Sau hơn 1 tháng chờ đợi, chiều 31/12/2021, Tạp chí Thang máy đã nhận được công văn phúc đáp của Sở Xây dựng Hà Nội xung quanh những bất cập của việc sửa chữa những chiếc tháng máy hư hỏng và không đủ điều kiện vận hành tại các khu chung cư tái định cư nói riêng và chung cư nói chung. Thay vì đưa ra các giải pháp quyết liệt, cụ thể, Sở xây dựng mới chỉ dừng lại ở việc giải thích về quy trình, trách nhiệm…
Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan quản lý liên quan khác như Ban quản lý nhà, Sở Tài chính hay cả UBND TP Hà Nội đã tiến hành rất chặt chẽ, đúng quy trình, đúng trách nhiệm kế hoạch sửa chữa những chiếc thang máy hỏng, không đủ điều kiện vận hành. Nhưng kết quả cho tới tận bây giờ là đầu năm 2022, những chiếc thang máy đó vẫn chưa được sửa chữa mặc dù kế hoạch được khởi động từ cuối năm 2020. Nói cách khác thì “An toàn thang máy chung cư” – một bài toán khó của các cơ quan chức năng, ai cũng góp mặt “đủ trách nhiệm” trong lời giải nhưng cho đến cuối cùng, đáp số vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu vẫn tiếp tục với những lời giải vòng vo này, liệu rằng đời sống an sinh của người dân có được đảm bảo như mục tiêu của những chính sách của Nhà nước?
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết 2019, Thành phố Hà Nội có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Rõ ràng, an toàn thang máy chung cư là một bài toán lớn. Bài toán này có sự góp mặt của nhiều cơ quan chức năng với mỗi nhiệm vụ, mỗi trách nhiệm khác nhau.
Khi Kỳ 1 của tuyến bài An toàn thang máy chung cư được Tạp chí Thang máy đăng tải, câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra là “Ai quản lý?”. Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng trong thực tế lại không phải. Với những tìm hiểu của Tạp chí Thang máy, một chiếc thang máy được vận hành trong một khu chung cư sẽ liên quan đến các cá nhân và các cơ quan quản lý là: Cư dân sống tại tòa nhà, Ban quản trị, Ban quản lý, Công ty quản lý nhà, Sở Xây dựng, Cục An toàn lao động,… mở rộng ra về nguồn kinh phí duy trì vận hành lại liên đới đến các cơ quan khác như UBND Thành phố, Sở Tài chính,… Mỗi cơ quan lại có những chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm riêng đối với thang máy chung cư trong từng vấn đề, từng sự việc.
Nhưng tựu lại, để đảm bảo an toàn trong vận hành thang máy chung cư, những cơ quan này cần sự phối hợp nhịp nhàng trong mọi công tác hoạt động, làm việc để cùng hướng đến mục đích cuối cùng của bài toán lớn: An sinh của người dân.
Nhìn lại sự việc mất an toàn thang máy tại Khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) hay khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), ta đều nhận thấy rằng “không ai thiếu trách nhiệm” là một lời đã được khẳng định. Dù vậy, góp mặt vào lời giải của bài toán lớn đó, nhìn thẳng vào vấn đề một cách trực quan và công minh, chúng ta phải thừa nhận rằng những lời giải này đều là những lời dẫn đưa đẩy, vòng vo.
Công văn phúc đáp Tạp chí Thang máy của Sở Xây dựng vẫn quy về rằng cơ quan này… không vô trách nhiệm?
Sau rất nhiều văn bản trình và duyệt qua lại giữa Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội suốt từ cuối 2020 đến nay về hiện trạng thang máy tại Khu tái định cư Đền Lừ, những chiếc thang máy hỏng vẫn nằm yên chờ ngày được sửa, những chiếc thang máy không đạt kiểm định vẫn vận hành trong điều kiện không đảm bảo an toàn. Cho tới khi Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Tạp chí Thang máy cung cấp thông tin đến Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội mới chính thức gửi công văn Sở Xây dựng đề nghị “dừng sử dụng các thang máy chung cư tái định cư không đảm bảo an toàn về kỹ thuật để tiến hành công tác bảo trì các hư hỏng đột xuất”.
Đợt kiểm định thang máy do Công ty này triển khai từ tháng 3, tháng 4 năm 2021, nhưng cho đến tháng 12 đơn vị này mới đề nghị dừng sử dụng các thang máy không đảm bảo an toàn về kỹ thuật. Nhưng cứ khó quá thì khóa, thì dừng hoạt động liệu có phải kết quả hợp lý?
Và dù sau đó Sở Xây dựng Hà Nội đã gửi công văn gắn dấu “hỏa tốc” yêu cầu đơn vị này khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì 2021 và 2022 đã được phê duyệt, lại tiếp tục cập nhật kế hoạch bảo trì 2022 để trình Sở phê duyệt, thế nhưng cứ trình và cứ duyệt cho đến bao giờ? Khi chính Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn khẳng định rằng: không biết lấy kinh phí từ đâu, khẩn trương là khi nào bắt đầu và khi nào hoàn thành…
Công văn phúc đáp từ Sở Xây dựng Hà Nội tới Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội ngoài yêu cầu đơn vị này khẩn trương thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, bổ sung kế hoạch lại không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào để sự “khẩn trương” này thực hiện hiệu quả và đúng quy định về tài chính công.
Một bài toán lớn hẳn nhiên cần lời giải công phu, nhưng việc thực hiện như thực trạng hiện nay thực sự không đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân. Cứ tiếp tục là những quy trình, thủ tục, chờ đợi và “không ai vô trách nhiệm”, hậu quả là tất cả chúng ta đều thiệt thòi!
Sự an toàn của người dân không được đảm bảo, đồng nghĩa với đó là niềm tin của người dân vào các cơ quan chức năng đang hao hụt theo từng khắc thời gian họ phải chờ đợi. Niềm tin không được duy trì, những giá trị khác cũng sẽ bị lãng phí. Thực tế chất lượng đời sống của các khu tái định cư không còn đủ để người dân tin tưởng vào những dự án giải tỏa và đền bù. Thực tế chất lượng an sinh của các khu chung cư khiến người dân từ chối “lên cao ở” bởi niềm tin “nhà mặt đất” an toàn hơn. Rõ ràng chỉ là chuyện niềm tin, nhưng chúng ta có thể bỏ lỡ một tương lai không chỉ của TP Hà Nội hay các thành phố lớn khác hiện nay, mà là trên cả nước khi xu hướng chung đang là phát triển đô thị đồng bộ.
Lời giải dù hay, dù chặt chẽ, dù “không ai vô trách nhiệm” mà đáp số còn mãi lửng lơ chờ đợi thì đó là một bài giải không thành công. Đã đến lúc cần cùng nhau đi tìm lời giải mới!
Những quy trình, thủ tục và những văn bản trình – phê duyệt – chỉ đạo chỉ đang khiến cho quả bóng trách nhiệm bị đá qua đá lại vòng quanh, chặt chẽ về mặt văn bản nhưng hiệu quả thực thi không có hoặc không triệt để, cuối cùng “chỗ tối nhất lại ngay chỗ chân đèn”, những vấn đề được quan tâm sát sao bằng những chỉ đạo, chính sách chưa thực sự đem lại chất lượng đời sống mà người dân cần.
Năm 2021 đã kết thúc, nhưng kế hoạch bảo trì sửa chữa 2021 vẫn chưa có tác dụng gì với người dân. Liệu rằng rồi 2022 tới đây, người dân sẽ còn chờ đợi thấp thỏm đến khi nào? Đã đến lúc các cơ quan cùng nhau ngồi lại, cùng nhau tìm lời giải mới, cùng nhau viết nên một công thức tối ưu, quyết liệt, cụ thể, phù hợp với thực tế. Đặc biệt là đảm bảo chặt chẽ việc sử dụng tài chính công mà không khiến thực trạng trì trệ, dềnh dàng khiến người dân mỏi mòn chờ đợi trong sự bất an, trong những nguy cơ tiềm ẩn.
Một hội thảo để bàn về những vấn đề này là thật sự cần thiết! Để cùng nhau nhìn nhận toàn diện những khó khăn, khúc mắc hiện tại của vấn đề để xác định rõ từng bước đi, từng giải pháp, từng mắt xích phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị để kịp thời giải quyết và phòng ngừa những tồn tại về an toàn thang máy cho các khu tái định cư, nhà xã hội và chung cư nói chung hiện nay.
Đáp án đúng chính là an sinh của người dân chứ không phải là những lời giải hình thức hay những quy định cứng nhắc nhưng không mang tính hiệu quả trong thực thi. Để những khu chung cư không còn hiện trạng: thang máy hết hạn kiểm định, thang máy hoạt động không an toàn, thang máy hỏng “đắp đống” chờ sửa chữa! Và người dân thì vẫn leo bộ cả chục tầng hay vẫn đi về trong thấp thỏm âu lo…
Theo dõi toàn bộ chuyên đề tại:
An toàn thang máy chung cư: Người dân không còn đơn độc!
Quốc Hùng - Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật