Cô bạn tôi – một du học sinh kể rằng thời sinh viên thỉnh thoảng vẫn bị “nhốt” trong thang máy của ký túc xá. Những khi như vậy, cô cũng chẳng quá lo sợ vì biết chắc chắn rằng sẽ có đội cứu hộ ngay lập tức đến để giải cứu một cách an toàn. Thậm chí còn thấy những sự kiện như vậy là… thú vị nếu bị nhốt cùng với một anh chàng đẹp trai nào đó.
Việc hành khách bị kẹt trong thang máy không phải là chuyên hiếm trên thế giới.
Chúng ta hãy tìm hiểu công tác cứu hộ thang máy được tổ chức như thế nào.
Cứu hộ thang máy là chuỗi các hoạt động kỹ thuật, bắt đầu từ việc nhận thông tin hành khách bị kẹt trong thang máy và kết thúc bằng việc giải cứu an toàn họ ra khỏi cabin thang máy, đồng thời khắc phục sự cố đảm bảo thang máy tiếp tục hoạt động an toàn, ổn định.
Nhanh và an toàn!
Như vậy, việc giải cứu phải đảm bảo hai yếu tố nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo an toàn. Thời gian giải cứu hành khách ra khỏi cabin thang máy đang dừng giữa các tầng thường không được quá 30 phút (± 10 phút) kể từ khi lực lượng cứu hộ nhận được yêu cầu trợ giúp. Do đó, việc giải cứu hành khách phải được thực hiện bởi lực lượng tại chỗ có chuyên môn, tức người đã được đào tạo, huấn luyện phù hợp, đáp ứng về mặt kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, được trang bị các hướng dẫn cần thiết để tiến hành an toàn các hoạt động theo yêu cầu về cứu hộ và sửa chữa thang máy.
Họ là những người cẩn thận, dũng cảm và trách nhiệm.
Việc cứu hộ thang máy không đúng cách hoặc chậm trễ thời gian có thể gây nguy hiểm cho người bị kẹt trong thang máy
Hoặc cứu hộ sai cách, không đúng nghiệp vụ chuyên môn, gây nên hư hỏng nghiệm trọng thang máy, gây kẹt cabin nguy hiểm cho hành khách
Với các cụm tòa nhà lớn, nhân viên vận hành tòa nhà được trang bị kiến thức nghiệp vụ cứu hộ thang máy. Tuy nhiên, thang máy gia đình ngày càng phổ biến và cả những tòa nhà cũng đều ký hợp đồng dịch vụ bảo trì bao gồm cả công tác cứu hộ với một công ty dịch vụ thang máy, do đó, việc cứu hộ thang máy sẽ do Đội cứu hộ của các công ty này thực hiện.
Đội cứu hộ chuyên nghiệp được biên chế với số lượng người có chuyên môn cần thiết (như thợ điện, thợ cơ khí, nhân viên điều hành cứu hộ, chuyên gia,…) để thực hiện các yêu cầu của nhiệm vụ giải cứu và khắc phục sự cố có tính đến số lượng, loại và model thang máy cũng như trang bị các phương tiện, công cụ và thiết bị cần thiết (kể cả thiết bị đi lại), sẵn sàng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt (mất điện không lường trước trong các tòa nhà, lũ lụt, hỏa hoạn,…), tuân thủ nghiêm ngặt an toàn lao động và kỷ luật tác nghiệp.
Nói như vậy để thấy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia cứu hộ là rất lớn, bởi hoạt động liên quan đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của khách hàng cũng như chính bản thân mình và đồng nghiệp.
Các công ty dịch vụ thang máy uy tín, có số lượng thang máy bảo trì đủ lớn (hàng ngàn thang máy) thường tổ chức các Đội cứu hộ tại các Trạm dịch vụ trải dài trên cả nước theo bản đồ mật độ khách hàng mà mình phục vụ. Trạm dịch vụ đặt ở vị trí lấy hệ thống thang máy làm trung tâm đảm bảo cự ly di chuyển trung bình tới chân công trình tối ưu nhất.
Tuy nhiên, phần lớn các công ty dịch vụ bảo trì hiện nay có mô hình nhỏ, ít nhân sự, thậm chí có những công ty chỉ vài người, phục vụ vài chục thang máy. Kể cả những doanh nghiệp lớn cũng sẽ khó để đảm bảo đủ nhân sự thực hiện cứu hộ, khắc phục sự cố nhanh chóng và an toàn theo đúng yêu cầu và mong muốn của khách hàng, bởi sự phân bổ không đồng đều mạng lưới thang máy mà họ phục vụ.
Hiện nay, việc bảo trì, sửa chữa và cứu hộ thang máy ở một số công ty đang được “trợ giá” bởi nguồn thu từ bán thang mới. Nhưng khi dịch vụ kỹ thuật bị tách ra như một hoạt động kinh doanh độc lập, với cách tổ chức dịch vụ hiện tại của từng doanh nghiệp, giá dịch vụ sẽ bị đẩy lên cao hoặc phải giảm chất lượng dịch vụ, khi đó người sử dụng thang máy có thể phải chờ lâu hơn khi cần cứu hộ hoặc thay thế, sửa chữa.
Ngành thang máy Việt Nam với hơn 20 năm phát triển, được thừa hưởng thành quả của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy, chúng ta đang sử dụng những thang máy mới. Những sự cố đơn giản có thể huấn luyện để người sử dụng hay nhân viên vận hành toà nhà tự thực hiện giải cứu cùng sự trợ giúp của thiết bị công nghệ an toàn. Có lẽ vì vậy, cả người dùng cũng như các công ty dịch vụ thang máy chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của các đội cứu hộ. Nhưng cho đến hiện tại và cả tương lai, khi số lượng thang máy lão hóa tăng, linh kiện thiết bị hư hỏng nhiều (trên 10 năm sử dụng) chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề kỹ thuật mà việc xử lý, giải cứu cần đến những con người được đào tạo bài bản, tin cậy. Việc này nhằm hạn chế việc cứu hộ không đúng cách, cứu hộ không đảm bảo an toàn dẫn đến khiến tình huống nghiêm trọng hơn hoặc gây nguy hiểm cho người bị kẹt trong thang máy.Như đã nói ở trên, các công ty dịch vụ có đội cứu hộ thang máy chỉ phục vụ giải cứu các thang máy thuộc mình quản lý, việc “thấy kẹt mà không cứu” hay không có thẩm quyền cứu sẽ là một lãng phí rất lớn về nguồn lực. Thử tưởng tượng, Đội cứu hộ A ở khu vực X di chuyển hàng chục ki-lô-mét để cứu hộ thang máy ở khu vực Y, trong lúc đó Đội cứu hộ B ở khu vực Y di chuyển theo chiều ngược lại, hay có những đội bận rộn phải di chuyển từ xa đến, trong lúc đó đang có đội cứu hộ sẵn sàng ở ngay bên cạnh không được sử dụng.
Việc xây dựng một nền tảng để tất cả các công ty thang máy, tất cả các đội cứu hộ cùng tham gia vào một mạng lưới chung để thực hiện một nhiệm vụ chung là cứu hộ thang máy, ngoài công việc bảo trì, sửa chữa thang máy thường xuyên là hết sức cần thiết.
Việc này giúp người sử dụng thang máy được phục vụ nhanh chóng, an toàn; giúp các doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí và tối ưu được nguồn lực xã hội. Đứng trước vấn đề này, tôi cho rằng một đơn vị như Hiệp hội Thang máy Việt Nam nên đứng ra tổ chức và quy tụ các doanh nghiệp thang máy, phù hợp với nhu cầu của xã hội, lại vừa thể hiện đúng vai trò và sứ mệnh của Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Huy Nguyễn
Thông tin mới cập nhật