TCTM – Liên quan tới những quy định về phòng cháy chữa cháy cho thang máy, hiện còn nhiều điểm “bỏ ngỏ” khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) diễn ra ngày 10/5/2023 vừa qua, từ những vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt câu hỏi về mức độ phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng, mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định,…
“Về QCVN 06:2022 có tham khảo quy chuẩn của các nước, nhưng cần xem xét quy chuẩn đó có phù hợp với nước ta không, có phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, công nghệ… không?
Một vấn đề nữa là với một văn bản mà các chuyên gia trong lĩnh vực đọc và vẫn còn những suy nghĩ khác nhau về áp dụng thì rõ ràng văn bản đó chưa đơn giản, dễ áp dụng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC phải phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định… Ảnh: VGP/Đình Nam
Từ thực trạng một văn bản nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực có nhiều các nghĩ khác nhau được Phó Thủ tướng nêu rõ trong cuộc họp, nhìn về ngành thang máy, liên quan tới những vấn đề thang máy chống cháy theo quy định pháp luật hiện nay, hiện còn nhiều điểm “bỏ ngỏ” khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện.
Chẳng hạn như liên quan đến vấn đề cửa chống cháy thang máy, hiện đang có sự khác biệt giữa hai quy chuẩn do Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành.
Cụ thể, theo quy chuẩn QCVN 03:2021/BCA do Bộ Công an ban hành yêu cầu cửa chống cháy thang máy đáp ứng tính toàn vẹn và tính cách nhiệt (EI) theo quy định tại văn bản Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6396-58.
Trong khi đó, cũng liên quan tới cửa thang máy chống cháy, theo QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng ban hành, cơ quan này lại yêu cầu cửa giếng thang máy chống cháy không nhỏ hơn E 30 – tức chỉ yêu cầu về tính toàn vẹn. Và quy định này cũng được giữ nguyên từ bản ban hành trước đó là QCVN 06:2021/BXD.
Như vậy, điều cần làm rõ ở đây chính là vì sao QCVN 03:2021/BCA lại sử dụng TCVN 6396-58 năm 2010 để đưa ra các yêu cầu về cửa thang máy chống cháy mà không dựa trên QCVN 06:2021/BXD.
Ngoài ra, về phía Bộ Xây dựng, trong bản QCVN 06:2022/BXD mới đây cũng không có sự điều chỉnh trong quy định về cửa tầng thang máy chống cháy.
Sự mâu thuẫn giữa hai văn bản quy phạm pháp luật của hai bộ cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư xây dựng, cụ thể là lắp đặt thang máy tại các công trình có yêu cầu thẩm định PCCC.
Quy định về cửa tầng thang máy theo QCVN 03:2021/BCA.
Quy định về cửa giếng thang máy theo QCVN 06:2022/BXD.
Theo quy định của luật thì không hồi tố, thời điểm công trình được thi công sẽ phải đảm bảo tuân thủ theo các văn bản hiện hành. Nếu có văn bản mới thì những công trình được duyệt từ thời điểm văn bản mới có hiệu lực sẽ chịu sự quản lý, điều chỉnh của văn bản mới.
Như vậy, liệu chủ đầu tư có thể chỉ theo QCVN 06:2022/BXD đối với những phần trùng lặp với QCVN 03:2021/BCA hay không?
Trên thực tế, Bộ Xây dựng phụ trách phê duyệt cấp phép còn Bộ Công an phụ trách về khâu nghiệm thu PCCC nên các Chủ đầu tư các công trình sẽ đáp ứng theo quy chuẩn cao hơn là QCVN 03:2021/BCA để công trình được nghiệm thu?
Khi có sự cố cháy nổ sảy ra thang máy chữa cháy sẽ được được sử dụng dưới sự điều khiển trực tiếp của lực lượng chữa cháy. (Ảnh: Fire Engineering).
Ngoài ra, theo quy định, thang máy chữa cháy là thang phục vụ công tác PCCC. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra thang máy chữa cháy sẽ được được sử dụng dưới sự điều khiển trực tiếp của lực lượng chữa cháy. Ở điều kiện bình thường, thang máy chữa cháy vẫn được sử dụng để chờ người.
Vậy với thang máy phục vụ dân dụng thì đây là thang máy của hoạt động xây dựng hay thang máy nằm trong điều phối của “phương tiện PCCC”?
Chia sẻ tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC diễn ra ngày 10/5/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị phải có “sổ tay” hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất cách hiểu trong áp dụng các quy định về PCCC.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam kiến nghị tăng cường xã hội hoá hoạt động kiểm định, thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC, không bị “sốc” chính sách.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ ra một số nguyên nhân của các bất cập, khó khăn, vướng mắc đã dược nhận diện.
Đó là sự thiếu quan tâm, không tuân thủ đầy đủ quy định về PCCC của các chủ đầu tư, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân. Các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC còn thiếu đồng bộ, chưa tương thích với các quy định pháp luật khác.
Quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC chưa tiếp nhận đầy đủ ý kiến từ các chủ thể chịu tác động, điều chỉnh; chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chưa lường trước những vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC cho công trình xây dựng – Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngoài ra, từ những vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về mức độ phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng, mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định,…
“QCVN 06:2022/BXD có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc đều đúng nhưng trong điều kiện cụ thể, đặc thù thì chưa phù hợp, đây là vấn đề cần xem xét để gắn với thực tiễn tốt hơn theo mức độ nguy cơ cháy nổ của loại hình, quy mô công trình, thiết bị…
Chúng ta linh hoạt trong quá trình thiết kế quy chuẩn bảo đảm tính khả thi nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, không hợp thức hoá sai phạm”, Phó Thủ tướng phân tích.
Chỉ trong vòng 18 tháng đã có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến kỹ thuật quốc gia về an toàn chảy nổ cho nhà và công trình. Vấn đề này đã khiến các doanh nghiệp trở nên lúng túng.
Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Qua thời gian áp dụng, cho thấy có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, trong khi một số công trình đang đầu tư theo quy định của văn bản cũ thì văn bản mới lại được ban hành, gây ảnh hưởng rất nhiều đến quy trình thẩm định và làm gián đoạn việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Thống kê chưa chính thức từ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết có khoảng gần 40.000 công trình trên cả nước có tồn tại về PCCC.
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật