TCTM – Tính cấp thiết của vấn đề chuẩn hóa đào tạo nhân lực ngành thang máy đã được các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận nhưng cho tới nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Chúng ta cần sớm chuẩn hóa nhân lực ngành thang máy, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu lao động kỹ thuật cao.
Hiện có khoảng 250.000 – 300.000 thang máy được lắp đặt và sử dụng trên cả nước. Hàng năm có khoảng 10.000 thang máy mới được lắp đặt và con số này sẽ không ngừng lũy tiến trong thời gian tới. Tính một cách cơ học, số lượng nhân viên kỹ thuật cần có để thực hiện bảo trì sửa chữa sẽ vào khoảng 12.000 người (1 người/25 thang). Còn số lượng nhân viên lắp đặt thang máy cần có khoảng 1.500 người (7 người/1 thang).
Những con số “biết nói” phản ánh nhu cầu lao động ngành thang máy
Thực tế này đặt ra bài toán về nguồn nhân lực đáp ứng việc lắp đặt, bảo trì và vận hành thang máy chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ cao, chuyên nghiệp và có khả năng bồi dưỡng để đáp ứng những kỹ năng nâng cao khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ tới ngành này.
Nhu cầu là vậy nhưng hiện chưa có bất kỳ một tổ chức nào đứng ra xây dựng chuẩn hóa các chương trình đào tạo khung. Đây là điều chưa có tiền lệ và khó khăn đến từ nhiều phía như hạn chế của cơ chế chính sách, sự phân hóa trong ngành và thiếu “đầu tàu”. Chúng ta cũng chưa có Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia cho ngành thang máy. Ý tưởng này mới đây cũng chính thức được đưa ra để bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi.
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” vừa diễn ra ngày 13/7, PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng ta đã thẳng thắn đưa ra các điều kiện về nhân lực để đảm bảo chất lượng công việc của doanh nghiệp, của ngành thang máy và đó chính là giải pháp buộc doanh nghiệp phải rà soát xem có đủ năng lực tham gia vào thị trường lao động hay không. Bởi vậy, ý tưởng đề xuất xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo quy định về lao động và an toàn là rất cấp thiết, hữu ích. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao của VNEA đối với cộng đồng.
Tham khảo từ Hàn Quốc, trong những năm gần đây kỹ thuật thang máy là lĩnh vực đã được quan tâm, đào tạo. Hàn Quốc đã có riêng một trường đào tạo phục vụ cho ngành thang máy: Học viện thang máy Hàn Quốc – trường dạy kỹ thuật thang máy. Đây là nơi đào tạo các kỹ sư hàng đầu của ngành thông qua phát triển các khóa đào tạo chuyên biệt, áp dụng Tiêu chuẩn Năng lực Quốc gia (NCS). Với ngành học đặc thù, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày càng thu hút sự quan tâm của sinh viên trong nước và quốc tế.
Tại Hoa Kỳ vào năm 1967, đã thành lập Chương trình Giáo dục Công nghiệp Thang máy Quốc gia (NEIEP). Các chương trình giáo dục mở rộng được thiết lập để đào tạo những người học nghề, cũng như cung cấp cơ hội giáo dục liên tục cho các kỹ thuật viên có trình độ để đáp ứng nhu cầu toàn ngành, đồng thời cung cấp một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn cho kỳ thi sát hạch nhân viên thang máy trên toàn quốc. Chương trình được đánh giá là đã góp phần tích cực cho sự phát triển ngành ở quốc gia này trong những năm qua.
Tại Anh trong chương trình đào tạo nghề quốc gia, gần đây đã được đổi tên thành “Khung tín chỉ trình độ”, công nhận LEIA là đơn vị đánh giá được phê duyệt, cấp chứng chỉ ở ba cấp độ: bằng cấp về lắp đặt và vận hành thang máy và thang cuốn, bảo trì kỹ thuật và kiểm tra phục vụ thiết bị thang máy và thang cuốn. Những điều này đảm bảo đào tạo cá nhân tại chỗ, từng bước hiệu quả.
Tại Ba Lan, Hiệp hội Thang máy Ba Lan (PALM) đã đề xuất một chương trình giảng dạy mới cho ngành kỹ thuật thang máy. Phải mất khoảng 210 giờ để đào tạo những kỹ thuật viên thang máy tương lai bằng việc liên kết đào tạo trường học và thực hành thực tế, phù hợp với nhu cầu của các công ty và sự phát triển công nghệ mới nhất của thị trường thang máy.
Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tình trạng già hóa dân số, dẫn tới nhu cầu lớn về nhập khẩu lao động nước ngoài để đảm bảo nhu cầu sản xuất. Và đó là cơ hội để xuất khẩu nhân lực kỹ thuật ngành thang máy sau khi đạt chuẩn đầu ra. Nó cũng đóng góp vào việc hoạch định chiến lược phát triển nhân lực của đất nước trong những giai đoạn mới, mở ra triển vọng thu hút ngoại tệ, phát triển đất nước.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam đang tích cực phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT), khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết theo quy định về mở ngành đào tạo thang máy, sớm trình lên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt cho phép mở mã ngành kỹ thuật thang máy. Nếu mã ngành sớm được phê duyệt, ngay trong năm nay, HHT sẽ tuyển sinh khóa đào tạo kỹ thuật thang máy chính quy đầu tiên trên cả nước.
Với tư cách là đơn vị trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) sẽ là đơn vị đứng ra chuẩn hóa chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy. Đây là tiền đề quan trọng sẽ giải quyết được các vấn đề đang bất cập về khát nhân lực trình độ và rộng hơn là hướng tới mục tiêu đưa ngành thang máy phát triển bền vững.
Chuyên nghiệp hóa đào tạo nguồn nhân lực sẽ giải quyết “nút thắt” của ngành thang máy Việt Nam
VILEA sẽ thực hiện công tác đào tạo nhân viên lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thang máy với tài liệu được biên soạn tỉ mỉ từ đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các kỹ sư giàu kinh nghiệm. Các học viên tham gia khóa học sẽ được đào tạo vững chắc về lý thuyết, thuần thục kỹ năng thực hành và phải trải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ. Các cấp hạng chứng chỉ sẽ phân loại rõ từng cấp độ của học viên.
Song song với đó, VILEA hợp tác với các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước, cung cấp cho học viên những thiết bị, mô hình thang máy hiện đang có trên thị trường để cập nhật theo phương thức đào tạo hiệu quả là học qua thực hành (Learning by doing).
VILEA cũng tiến hành liên kết, hợp tác chặt chẽ với các công ty sản xuất thang máy trong và ngoài nước có uy tín để tạo điều kiện cho học viên được thực hành thực tế, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trên nhiều dòng thang khác nhau, nhiều loại hình công trình khác nhau.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng là một trong những định hướng quan trọng trong thời gian tới, thúc đẩy ngành công nghiệp thang máy non trẻ trong nước đi tắt đón đầu về công nghệ, định hướng đào tạo nâng cấp kỹ năng nghề. Đây là những con đường bắt buộc phải đi trong giai đoạn bản lề của Cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0.
Đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, ngành kỹ thuật thang máy có cơ hội chính thức được đưa vào chương tình đào tạo. Việc xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo về kỹ thuật thang máy là việc thiết thực để kết nối nguồn lao động, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường không phải khó khăn tìm kiếm việc làm và doanh nghiệp cũng thuận lợi để tìm ứng viên tay nghề đáp ứng được yêu cầu công việc./.
Phạm Hằng
Đồ họa: Hendrik Trần
Thông tin mới cập nhật