Đầu tư lớn nhưng lãi suất thấp, rủi ro cao, yêu cầu khắt khe, đầu ra bấp bênh, sản phẩm đơn điệu… là những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị thang máy phải vượt qua. Đó là tâm sự của CEO của một công ty dám “liều” bước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành thang máy.
Ông Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí – Thang máy Tân Lập (Công ty Tân Lập) – một công ty hiếm hoi sản xuất linh kiện thang máy thốt lên như thế khi nói về đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ngành thang máy. Theo ông, tất cả các linh kiện, thiết bị thang máy đều đòi hỏi các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn vô cùng khắt khe. Để sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm các linh kiện, thiết bị thang máy cần các thiết bị đồng bộ, chuyên dụng rất đắt tiền. Thông thường hiện nay, các nhà sản xuất trong nước chủ yếu sản xuất các linh kiện thay thế, chỉ có số ít linh kiện có thể chen chân vào lĩnh vực lắp ráp cho sản phẩm mới. Trong khi đó, linh kiện, thiết bị thang máy nhập khẩu tràn lan với “ma trận” giá cả, chủng loại khiến khách hàng không biết tin tưởng ai. Với điều kiện cạnh tranh khốc liệt như vậy, việc đầu tư sản xuất sản phẩm linh kiện, thiết bị thang máy ở thời điểm hiện tại được cho là rất mạo hiểm, nhiều rủi ro. Đầu tư vốn nhiều lãi lại ít, rủi ro tiềm ẩn là những e ngại mà các doanh nghiệp đầu tư không muốn mạo hiểm. Đó cũng là một số trong những nguyên nhân chính dẫn tới có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị thang máy hiện nay.
Sản xuất puli thang máy tại Công ty Tân Lập
Công ty Tân Lập được cho là khá mạo hiểm khi chuyển hẳn sang sản xuất linh kiện thang máy từ 3 năm nay và đã gặt hái được những thành công đầu tiên. Nhưng để có được những kết quả ban đầu là cả một quá trình tìm hiểu, thích ứng gian khổ. Vốn là một xưởng cơ khí, sản phẩm trước đây của công ty này là các phụ tùng, thiết bị thay thế cho các nhà máy gang thép, lò luyện thép… Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển ngành xây dựng, nhu cầu về thang máy tăng rất cao, trong khi thị trường linh kiện, phụ kiện, thiết bị thay thế hầu hết nhập ngoại. Nhận thấy tiềm năng phát triển sản sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, lãnh đạo Tân Lập đã chuyển sang một lĩnh vực sản xuất hết sức mới mẻ: sản xuất linh kiện thang máy. Ông Bùi Mạnh Cường, đại diện công ty cho biết, những ngày đầu bắt tay vào sản xuất, khó khăn nhất là công việc tìm hiểu thị trường, tìm khách hàng có nhu cầu để chào hàng và chờ đợi phản hồi. Sau một thời gian lắng nghe các ý kiến phản hồi, đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng, công ty đã có những khách hàng đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay khách mới đặt hàng công ty 3 mặt hàng linh kiện chính là puli bị động, đối trọng và guốc dẫn hướng với mức độ tiêu thụ còn khá khiêm tốn.
Trên thực tế, để đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với linh kiện của thang máy là không khó nhưng để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng mới nan giải. Những yêu cầu của khách hàng đưa ra tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện: Chất lượng sản phẩm phải tốt hơn hàng hóa Trung Quốc nhưng giá phải rẻ hơn, phải cung ứng sản phẩm ngay lập tức khi họ cần. Ngoài ra, các loại linh kiện, thiết bị thang máy tràn lan trên thị trường, tốt xấu thật giả lẫn lộn, giá cả biến hóa không thể theo kịp cũng gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ chân chính.
Công nghiệp hỗ trợ cần các điều kiện để phát triển.
“Chấp nhận các điều kiện khách hàng đặt ra và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường để tham gia cuộc chơi, chúng tôi đã vượt qua những cửa ải khó khăn ban đầu. Chúng tôi hoàn toàn có thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng rất cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Linh kiện, thiết bị nhập khẩu hay sản xuất trong nước phải cùng tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, được giám sát một cách minh bạch, bình đẳng. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng sát, đơn giản hoá với doanh nghiệp hơn, chẳng hạn ưu đãi cho vay vốn để nhập thiết bị hiện đại mở rộng sản xuất, ưu đãi thuê mặt bằng, nhà xưởng,…” – ông Cường nói. Đây là những nguyện vọng, mong mỏi của không ít doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thang máy trong nước và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thang máy.
Theo thống kê, mỗi năm có gần 4 vạn thang máy được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, trong đó có số lượng khá lớn thang máy được lắp ráp trong nước. Trong bối cảnh như thế, tiềm năng ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất thang máy là rất lớn. Một số doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư lớn để nhập khẩu thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ thang máy. Nhưng họ cũng cần có một một hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát chất lượng, thuế nhập khẩu, hàng nhái hàng giả… đối với linh kiện, thiết bị thang máy nhập khẩu. Có như vậy thì mới có một cuộc cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Được biết, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài việc bổ sung thang máy vào danh mục các mặt hàng sản xuất trong nước từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành thang máy. Với chủ trương cùng các giải pháp thúc đẩy phát triển như vậy, hy vọng công nghiệp hỗ trợ trong đó có ngành thang máy sẽ có môi trường phát triển mạnh mẽ và vững chắc, tương xứng với tiềm năng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong nước, chủ động nguồn cung linh kiện, thiết bị, giảm sự phụ thuộc nhập nguyên liệu, linh kiện, thiết bị từ nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó sẽ hạn chế nhập siêu, hạn chế chảy máu ngoại tệ, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật