TCTM – Làm thế nào để khoa học thực sự trở thành lực đẩy phát triển? Câu trả lời bắt đầu từ sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới, nơi nhu cầu thực tiễn được lắng nghe, giải pháp được đồng hành và giá trị được lan tỏa.
Trong nhiều văn bản chỉ đạo gần đây, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, mang tính nền tảng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.
Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược đó, một trong những giải pháp mang tính mấu chốt là giải quyết bài toán gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế – xã hội. Đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất, dịch vụ đặc thù – nơi hiệu quả ứng dụng và tính khả thi luôn là thước đo cuối cùng cho giá trị của một đề tài khoa học.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp đang đối mặt với những đòi hỏi cấp bách về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tối ưu quy trình và nâng cao hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, họ lại thiếu hụt các nguồn lực khoa học phù hợp, không chỉ về mặt chuyên môn kỹ thuật mà còn ở cơ chế phối hợp và triển khai hiệu quả.
Ở chiều ngược lại, nhiều đề tài nghiên cứu vẫn mang tính hàn lâm, chưa xuất phát từ nhu cầu cụ thể của thị trường, hoặc khó có khả năng áp dụng trong thực tiễn sản xuất – kinh doanh. Khoảng cách giữa nơi có “vấn đề” và nơi có “giải pháp” nếu không được lấp đầy sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm suy giảm hiệu quả đầu tư vào khoa học – công nghệ và làm chậm tiến trình chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo trên bình diện quốc gia.
Để tạo nên một hệ sinh thái đổi mới bền vững, chúng ta cần thiết lập chu trình: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn – Đề bài nghiên cứu – Ứng dụng thí điểm – Nhân rộng mô hình. Và để vận hành được chu trình này, cần một thiết chế trung gian đủ năng lực, uy tín và thấu hiểu cả hai phía. Đó chính là vai trò mà các hiệp hội ngành nghề hoặc tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên sâu cần đảm nhiệm. Vậy cụ thể, hiệp hội có thể đóng vai trò này như thế nào trong chu trình đổi mới?
Hiệp hội – nơi biến “nhu cầu” thành “đề bài”: Thông qua khảo sát hội viên, tổ chức hội thảo, nghiên cứu thị trường…, các hiệp hội có thể tổng hợp và định dạng các nhu cầu kỹ thuật, quản trị, đào tạo… thành những đề bài rõ ràng, thiết thực cho giới nghiên cứu. Điều này giúp định hướng các đề tài đi đúng mục tiêu, tăng khả năng ứng dụng và hiệu quả đầu tư.
Trung tâm Đào tạo Thang máy là kết quả của sự hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC) trong việc đào tạo, sát hạch chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành thang máy
Hiệp hội – cầu nối triển khai và lan tỏa kết quả nghiên cứu: Với vai trò trung gian, hiệp hội có thể tổ chức các chương trình kết nối giữa nhà nghiên cứu – doanh nghiệp – nhà quản lý, cùng tham gia từ giai đoạn xây dựng đề tài đến nghiệm thu, triển khai và mở rộng ứng dụng. Cách làm này giúp giảm độ trễ giữa nghiên cứu và thực tiễn, đồng thời nâng cao giá trị thực tiễn của mỗi sản phẩm khoa học.
“Ứng dụng An toàn Thang máy – ESA” do VNEA xây dựng và phát triển là nền tảng kết nối, cung cấp dịch vụ cứu hộ, bảo trì, sửa chữa thang máy giữa Người sử dụng – Kỹ thuật viên – Công ty thang máy.
Doanh nghiệp – Bệ phóng ứng dụng và lan tỏa: Các doanh nghiệp lớn, có năng lực công nghệ và hệ sinh thái sản xuất toàn diện có thể đóng vai trò là nơi thử nghiệm, đánh giá và chứng minh hiệu quả của các sản phẩm khoa học – công nghệ, trước khi chúng được nhân rộng trong toàn ngành.
Khoa học chỉ thực sự có giá trị khi gắn kết chặt chẽ với đời sống, khi đổi mới sáng tạo được khơi nguồn từ nhu cầu thực tiễn và quay trở lại phục vụ chính nhu cầu đó – Tri thức được biến thành “hàng hóa”. Để hiện thực hóa điều này, cần có cơ chế phối hợp linh hoạt, chủ động và thực chất giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới: Từ nhà khoa học, doanh nghiệp đến hiệp hội và cơ quan quản lý. Họ cần cùng nhau xác định vấn đề, kiến tạo giải pháp, tổ chức triển khai và cùng đồng hành đến cùng trong quá trình hiện thực hóa kết quả. Mỗi đề tài được ứng dụng thành công không chỉ là dấu ấn học thuật, mà còn là “hạt giống” thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, ngành nghề và cả nền kinh tế.
Đổi mới không chỉ là ý tưởng mà là hành trình cụ thể, bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn và được dẫn dắt bởi sự gắn kết hiệu quả giữa các thành tố của hệ sinh thái sáng tạo. Khi tri thức được chuyển hóa thành sản phẩm, quy trình, giá trị hữu ích – đó là lúc khoa học đi vào đời sống. Với sự đồng hành của chính sách và sự nhập cuộc từ thị trường, những nút thắt sẽ dần được tháo gỡ, mở đường cho một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững chắc, linh hoạt và bền vững./.
Mộc Lan
Thông tin mới cập nhật