TCTM – Trung tâm đào tạo thang máy của Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ giúp người lao động được đào tạo lý thuyết bài bản đi đôi với thực hành, nâng cao năng lực hiện trường trong lĩnh vực thang máy. Với chứng chỉ đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đây sẽ là một lợi thế giúp các học viên ứng tuyển công việc tương lai.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh: Đòn bẩy quan trọng để phát triển đội ngũ nhân lực ngành thang máy “vừa hồng, vừa chuyên” đạt cả lượng và chất chính là đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối, hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Và chương trình hợp tác đào tạo quốc tế của Hiệp hội Thang máy Việt Nam là một trong những đòn bẩy đó.
PV: Không chỉ là Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam, ông còn là người đã gắn bó hơn 13 năm với công tác đào tạo trong doanh nghiệp, ông đánh giá ra sao về chất lượng nhân lực kỹ thuật thang máy Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Huy Tiến: Trước khi đi vào chất lượng nhân lực kỹ thuật thang máy Việt Nam hiện nay, tôi xin lưu ý về đặc thù của ngành thang máy nói chung. Dù ở quốc gia nào, chất lượng kỹ thuật viên thang máy cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, khi họ là người tiên quyết trong việc cung cấp cho người sử dụng những sản phẩm thang máy chất lượng.
Trong khi các nhà sản xuất chỉ cung cấp một “đống thiết bị” nằm trong các thùng gỗ, thì vấn đề thang máy có chạy được hay không, đảm bảo an toàn hay không, thì có tới 60% phụ thuộc vào chất lượng, năng lực của đội ngũ nhân viên kỹ thuật từ công tác lắp đặt, vận hành, kiểm định tới bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa,…
Mỗi chiếc thang máy hoàn chỉnh được tạo nên bởi hơn 20.000 linh kiện máy móc, thiết bị tích hợp với nhau. Với đặc thù kỹ thuật phức tạp như vậy, nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm và chất lượng vận hành.
Còn đối với yêu cầu về trình độ nhân lực, theo QCVN 02:2019, chúng ta mới chỉ đưa ra quy định là “người am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm bắt được các kỹ năng để thực hiện các công việc liên quan đến việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Ngoài một số doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn chiến lược quan tâm và đầu tư nhất định cho phát triển nguồn nhân lực bắt đầu từ tuyển dụng cho đến đào tạo, vẫn còn đó nhiều công ty chưa có điều kiện hoặc chưa muốn sử dụng nguồn lao động chất lượng do lo ngại giá thành dịch vụ cao.
Và như vậy, chúng ta đang hình thành nên một thị trường lao động kỹ thuật thang máy thiếu kiểm soát, không đồng đều về chất lượng, “vàng thau lẫn lộn” khiến người sử dụng dịch vụ cũng không dễ để phân biệt. Nhiều khi mất tiền để mua sự bực mình, chưa nói đến những sự cố, tai nạn liên quan đến năng lực thực thi của chính nhân viên kỹ thuật.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của những hạn chế này?
Ông Nguyễn Huy Tiến: Thứ nhất, nói về chất lượng lao động nói chung thì vấn đề giáo dục – đào tạo sẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần bàn tới. Như tôi đã đề cập phía trên, năng lực kỹ thuật của người lao động là yếu tố tiên quyết, góp phần đem tới một sản phẩm thang máy an toàn, chất lượng cho người sử dụng.
Thế nhưng, thực tế cho thấy Việt Nam lại chưa hề có cơ giáo dục nghề nghiệp nào đào tạo đội ngũ kỹ thuật, chuyên viên thang máy một cách chính quy. Do đó, trình độ, chất lượng của lao động thang máy từ sản xuất, thiết kế, chế tạo đến lắp đặt, bảo trì, sửa chữa đều chưa đồng đều, ổn định.
Thứ hai, bên cạnh giáo dục nghề nghiệp, bản thân ngành chưa có một tiêu chuẩn để phân loại nguồn nhân lực. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mỗi doanh nghiệp đều tuyển dụng, đào tạo theo cách của riêng mình. Việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp theo nhu cầu riêng là hoàn toàn bình thường, nhưng điều này sẽ dẫn tới tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không tuân theo một khung năng lực đào tạo, đánh giá, sát hạch.
Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp nhỏ, họ cũng muốn có được đội ngũ chất lượng và sẵn sàng trả thêm chi phí cho việc đào tạo nhân sự nhưng lại không biết đào tạo thế nào, tìm kiếm nguồn lực ra sao. Đấy là chưa nói đến nhiều doanh nghiệp chủ động sử dụng các lực lượng lao động chưa qua đào tạo do không tuyển dụng được hoặc để giảm chi phí trả lương hòng giảm giá thành dịch vụ, tăng sức cạnh tranh.
Thứ ba, chất lượng nhân lực kỹ thuật ngành thang máy còn nhiều hạn chế và chưa được các doanh nghiệp chú trọng còn là hậu quả từ sự dễ dãi của phần lớn khách hàng khi yếu tố giá cả vẫn là tiêu chí đầu tiên để đưa ra lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ.
