TCTM – Khi một người đàn ông đang di chuyển vào cabin thang máy thì đột ngột cabin di chuyển, tốc độ sự cố xảy ra chỉ trong vài giây khiến ai xem đoạn video này cũng cảm thấy “hú hồn”.
Một video chỉ 13 giây ghi lại sự việc khi thang máy xảy ra sự cố đã thu hút nhiều tranh luận và cả những lời cảm thán. Sự kinh khủng và hậu quả khôn lường trở thành nỗi ám ảnh với người xem.
Cụ thể, video được cắt từ camera trong thang máy tại một chung cư có ký hiệu “thang may toa hh2c – Thang 13” được cho là tại tòa Chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) với mốc thời gian là khoảng 7 rưỡi sáng ngày 26/8/2024.
Video được chia sẻ trên mạng xã hội và nhanh chóng được lan truyền trong giới kỹ thuật viên thang máy, những “người trong nghề” cũng đều thể hiện sự bàng hoàng về sự cố này.
Theo đó, video đã ghi lại hình ảnh người đàn ông đang ở khe cửa thang máy nhưng cabin vẫn di chuyển khi cửa chưa đóng hết.
Cơ thể người đàn ông suýt bị kẹp ở cửa thang khi cabin di chuyển, may mắn là anh ấy đã phản ứng nhanh chóng, rút chân và lui người lại, thoát ra khỏi tầm di chuyển của cabin thang máy nên đã tránh được tai nạn kinh hoàng.
Nguyên tắc cơ bản của mạch an toàn cửa thang máy là thang máy sẽ không được phép di chuyển nếu cửa chưa hoàn toàn đóng kín, nhằm bảo vệ an toàn cho người sử dụng.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Tiến của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy, nguyên nhân của sự cố thang máy này là do mạch an toàn cửa tầng của hệ thống thang máy bị vô hiệu, việc đó khiến thang máy vẫn chạy dù cửa chưa đóng kín.
Có 2 nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này bao gồm liên quan đến thiết bị và con người:
– Nguyên nhân thiết bị:
Có thể do mài mòn hoặc trục trặc nào đó khiến mạch an toàn bị vô hiệu, dẫn đến cửa chưa đóng hết mà thang máy vẫn hoạt động. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
– Nguyên nhân con người:
Thứ nhất, trong quá trình bảo trì – bảo dưỡng, nhân viên bảo trì đã câu tắt mạch an toàn để thực hiện công việc nào đó như thao tác căn chỉnh cơ khí cửa tầng, cửa cabin nhưng sau đó quên điều chỉnh về trạng thái bình thường.
Thứ hai, nhiều nhân viên bảo trì cố tình câu tắt để giảm thiểu tình trạng thang máy báo lỗi và dừng hoạt động (có tới 40% lỗi khiến thang máy dừng hoạt động là do cửa, vì thế kỹ thuật viên đã “ăn gian” câu tắt để bỏ qua hệ thống này).
Cũng từ các nguyên nhân trên, biện pháp phòng ngừa cần áp dụng trên cả thiết bị thang máy và con người – những người có trách nhiệm liên quan.
1. Thiết bị thang máy cần phải đạt các quy chuẩn kỹ thuật thang máy, được lắp đặt, kiểm định và bảo trì đúng theo quy định.
Đồng thời, hệ thống điều khiển thang máy được trang bị chức năng kiểm soát hệ thống an toàn của cửa tầng và cửa cabin để bất kể khi nào phát hiện cửa tầng, cửa cabin bị câu tắt thì thang sẽ dừng hoạt động trong chế độ chạy tự động.
2. Con người, bao gồm 3 đối tượng:
– Quản lý vận hành toà nhà: Phải được đào tạo, có chứng chỉ vận hành. Ngoài ra, đơn vị quản lý vận hành thang máy cần có trách nhiệm tìm kiếm, khảo sát, đánh giá, lựa chọn đơn vị bảo trì thang máy uy tín để đảm bảo an toàn thang máy cho cư dân.
– Kỹ thuật viên bảo trì: Cần yêu cầu tuân thủ tuyệt đối quy trình thực hiện công việc, phải được đào tạo và có chứng chỉ nghiệp vụ thang máy, chứng chỉ an toàn lao động, được trang bị kiến thức về pháp luật (bị truy cứu hình sự nếu có các hành vi gây hậu quả).
– Người sử dụng: Người sử dụng cần tự trang bị các kỹ năng sử dụng thang máy an toàn và tập trung sự chú ý, không chen lấn, không cố vào thang máy khi cửa đang đóng,…
Thông tin mới cập nhật
Kiến không ngủ
Các bạn chả biết cái gì về thang máy ở đó mà phán như đúng rồi ý