Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động lần đầu tiên vào năm 2009, sau khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2007 – 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, người tiêu dùng Việt vẫn chưa có nhiều niềm tin với sản phẩm nội địa, nguyên nhân do đâu?
Thị trường thang máy Việt Nam đang ngày càng sôi động nhưng chủ yếu lại là các doanh nghiệp ngoại hoặc các doanh nghiệp phân phối sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu. Còn thang máy nội vẫn bỏ ngỏ những khó khăn: công nghệ không có tính dẫn đầu mà vẫn chủ yếu “chạy theo” sản phẩm của các nước tiên tiến, nguồn nguyên liệu sản xuất nội địa ít, nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt, nhiều đường nhập khẩu “tiểu ngạch” vẫn tồn tại bất chấp quy định,…
Chính những khó khăn này đang khiến người tiêu dùng không có nhiều niềm tin vào thị trường, những thông tin quảng bá từ doanh nghiệp khó thuyết phục và các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu “chính ngạch” cũng khó khẳng định chất lượng sản phẩm từ doanh nghiệp mình.
Xét về mặt Nhà nước: Quy định hiện hành của Chính phủ kiểm soát thiết bị trước khi được sử dụng chỉ đối với 6 loại thiết bị an toàn (Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin, Bộ hãm an toàn, Hệ thống phanh của dẫn động, Bộ khống chế vượt tốc, Bộ giảm chấn, Van ngắt/van một chiều). Ai là cơ quan được nhà nước ủy quyền để hỗ trợ khách hàng đảm bảo rằng những linh kiện khác là tin cậy để sử dụng?
Xét về nhà sản xuất nội địa: Nhà sản xuất nội địa thiếu chuyên nghiệp, chất lượng không được kiểm chứng. Khách hàng không thể tiếp cận được với linh kiện có chất lượng. Ai có thể hỗ trợ khách hàng tiếp cận được với linh kiện đáng tin cậy?
Xét về nhà cung ứng ngoại: Có rất nhiều nhà cung ứng ngoại hoạt động ở Việt Nam, bao gồm cả tỉ lệ không nhỏ những nhà cung cấp sản phẩm chưa được xác thực chất lượng. Ai là nhà cung ứng tin cậy? Ai có thể hỗ trợ khách hàng kết nối với những nhà cung ứng ngoại tin cậy?
Xét về khách hàng Việt Nam: Lo lắng về chất lượng linh kiện đang được bán trên thị trường: Chất lượng đã được xác nhận chưa, có tốt không, có luôn ổn định không? Trong trường hợp có sự cố xảy ra, ai sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng? Ai có thể hỗ trợ khách hàng trả lời những câu hỏi trên?
Chỉ khi cả bốn khía cạnh trên đều được đặt lên bàn cân để xem xét, một phương án đưa ra có thể giải quyết cả 4 vấn đề nhức nhối này thì bài toán thiết lập niềm tin cho thị trường mới có lời giải.
Kể từ khi thành lập vào năm 2020, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Vietnam Elevator Association – VNEA) luôn trăn trở về sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong thị trường thang máy Việt Nam. Trong đó, ở 4 khía cạnh của vấn đề cung ứng linh kiện, thiết bị, VNEA có các thách thức:
Xét về mặt Nhà nước: VNEA là một trong những cơ quan được nhà nước ủy quyền và VNEA cần hỗ trợ khách hàng để đảm bảo các thiết bị bán ra là tin cậy nhất có thể, hướng đến một thị trường minh bạch.
Xét về nhà sản xuất nội địa: VNEA cần nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ các nhà cung ứng ngoại tin cậy nhằm giúp cải tiến năng lực sản xuất nội địa, hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp thang máy nội địa phát triển một cách bền vững.
Xét về nhà cung ứng ngoại: VNEA cần lựa chọn những nhà cung ứng ngoại tin cậy và hỗ trợ kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Xét về khách hàng Việt Nam: VNEA cần đảm bảo thiết bị được thử nghiệm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng. Việc thử nghiệm được thực hiện bởi cơ quan ủy quyền của nhà nước hoặc bởi bên thứ 3 uy tín, và khi đó, VNEA cần cung cấp hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Tiếp cận vấn đề cấp thiết về đảm bảo nguồn cung ứng linh kiện, thiết bị đáng tin cậy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam nhận định được sự cần thiết để thiết lập một đơn vị có đủ năng lực đánh giá chất lượng thiết bị, độ uy tín của doanh nghiệp và khả năng bảo trợ, kết nối và xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, thiết bị quốc tế đến thị trường Việt Nam. Từ đó, VNEA xây dựng nên một hệ sinh thái sản xuất và cung cấp sản phẩm thang máy có sự đảm bảo “ngay từ đầu”: Chuỗi cung ứng tin cậy.
Chuỗi cung ứng tin cậy (Reliable Supply Chain Group – RSCG) là một trong những dự án của VNEA phù hợp với nhiệm vụ và mục đích của VNEA:
– Đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy
– Đóng góp vào việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Theo đó, RSCG là một nền tảng mà nhà cung ứng ngoại và khách hàng Việt Nam kết nối, hợp tác với nhau, dưới sự hỗ trợ của VNEA với các mục đích:
1. Giúp khách hàng Việt Nam kết nối & hợp tác với các nhà cung ứng tin cậy… và ngược lại.
2. Giúp khách hàng Việt Nam tiếp cận với những sản phẩm đúng xuất xứ và chất lượng tốt.
3. Các thành viên RSCG hợp tác cùng nhau để thành lập nhóm sản xuất thiết bị phụ trợ tại Việt Nam để tiến tới có khả năng sản xuất thang máy nguyên chiếc cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu với chi phí cạnh tranh.
RSCG là nền tảng để VNEA kết nối các nhà cung ứng ngoại và các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam
Thành viên của RSCG là những cá nhân, tổ chức sản xuất, cung cấp linh kiện, thiết bị và công nghệ có mong muốn cung cấp tại thị trường Việt Nam. Theo đó, với mỗi nhóm linh kiện, thiết bị, công nghệ, RSCG sẽ lựa chọn ra 3 – 5 nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác nhau đảm bảo các tiêu chí về chất lượng. Số lượng nhà cung cấp giới hạn trong số lượng nhỏ nhằm giúp VNEA dễ dàng hỗ trợ và tập trung tốt nhất cho việc tư vấn thông tin tới khách hàng.
Việc hình thành nên chuỗi cung ứng tin cậy này hướng đến việc các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, thiết bị nước ngoài cũng dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng có thêm một kênh kết nối trực tiếp tới nguồn cung ứng tin cậy, được bảo đảm về sản phẩm mua (đúng xuất xứ, nhà sản xuất,… được xác thực bằng tem mã QR của Viện ứng dụng kỹ thuật Thang máy), thời gian mua hàng nhanh chóng (đối với trường hợp nhà cung ứng cho nhà kho lưu thiết bị tại Việt Nam), nhận được hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng từ VNEA trong trường hợp gián đoạn dịch vụ từ nhà cung ứng ngoại,… Và hơn hết, người được hưởng lợi chính là khách hàng tiêu dùng thang máy và sự an toàn của toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ dần quy tụ được một cụm các doanh nghiệp phụ trợ để hướng đến lắp ráp, sản xuất thang máy nguyên bộ xuất khẩu thay vì phải đi nhập “tất tần tật” từ nước ngoài. Chuỗi cung ứng tin cậy đã được Hiệp hội Thang máy Việt Nam thành lập, kỳ vọng sẽ trở thành một dự án đáp ứng các mong muốn của thị trường thang máy, phát huy tối đa sức mạnh của hệ sinh thái, kết hợp với các đơn vị chức năng khác của VNEA như Viện ứng dụng kỹ thuật Thang máy, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Cứu hộ Khẩn cấp,… thực hiện đúng sứ mệnh đã đề ra của Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Hiên Huyền
Thông tin mới cập nhật