Để tạo ra được sự ổn định trong chất lượng nhân sự trong ngành thang máy thì bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp tại các trường dạy nghề trong nước, chúng ta cũng cần chú trọng hơn đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các bài toán phát triển nhân sự của doanh nghiệp, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy trong thời gian qua cũng đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với trường Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC – Korea Lift College) – trường học duy nhất trên thế giới chuyên về thang máy, tiến tới thành lập trung tâm đào tạo thang máy tại Việt Nam.
Là một người đã gắn bó hơn 13 năm với công tác đào tạo trong doanh nghiệp, tôi đánh giá trong khi công nghệ thế giới đang thay đổi từng ngày, đòi hỏi sự cải tiến, đổi mới liên tục thì đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp sẽ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam, giúp họ nhanh chóng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về năng lực.
PV: Như ông đã chia sẻ Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Đại học Thang máy Hàn Quốc đang cùng nhau “bắt tay” để tạo ra những con người kỹ thuật “nhất nghệ tinh” của ngành thang máy. Liệu ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Huy Tiến: Là người may mắn có cơ hội hợp tác, giao lưu với nhiều tổ chức và đơn vị đào tạo thang máy trong nước và quốc tế, tôi đặc biệt ấn tượng với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại của trường Đại học Thang máy Hàn Quốc.
Thông qua thời gian tiếp xúc và làm việc, tiếp cận các tài liệu giảng dạy cũng như trực tiếp tham gia vào một số buổi đào tạo của sinh viên Đại học Thang máy Hàn Quốc, tôi nhận thấy chương trình đào tạo thang máy của quốc gia này rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Theo nhận định của các chuyên gia thang máy Hàn Quốc, dù ngành thang máy Hàn Quốc đã vượt xa Việt Nam về số lượng, công nghệ sản xuất và quản lý an toàn,… nhưng họ chỉ đi trước chúng ta 15 năm. Nghĩa là ngành thang máy Việt Nam hiện nay tương tự như Hàn Quốc 15 năm trước.
Việc tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của các quốc gia phát triển trong từng lĩnh vực, theo tôi là một bước đi phù hợp.
Đối với chương trình hợp tác quốc tế giữa Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy với trường Đại học Thang máy Hàn Quốc, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Chương trình sẽ tập trung vào đào tạo nghề – từ sơ cấp, trung cấp đến trình độ cao đẳng và đại học.
Ở giai đoạn đầu tiên, chúng tôi tập trung giải quyết các nhu cầu trước mắt của các doanh nghiệp và người lao động thông qua việc thành lập trung tâm đào tạo thang máy tại Việt Nam gắn liền với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Những công việc chuẩn bị về thủ tục và cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên đang được chúng tôi triển khai. Khóa học đầu tiên dự kiến sẽ được công bố tuyển sinh, thực hiện ngay trong năm nay.
PV: Một câu hỏi tôi đang thắc mắc chính là những kỹ thuật viên thông qua chương trình liên kết đào tạo của Hiệp hội và Đại học Thang máy Hàn Quốc có tố chất gì khác biệt so với lao động ở thị trường lao động nói chung?
Ông Nguyễn Huy Tiến: Kể từ khi thành lập vào năm 2010, trường Đại học Thang máy Hàn Quốc đã liên tục ghi nhận tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất cả nước và trở thành ngôi trường chuyên đào tạo những nhân tài chủ chốt cho ngành thang máy Hàn Quốc. Đây cũng là nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp thang máy quốc tế như Otis, Thyssenkrupp, Hyundai,…
Chương trình đào tạo của Đại học Thang máy Hàn Quốc được xây dựng bài bản từ cơ sở đến chuyên ngành cùng trang thiết bị đào tạo hiện đại, đội ngũ giảng viên cơ hữu kết hợp với các chuyên gia đang trực tiếp làm việc việc trong các doanh nghiệp lớn khác nhau.
Các chương trình đào tạo chuyên sâu được phân chia theo từng chuyên ngành chính, hướng đến từng định hướng nghề nghiệp khác nhau như kỹ thuật thang máy, thiết kế thang máy, thang máy thông minh,…
Mô hình đào tạo của Hàn Quốc không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về nguồn lực cho chính các doanh nghiệp mà còn là động lực để thúc đẩy cho sự phát triển chung của toàn ngành, của toàn xã hội. Tôi cho rằng đây là điểm mấu chốt của ngành thang máy Hàn Quốc trong suốt 15 năm qua và chúng tôi cùng đang hướng đến triển khai một mô hình tương tự, được thiết kế phù hợp với thị trường Việt Nam.
Với tôi, điểm nhấn tiên quyết của quá trình giáo dục nghề nghiệp là học đi đôi với hành, đổi mới phương thức đào tạo theo cách tiếp cận hiện đại. Đặc biệt là phải tổ chức rèn luyện học viên tập trung vào năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao tác phong lao động, kỷ luật, cũng như tinh thần trách nhiệm.
