Thang máy là không gian kín và muốn sử dụng được thì bắt buộc người sử dụng phải thực hiện thao tác bấm tầng đích đến. Điều này mang lại không ít rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Một số công ty công nghệ đã đi tiên phong trong giải quyết vấn đề này bằng phát minh công nghệ “không chạm”. Sự thông minh và tính tiện lợi có thể sẽ biến công nghệ này thành xu thế tất yếu trong thang máy.
Nút bấm thang máy bẩn gấp 40 lần so với bệ bồn cầu – đây là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Cuộc khảo sát cho thấy có tới 313 loại vi khuẩn cư trú trên 1cm2 ở nút bấm thang máy, trong khi trên bề mặt bồn cầu chỉ có 8. Nút bấm thang máy mang nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, trong đó có khuẩn E. coli.
Tiến sĩ Nicholas Moon, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong các tòa nhà đông đúc, với hàng trăm lượt nhấn nút thang máy mỗi giờ thì nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn rất cao, cho dù nút bấm đó được vệ sinh một cách đều đặn.
Theo Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc, Virus Corona có khả năng sống sót trên bề mặt tới 28 ngày. Mặc dù đây không phải nguồn lây nhiễm chính nhưng những lo ngại trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để như hiện nay hoàn toàn có cơ sở. Và người ta có lý do chính đáng để lo ngại việc phải bấm nút vật lý mỗi khi đi thang máy.
Ảnh CNN – Người đàn ông ở Tehran, Iran này đang sử dụng tăm xỉa răng để bấm tầng thang máy
Trước vấn đề này, mới đây một công ty ở Singapore có tên Stuck Design đã phát triển công nghệ Kinetic Touchless cho phép người dùng không cần chạm trực tiếp vào nút bấm thang máy mà vẫn nhận được lệnh. Công nghệ Kinetic Touchless có thể bắt chước chuyển động của ngón tay và mô phỏng lại phản ứng xúc giác của việc nhấn nút. Người dùng chỉ cần thực hiện động tác vươn tay đến gần nút bấm và không cần chạm vào, hệ thống sẽ nhận được kết quả tương tự hành động nhấn nút. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng có thể áp dụng cho các động tác khác như đẩy, kéo và trượt.
Nic Banks – Giám đốc sáng lập hãng thiết kế nội thất Atelier Pacific (Hồng Kông) cho biết thiết kế không gian công cộng và cơ sở hạ tầng đã bắt đầu thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu đại dịch. Như việc các ga tàu, sân bay quốc tế Hồng Kông (HKIA), tòa nhà công cộng và tư nhân ở Hồng Kông đã tiến hành lắp đặt các nút thang máy không chạm, chỉ cần trỏ ngón tay gần nút bấm.
Hệ thống của HKIA, được gọi là kNOw Touch, được phát triển bởi Hội đồng Xúc tiến Năng suất Hồng Kông (HKPC) để giúp tránh tiếp xúc. Ông Lawrence Poon, Tổng Giám đốc bộ phận thành phố thông minh của HKPC, cho biết hệ thống là một công nghệ tiết kiệm chi phí, có thể tương thích với các bảng điều khiển khác nhau và dễ dàng trang bị thêm vào thang máy ở tất cả các tòa nhà.
Còn tại Ấn Độ, một kỹ sư phần mềm tên là Bhavin Ahir, người sáng lập công ty điện tử TechMax Solution, cho biết: “Tôi luôn có cảm giác lo sợ khi chạm vào các nút bấm thang máy, vì vậy tôi quyết định thực hiện một số ý tưởng công nghệ từ nỗi lo lắng của mình.” Trong thời gian đất nước phong tỏa, anh làm việc ngay trong nhà mình. Thời gian đó, anh tạo ra một sản phẩm, mà tới giờ được gọi là “Sparshless” (trong tiếng Phạn, Sparh có nghĩa là “cảm ứng”).
Hệ thống bao gồm một bảng điều khiển được lắp cùng với các nút thang máy hiện có. Bảng điều khiển này cho phép người dùng chọn tầng bằng cách chỉ tay vào mỗi nút từ khoảng cách 10 đến 15mm để kích hoạt tín hiệu hồng ngoại cho thang máy biết tầng họ muốn đến.
Ahir cho biết các thiết bị điều khiển Sparsh cũng được gắn ở lối vào thang máy trên mỗi tầng. Người dùng đặt tay dưới các mũi tên trên thiết bị để cho biết họ muốn di chuyển lên hay xuống. Đó là một hệ thống hoàn toàn không tiếp xúc, được thiết kế cho một thế giới, nơi mọi người trở nên thận trọng với mọi thứ họ chạm vào.
Ahir cho biết anh đã nhận được các yêu cầu đặt hàng từ Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil về các bảng điều khiển cảm ứng trong thang máy. Anh hy vọng sẽ bán được 1.500 chiếc vào cuối năm nay. Đây là mục tiêu đầy tham vọng đối với một công ty nhỏ tại quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ ba thế giới.
Ảnh CNN – Người dùng gọi thang máy được trang bị Sparshless bằng cách đặt tay của họ dưới thiết bị được trang bị bộ phát tia hồng ngoại
Khi công nghệ phát triển, thang máy cũng sẽ ngày một trở nên thông minh hơn bằng cách tích hợp Internet of Things (IoT), sử dụng Trí thông minh nhân tạo (AI). Việc điều khiển thang máy bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo (giống như Siri của Apple, Alexa của Amazon) đã được thử nghiệm bởi Mitsubishi, hay sử dụng nút bấm Hologram (hình ảnh nổi ba chiều) đã được sử dụng tại Trung Quốc đang trở thành một xu hướng và có thể sẽ ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần./
Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật