TCTM – 70% là con số doanh nghiệp được ước tính đã thất bại trong việc chuyển đổi số. Đó là sai lầm khi đặt trọng tâm vào mặt công nghệ mà không hiểu rằng bản chất vấn đề nằm ở tư duy và quy trình quản trị.
Tôi không muốn nói đến chuyển đổi số là một điều gì đó cao siêu, khó chạm được tay đến. Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta hãy nói về doanh nghiệp như một thực thể sống, bạn đồng ý chứ?
Mà đã là thực thể thì phải có mắt, mũi, tay, chân,… chính là các bộ phận trong doanh nghiệp ấy. Kho là cái dạ dày, tim là bộ phận sản xuất, máu là dòng tiền, truyền thông – Marketing là cái mắt, cái mồm, cái tai. Còn não đóng vai trò là bộ phận lãnh đạo, ra quyết định điều khiển tất cả để có thể vận hành một cách nhịp nhàng.
Giống cơ thể mình, hãy hình dung nếu đau bụng mà tín hiệu không lên được não. Khi đó, thực thể đó chỉ có thể là sống thực vật và không còn giá trị. Muốn nói rằng, để tồn tại, phát triển thì tất cả các bộ phận đều phải khỏe mạnh, không được có dị tật.
Giờ nói đến quá trình phát triển doanh nghiệp, chúng ta xây dựng “các thùng nước” chính là xây dựng các bộ phận phòng ban. Nhưng chúng ta sẽ không quản trị được nó nếu như chúng ta không có công cụ kết nối, phương pháp kết nối, đường dây kết nối. Nếu chúng ta phải “múc từ thùng này đổ sang thùng kia” một cách thủ công thì mất rất nhiều công sức.
Trong quản trị hiện đại có công thức nổi tiếng 5M+1E+1I: Man (Con người), Machine (Máy móc), Method (Phương pháp), Material(Nguyên liệu), Measure (Đo lường), Enviroment (Môi trường); Information (Thông tin). Trong đó, quản trị về mặt thông tin là đặc biệt quan trọng.
Chúng ta mở rộng sản xuất, thêm bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu công ty không quan trọng nhưng quan trọng là anh phải có công cụ để kết nối thông tin giữa các bộ phận, các đơn vị lại với nhau để ra quyết định chính xác.
Chúng ta sẽ thấy rằng doanh nghiệp mình có các “nỗi đau” về sự kết nối và khi đó chuyển đổi số chính là phương thuốc để giải quyết tình trạng này.
Chuyển đổi số doanh nghiệp là một quá trình chuyển đổi toàn bộ mô hình, cũng như các hoạt động điều hành, sản xuất và kinh doanh của tổ chức doanh nghiệp từ phương pháp truyền thống lên số hóa, hướng tới tự động hóa và thông minh hóa toàn bộ tổ chức. Đó chính là chuyển đổi hệ thống quản trị.
Chuyển đổi số cần cung cấp giải pháp toàn diện, theo phương thức “may đo” chứ không phải chỉ là vấn đề về công nghệ.
Theo kinh nghiệm của Eastern Sun thì chuyển đổi số sẽ được thực hiện theo 6 bước:
1. Doanh nghiệp phải xây dựng được một tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn.
2. Chuẩn hóa hệ thống quy trình vận hành doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng văn hóa quản trị doanh nghiệp.
3. Từng bước số hóa quy trình vận hành và dữ liệu theo hướng có thể lưu trữ, đo lường, phân tích và dự báo được.
4. Tự động hóa quy trình và dữ liệu, tạo ra dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ phát triển thông minh hóa tổ chức, doanh nghiệp.
5. Thực hiện các quá trình thông minh hóa từng bộ phận và toàn bộ tổ chức doanh nghiệp.
6. Cải tiến (kaizen) và nâng cấp chu trình tiếp theo nhằm tối ưu hóa hệ thống.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên cần khá nhiều thời gian, ngay cả quá trình chuẩn hóa doanh nghiệp truyền thống cũng mất rất nhiều thời gian chứ chưa nói gì đến câu chuyện chuyển đổi số. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất vẫn là tư duy của người lãnh đạo và nhận thức của toàn thể cán bộ nhân viên của doanh nghiệp.
Ở một góc độ nào đó, việc chuyển đổi số đầu tiên phải chuyển đổi tư duy và nhận thức, điều này tốn khá nhiều thời gian dù khái niệm chuyển đổi số được xã hội truyền thông tốt và mọi người đã quen thuộc với nó, nhưng để hiểu bản chất cũng như đi sâu vào các bước triển khai thì còn nhiều vấn đề. Nếu không sẽ thất bại.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số nhanh hay chậm nó cũng cần có phương thức tiếp cận (Method) của từng doanh nghiệp theo tình hình thực tế hay thực trạng. Có những khi chúng ta làm theo từng bước theo chiến lược vạch ra, có khi chúng ta sẽ xử lý đồng bộ nếu đủ nguồn lực.
Hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp tiên phong, nhưng hiểu chưa đúng nên không thành công vì tiếp cận sai, nó cũng là tiền lệ không tốt cho các tổ chức, doanh nghiệp khác làm theo. Theo đó, làm cơ sở cho những người có tư tưởng ngại thay đổi lấy lý do trì hoãn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là một khoản đầu tư dài hạn cả về con người và tài chính, nên đây cũng là một cản trở cho việc thực hiện công tác chuyển đổi số của chúng ta.
Có hàng trăm nguyên nhân, nhưng cuối cùng thì con người vẫn là rào cản lớn nhất làm chậm mọi vấn đề. Chuyển đổi số là phải đồng bộ tư tưởng từ lãnh đạo đến nhân viên, đồng sức đồng lòng và cùng tư tưởng thì việc chuyển đổi số mới thuận lợi, thành công được.
Nhưng nãy giờ chúng ta mới nói đến những điều cơ bản mở đầu cho chuyển đổi số. Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Vậy lợi ích thực sự mà các doanh nghiệp nhận được là gì?
Doanh nghiệp sẽ được rất nhiều, cả về hữu hình và vô hình. Tôi không thể liệt kê hết mà chỉ nêu ra những lợi ích cơ bản nhất, không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh số mà chúng ta đang hướng đến. Đó là:
+ Nâng cao trải nghiệm khách hàng.
+ Nâng cao năng suất của doanh nghiệp từ 25-50%, ở nhiều bộ phận còn cao hơn.
+ Tối ưu hóa hệ thống vận hành, giảm thiểu chi phí.
+ Nâng cao cơ hội bán hàng và mở rộng quy mô ra thị trường thế giới.
+ Nâng cao năng lực quản trị, tăng cường khả năng cạnh tranh, từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện đại theo hướng doanh nghiệp số, minh bạch hơn, tạo sự tin tưởng và dễ dàng trao quyền quản trị.
+ Đáp ứng yêu cầu phát triển chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số và xã hội số.
+ Giải phóng lãnh đạo trong công tác điều hành tổ chức và doanh nghiệp.
+ Tăng cường khả năng kết nối và thông minh hóa doanh nghiệp.
Quay trở lại vấn đề là: tại sao chuyển đổi số hiểu như thế nhưng làm thì lâu? Sao nhiều doanh nghiệp thất bại?
Theo cách hiểu của tôi thì có lẽ do nền kinh tế của chúng ta là “nền kinh tế mặt đường” cho nên thiếu một tư duy quản trị mang tính dài hạn, nó manh mún chăng (?!)
Con đường nào mở ra là cũng có quán xá bám đường để làm kinh tế. Chính vì vậy nó không có quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, trở nên lộn xộn. Chúng ta không phải là những người sùng bái nước ngoài, phương tây nhưng cần nhìn vào nền kinh tế tri thức, kinh tế công nghiệp hóa của họ thì rõ ràng nó có nhiều khác biệt và mang lại nhiều kết quả khác biệt so với chúng ta.
Nói thế không có nghĩa là văn hóa của Việt Nam là xấu nhưng để thấy rằng nền kinh tế của chúng ta chưa thực sự bền vững.
Có những doanh nghiệp đã tìm tới chúng tôi sau vài ba lần thực hiện chuyển đổi số không thành công. Tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhận ra họ đã sai ngay từ phương pháp tiếp cận ban đầu. Thế thì phương pháp (Method) là vấn đề chính, sẽ có cách giải quyết nếu có tầm nhìn, chúng ta không thể làm tất cả mà phải làm từng bước.
Cũng như trong xây nhà, chúng ta phải có chiến lược dựa trên một bản vẽ thiết kế quy hoạch. Từ đó bóc tách vật liệu, nhân công,… để hạn chế tối đa khả năng phát sinh chi phí. Xây một cái móng thật chắc, rồi từ đó thì việc chồng tầng lên sẽ nhanh thôi.
Nói thế để thấy giải pháp là quan trọng như thế nào. Chính vì thế, Eastern Sun coi sứ mệnh của mình là bàn đạp và nỗ lực để phát triển. Chúng tôi quan niệm rằng, sự cạnh tranh trên thị trường chuyển đổi số không đơn thuần là sản phẩm công nghệ, mà nó là phương pháp giải quyết vấn đề phù hợp nhất dành cho doanh nghiệp như phù hợp với tài chính, văn hóa quản trị, văn hóa dân tộc, năng lực quản trị, sản phẩm và mô hình kinh doanh.
Cũng giống như bác sĩ, cần bắt đúng bệnh, đúng căn nguyên để có liều thuốc chữa khỏi cho doanh nghiệp chứ tuyệt đối không thể cho thuốc uống linh tinh được.
Tôi cũng cho rằng, văn hóa quản trị doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để từng bước thực hiện chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp. Nó là xương sống để phát triển doanh nghiệp bền vững, và đó chính là những giá trị mà chúng tôi đưa vào trong các giải pháp số.
Văn hóa doanh nghiệp nó là trụ cột, là linh hồn của doanh nghiệp, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi còn là sự sống còn của doanh nghiệp và giá trị của nó khó có thể đo lường. Ví dụ doanh nghiệp có làm ISO để có chứng chỉ hình thức, nhưng không có ứng dụng trong thực tế thì doanh nghiệp đó đang từng bước hại chính bản thân mình, và về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, nếu văn hóa doanh nghiệp chỉ làm hình thức, chỉ là vài bộ quần áo đồng phục, hay cái vỏ thì doanh nghiệp đó cũng khó phát triển được.
Hơn nữa, văn hóa doanh nghiệp nó không hẳn được xây dựng từ công thức nguyên mẫu nào, mà nó chính là hành trình mà mỗi con người trong doanh nghiệp, tổ chức cùng tạo dựng và phát triển, cải tiến theo đặc trưng và sự phát triển của từng doanh nghiệp, hướng tới cái đẹp và cái trường tồn./.
Lời tòa soạn: 1 và 0 là hai số trong hệ nhị phân, là ngôn ngữ của máy tính và là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin trước đây, công nghệ số của thời đại ngày nay. Trên gợi ý này, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 505 về Ngày chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm được lấy là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Việc tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nằm trong xu thế thời đại của chuyển đổi số, ngành thang máy cũng đang từng bước chuyển mình chuyển đổi tư duy quản trị, chuẩn hóa lực lượng lao động, lấy con người làm trung tâm, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất và quản trị hệ thống. Hiệp hội Thang máy Việt Nam cam kết sẽ song hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của ngành trong chuyển đổi số để từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp trẻ phát triển bền vững, đóng góp giá trị cao vào nền kinh tế số trong thời gian tới.
Đào Quang Dũng, Tổng Giám đốc Eastern Sun Việt Nam
Thông tin mới cập nhật