TCTM – Điểm danh những tai nạn thang máy nghiêm trọng gần đây, đa số tai nạn đều liên quan tới cửa tầng thang máy. Có nhiều nguyên nhân như ý thức của người sử dụng thang, sự tắc trách của nhân viên kỹ thuật bảo trì, sửa chữa, kiểm định và cả các lỗi kỹ thuật khách quan liên quan tới thang máy.
Ngày 16/7/2022, tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy làm một người tử vong. Cụ thể, bà P đã dùng tay chặn cửa thang máy lại để cửa tầng mở ra rồi bước vào trong. Tuy nhiên, lúc này cabin thang máy đã di chuyển lên phía trên nên bà P đã bị ngã xuống hố thang dẫn đến tử vong. (Đọc thêm: Thêm một người thiệt mạng do tai nạn thang máy)
Ngày 21/4/2022, cháu VHĐ (4 tuổi, trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dựa vào cửa thang máy ở tầng 6 thì cửa tầng bật vào bên trong khiến cháu bé bị rơi từ tầng 6 vào giếng thang nhưng may mắn vướng vào một đinh thép ở tầng 4 và được cứu thoát.
Năm 2015, tại trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), sinh viên ĐYT ngã vào cửa thang máy, cửa bật vào trong làm sinh viên xấu số rơi thẳng từ tầng 5 xuống dưới hố thang tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn thang máy tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Theo thống kê, khoảng 60% các vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng đều liên quan tới cửa tầng thang máy. Nguyên nhân là do cửa thang kém chất lượng, các thiết bị an toàn bị thiếu hoặc bị hỏng, các công việc đảm bảo an toàn vận hành cho thang như kiểm định, bảo trì, sửa chữa không đảm bảo chất lượng, không đúng quy trình, nhân viên kỹ thuật không đủ trình độ, không có kinh nghiệm,…
Cái giá phải trả là rất đắt, là tính mạng con người.
TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) khẳng định, cơ chế hoạt động của cửa tầng và cabin thang máy liên quan chặt chẽ đến nhau. Theo thiết kế chung, khi cabin dừng ngang sàn tầng và hệ thống liên động cửa tầng – cửa cabin hoạt động thì cửa này mới mở ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi cửa tầng mở thì cabin sẽ không di chuyển để đảm bảo an toàn. Còn nếu cabin đang di chuyển, vì bất cứ lý do gì mà cửa tầng mở ra thì thang máy sẽ ngừng hoạt động.
Theo kỹ sư Phạm Bá Toàn – Trưởng phòng Bảo trì Gama Service, cửa thang máy được cấu tạo từ 2 lớp cửa, lớp cửa phía trong là cửa cabin và lớp phía ngoài là cửa tầng. Hai cửa này hoạt động theo một quy trình chặt chẽ theo 2 yếu tố cơ bản là cơ khí và hệ thống điện. Về hệ thống cơ khí, cửa tầng có một chốt hình móc câu khép chặt, bình thường không thể mở ra, nếu muốn mở cưỡng chế cần có một chìa khóa chuyên dụng. Theo quy trình hoạt động, khi cabin dừng ngang sàn tầng, kiếm cửa sẽ gạt chốt của cửa tầng, khi đó mô tơ cửa trên nóc cabin sẽ được kích hoạt để 2 cửa cùng mở ra.
Có một điều có thể nhiều người không biết, hệ thống “mành hồng ngoại an toàn” thường bố trí ở cửa cabin chứ không phải ở cửa tầng. Nói một cách khác, chỉ khi cabin dừng đúng bằng tầng, cả cabin và cửa tầng mở ra thì hệ thống mành hồng ngoại mới phát huy tác dụng.
Chốt cơ khí cửa tầng thang máy
Hệ thống điện, cửa tầng và cửa cabin thang máy dù được cấu tạo mở về 1 hay 2 phía thì cũng chỉ được mở khi cả cửa tầng và cửa cabin nằm cùng một vị trí (bằng tầng). Còn nếu cửa tầng tự nhiên mở ra sẽ cắt mạch điện an toàn và cả hệ thống thang máy sẽ ngừng hoạt động vì bộ xử lý hiểu là thang máy không đủ an toàn để hoạt động.
Thang máy khi được lắp đặt đúng kỹ thuật thì sẽ không hoạt động nếu một trong các tiếp điểm chưa đóng kín hẳn (khi đó mạch hở). Chính vì nguyên lý này mà thang máy được thiết kế một hệ thống khóa liên động đảm bảo cửa tầng sẽ không thể mở ra được nếu cabin chưa dừng đúng điểm bằng tầng đó.
Thứ nhất, về hệ thống cơ khí:
Do cửa tầng và cửa cabin là hai thiết bị có tần suất hoạt động cao nên chốt, kiếm cửa theo thời gian sử dụng sẽ bị mòn, có thể tới lúc không còn tác dụng chốt cửa. Tình trạng này nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm.
Chất lượng cửa thang thấp có thể do sản xuất không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, cùng với đó là việc lắp đặt, kiểm định, bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện cẩu thả hoặc không đúng quy trình, thời gian. Cũng không loại trừ khả năng trong quá trình lắp đặt, bảo trì, kiểm định… nhân viên kỹ thuật non trình độ không phát hiện chỗ hao mòn, hư hỏng nên bỏ qua lỗi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Thứ hai, về hệ thống điện:
Theo các chuyên gia thang máy, do tầm quan trọng trong kết cấu thang nên ở cửa tầng và cabin được lắp đặt khá nhiều thiết bị an toàn. Ngoài việc đảm bảo để cửa tầng và cabin hoạt động bình thường thì các thiết bị này còn phát tín hiệu cảnh báo khi có hư hỏng hoặc mất an toàn. Đối với các loại thang chất lượng cao, được sản xuất, nhập khẩu theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn và thực hiện hợp quy, được bảo trì, kiểm định theo đúng quy trình, nhân viên kỹ thuật trình độ cao, có kinh nghiệm, có chứng chỉ hợp lệ, các loại cửa thang hoạt động trơn tru, ít khi hư hỏng.
Khi đang ở trạng thái tĩnh, cửa tầng chỉ có thể mở được bằng chìa khóa chuyên dụng
Chuyên gia Phạm Bá Toàn cho biết, đối với các loại thang rẻ tiền, hệ thống mạch an toàn không đảm bảo hay báo lỗi phải sửa chữa liên tục gây gián đoạn sử dụng. Đáng tiếc, để xử lý tình trạng này, một số nhân viên kỹ thuật đã vô hiệu hóa hoặc “đấu tắt” thiết bị an toàn khiến cho hệ thống liên động cửa bị vô hiệu hóa. Tức là cabin có thể vẫn hoạt động ngay cả khi cửa tầng vẫn mở. Đây là thủ thuật của các nhân viên kỹ thuật thiếu lương tâm, ít kinh nghiệm hoặc nhận thức kém… Hành vi này hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người dùng thang.
Nhiều chuyên gia còn chỉ rõ, do tình trạng không thực hiện tiền kiểm do thiếu các “lab” kỹ thuật chuyên dụng, thiếu thiết bị, nhân lực… nên chỉ có thể thực hiện kiểm định lần đầu. Điều này khiến cho nhiều loại thang máy, linh kiện, thiết bị kém chất lượng, trôi nổi vẫn lọt lưới, và tử thần rình rập, chờ sẵn bên trong những thang máy “dởm”.
Qua các vụ việc tai nạn thang máy nghiêm trọng liên tục diễn ra trong thời gian vừa qua, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cho lực lượng lao động của ngành thang máy càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta cần sớm phải xây dựng Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia cho ngành thang máy, chuẩn hóa khung chương trình trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc dân để đào tạo chính quy lao động ngành này. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp và có giải pháp quản lý nhân lực ngành cũng cần tiến hành song song,… để từ đó nâng cao hệ số an toàn cho thang máy, tiến tới phát triển bền vững ngành công nghiệp thang máy nước nhà với những mục tiêu dài hơi hơn nữa./.
Lê Hùng
Thiết kế đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật
TamPham
Tai nạn liên quan đến cửa tầng là do phía cty thang máy:
1. Không dán cảnh báo nguy hiểm kẹt tay hoặc không nên chơi gần khu vực cửa tầng.
2. Bảo trì không Ktra trình trạng ngàm của doorblock. Sau time hoạt động lâu dài thì ngàm bị lệch do ốc vặn bị lỏng.
3. Bảo trì không Ktra bánh xe lệch tâm của yếm treo cửa ( bánh xe lệch tâm quá rộng thì yếm treo cửa dễ bung ra ngoài).
4. Bảo trì không xem tình trạng cửa guốc dẫn hường cửa tầng( lâu ngày guốc mòn, ốc bị lõng lẽo hoặc sắp bị gãy do rỉ sét).
Hiện tại tôi đang làm thang máy ở Nhật và đc tiếp xúc với nhiều cty thang máy như: 東芝、サンセイ、ダイコー、ジャパン、フジテッノ、ワタベ、中央、、、. Chuyên lắp mới, cải tu, bảo trì, sửa chữa nên cũng có chút ý kiến đóng góp . Mong mọi người hãy bỏ tâm Đức vào công việc và hãy thực hiện tốt an toàn lao động tạo ra sản phẩm chất lượng để bảo vệ khách hàng và đặt biệt bảo vệ bản thân anh em bảo trì.