Toàn bộ chương trình lý thuyết và đào tạo thực hành sẽ được thực hiện ngay tại trung tâm đào tạo thang máy của Hiệp hội Thang máy Việt Nam. Học viên sẽ được tiếp cận cách học đa dạng vừa nhìn, vừa thấy, vừa nghe, vừa thực hành và được tương tác, thảo luận với các giảng viên là chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia thang máy hàng đầu trong nước và quốc tế.
Không chỉ được đào tạo về chuyên môn, thông qua chương trình đào tạo của Hiệp hội, học viên sẽ có cơ hội học tập và rèn luyện tác phong làm việc trong ngành kỹ nghệ, đó là “kỷ luật, kỹ thuật và năng suất cao”. Học viên sẽ được rèn luyện từ tính kỷ luật, đúng giờ đến tinh thần trách nhiệm và làm việc tuân thủ quy trình, có đạo đức và tự hào nghề nghiệp.
Tính kỷ luật, trách nhiệm ở đây không phải là làm việc có tâm hay đạo đức nghề nghiệp mà chính là làm việc chuẩn xác, am hiểu và hoàn thành công việc được giao. Điều này cũng chính là điểm khác biệt giữa con người có kiến thức ngang nhau, chuyên môn như nhau nhưng trong môi trường đào tạo khác nhau sẽ sinh ra những con người lao động khác nhau.
PV: Từ tố chất khác biệt nói trên của các học viên khi tham gia chương trình đào tạo thang máy chuyên sâu của Hiệp hội liên kết trường Đại học Thang máy Hàn Quốc. Theo ông, các học viên sau khi tham gia khóa đào tạo sẽ nhận được những lợi ích lớn nào và những điều này sẽ tác động ra sao tới lợi ích xã hội nói chung?
Ông Nguyễn Huy Tiến: Một câu hỏi rất hay!
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán Việt Nam sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm tới, trong đó ngành công nghiệp thang máy nằm trên mặt bằng chung. Theo đánh giá của chúng tôi, số lượng thang máy ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 trong vòng 2 thập niên đó, như vậy nhu cầu về nhân sự phục vụ cho tăng trưởng sẽ rất lớn.
Thông qua chương trình đào tạo thang máy quốc tế của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho những ai muốn trở thành những người tiên phong trong ngành và trở thành một phần của hệ sinh thái thang máy bền vững.
Cụ thể hơn, sau khi được cấp chứng chỉ đào tạo quốc tế thông qua một chương trình ngắn hạn, các học viên sẽ được trang bị những kỹ năng của một chuyên gia thang máy toàn cầu, thông qua đó có nhiều cơ hội việc làm hơn và gia tăng thu nhập của chính mình.
Không chỉ làm việc tại các doanh nghiệp thang máy trong nước, mà còn tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Tiềm năng xuất khẩu nhân lực chất lượng cao ra nước ngoài là rất lớn khi các khảo sát tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đều cho thấy nhân lực kỹ thuật ngành thang máy đang khan hiếm.
Với mô hình hợp tác ba bên Hiệp hội (đào tạo) – Người lao động – Doanh nghiệp được hình thành. Học viên không chỉ có cơ hội được chuẩn hóa năng lực mà còn có những trải nghiệm hiện trường ở các công ty, tập đoàn thang máy lớn trong nước và quốc tế.
Những trải nghiệm hiện trường này mang lại cho học viên cơ hội tìm hiểu các công nghệ thang máy tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý, tăng cường hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp, giúp học viên tự tin tham gia vào thị trường thang máy toàn cầu.
Trong mô hình hợp tác ba bên, Hiệp hội sẽ chủ trì việc liên kết đào tạo với Đại học Thang máy Hàn Quốc và các các trường dạy nghề trong nước theo từng khu vực. Người lao động sẽ là trung tâm và mục tiêu của hoạt động.
Ngay khi các em tham gia chương trình, sẽ có những doanh nghiệp liên kết hợp tác với Hiệp hội trong hỗ trợ tài chính, bố trí thực hành,… và bố trí việc làm ngay khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Theo định hướng của mình, các em cũng có thể tham gia vào chương trình đào tạo liên kết tại Hàn Quốc. Thông qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt, các học viên sẽ có cơ hội vừa học nghề, vừa làm việc tại các doanh nghiệp thang máy Hàn Quốc. Các học viên không chỉ tích lũy tài chính mà còn được nâng cao năng lực hiện trường của bản thân.
Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là những điều đạt được sau đó. Khi các em tham gia vào chương trình tu nghiệp ở Hàn Quốc hay các quốc gia khác mà Hiệp hội hợp tác, sau khi trở về, các em sẽ trở thành bộ phận lao động được các doanh nghiệp trong nước “xếp hàng” để tìm kiếm, săn đón.
Một lộ trình “nhất nghệ tinh” cho lao động ngành thang máy đang được Hiệp hội hình thành và phát triển.
Chúng tôi hy vọng với mô hình này chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề nhân sự trước mắt cho từng doanh nghiệp, vấn đề an toàn thang máy cho người sử dụng mà sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển ổn định của ngành, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Xin cảm ơn Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam!