứu hộ và người được cứu hộ
Việc xô phá cửa từ trong, cạy phá cửa thang máy từ ngoài gây xô lệch cửa có thể khiến cabin thang máy bị kẹt cứng không thể nhả phanh để đưa cabin về vùng mở cửa an toàn, gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Có ba trường hợp phổ biến có thể gây ra tình trạng cabin thang máy kẹt cứng bao gồm:
1. Các chi tiết cơ khí bị bung ra trong quá trình thang máy hoạt động. Các chi tiết cơ khi này có thể là bộ truyền động cửa, cửa tầng, cửa cabin, cáp bị bung,… hoặc bất cứ nguyên nhân nào khác gây xô lệch cabin. Nguyên nhân này chủ yếu từ lỗi thiết bị, lỗi kỹ thuật viên bảo trì không kiểm tra, căn chỉnh theo đúng kỹ thuật hoặc không phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo hao mòn thiết bị.
2. Do công tác cứu hộ ban đầu sai cách làm bung cửa, kẹt cửa hoặc do khi thang máy bị kẹt, người bên trong hoảng loạn xô đẩy làm bung kẹt cửa,…
3. Do thang vượt tốc theo chiều xuống (tốc độ cabin di chuyển lớn hơn 10% so với vận tốc định mức tối đa) khiến phanh chốt hãm cabin chống rơi chốt chặt cabin trên hệ ray.
Trong các tình huống này, lực lượng cứu hộ cần có năng lực chuyên môn về kỹ thuật thang máy và cứu hộ thang máy. Từ đó tiến hành đánh giá hiện trạng, kiểm tra, căn chỉnh lại nếu cần trước khi tiến hành cứu hộ. Do đó, việc được đào tạo và tuân thủ quy trình cứu hộ thang máy cần được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản.
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật