TCTM – Mỗi sáng thức dậy, nhiệm vụ của con sư tử là chạy nhanh hơn con nai để không bị đói, còn nhiệm vụ của con nai là chạy nhanh hơn con sư tử để không bị giết. Đó có phải là chữ “nhất”?
Tôi sinh ra từ vùng đất miền Trung, là rốn của bão lũ và gió Lào, chạy ăn từng bữa và rất ngạc nhiên khi ra Hà Nội học thì ai cũng bảo quê tôi hiếu học. Tôi cũng chẳng biết mình có hiếu học hay không, chỉ biết là tôi phải học để luôn đứng nhất lớp đúng lời bố mẹ căn dặn khi bắt đầu vào lớp “vỡ lòng”. Hồi đó, đám học sinh chỉ tập trung học hành thi cử sao cho đạt điểm số cao nhất, xếp thứ nhất, thứ nhì và thứ ba trong lớp, trong trường. Thầy cô, bạn bè cũng chỉ quan tâm đúng ba nhân vật đó mà thôi.
Lớn hơn chút nữa thì thấy bố mẹ, làng xóm trầm trồ anh này, chị kia đỗ đại học, đi nước ngoài,… Điều đó nuôi dưỡng trong tôi sự thèm khát phải là “nhất”, phải đỗ đại học. Đại học gì, làm gì, có phù hợp với sở trường, năng khiếu, tâm nguyện của mình không,…? Tôi không quan tâm, mà chỉ quan tâm phải đỗ đại học, trường càng xịn (theo tiêu chí đề thi khó, tỉ lệ chọi cao,…) càng tốt, càng oai.
Dần dần, những thói quen phải “nhất”, phải oai, phải khiến mọi người trầm trồ, ngưỡng mộ cứ ngấm sâu dần vào máu của tôi khi nào không hay. Khiến cho mục đích của mọi hành động, suy nghĩ của tôi đều tập trung để đạt được sự chiến thắng, được mọi người thán phục hơn là tập trung vào mục tiêu tạo ra ý nghĩa, lợi ích cho cuộc sống.
Cho đến hôm nay, đã qua nửa đời người, mới ngẫm lại về được và mất từ khát vọng chữ “nhất” của mình.
Nhờ khao khát chiến thắng, nhờ mong muốn là số một mà tôi đã “học như điên”, làm lụng chăm chỉ ngày đêm… Kết quả đạt được cũng có thể coi là trái ngọt, là luôn học rất giỏi, luôn đạt được kết quả này, thành quả khác. Nhưng đó có phải là mong muốn, mục tiêu đích thực và hạnh phúc của mình hay chỉ đang kiệt sức chạy theo để có được sự đánh giá, nhận xét ngọt tai của mọi người xung quanh thì không rõ lắm.
Cũng như thế giới tự nhiên, sinh tồn chỉ dành cho những con nhanh nhất, mạnh nhất. Con hươu chậm sẽ bị sư tử vồ, con sử tử mạnh nhất sẽ được làm chủ đàn. Với tâm thế này, tôi đã luôn mang nỗi sợ mình không còn “nhất” thì sẽ bị đào thải khỏi “cuộc chơi”. Sự thôi thúc không ngừng đó đã giúp tôi cắm đầu chạy như điên trong những năm qua bằng mọi giá.
Hành trình chạy đua theo chữ “nhất” cũng là hành trình tôi phát triển nội lực từ bên trong, tự mình phát triển thêm kiến thức, công việc, tiền bạc,… Có lẽ đó cũng là giá trị tôi đạt được từ chữ “nhất”.
Khát khao được tung hô, được thán phục, được ngưỡng mộ do thói quen chạy theo chữ “nhất” đã hình thành trong bản thân từ lúc nào không rõ. Do vậy, bất cứ chỗ nào mình xuất hiện đều muốn và cố trở thành nhân vật trung tâm, mọi người chú ý. Trong cuộc rượu mình phải là người nói nhiều nhất, uống nhiều nhất, ảnh hưởng nhiều nhất mà không hề quan tâm đến cảm xúc của ai cả.
Khi đã muốn được ngưỡng mộ, được thán phục nhưng nếu không đạt được sẽ sinh ra bất mãn hoặc tự ti hoặc phá bĩnh, tạo bất hòa và chuyển sang cho là “cá tính”, là cái tôi mạnh mẽ, là sống “gai góc”,… Đó có lẽ là điều tệ hại của mặt trái, là cái mất lớn nhất từ chữ “nhất”.
Điều khó khăn nữa là vì chữ “nhất” này nên không lắng nghe ai cả, chỉ khăng khăng theo ý kiến của mình, tâm lý coi thường người khác, xóa sạch mọi ý kiến hay thành quả của họ mà ta gọi là “phủ định sạch trơn”, chỉ mình nói mình tự nghe, thiếu cùng hợp tác, kết nối sức mạnh tập thể,… Phải chăng vì thế nên số 1 trong chữ Hán tượng hình là một nét gạch ngang đơn độc, cô đơn (“一”).
Trong một lần đến Ý, khi đứng trước nhà thờ Duomo Milano tại thành phố Milan, tôi sửng sốt khi biết nhà thờ lớn thứ tư thế giới này được khởi công xây dựng năm 1386 và 5 thế kỷ (500 năm) để hoàn thành. Mất 500 năm trải qua biết bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thế hệ kiến trúc sư, bao nhiêu biến cố của lịch sử vậy mà các tầng tháp của nhà thờ vẫn được tiếp nối nhau hoàn hảo, không một tì vết. Đứng lặng trước sân của nhà thờ với hàng đàn chim bồ câu bay lượn ăn những hạt ngô trên tay của những người già, trẻ nhỏ từ khắp năm châu thưởng ngoạn khiến cho khái niệm về chữ “nhất” và cái “tôi” trong bản thân mình bỗng nhiên vỡ vụn. Sẽ không có kiệt tác này nếu cái “nhất” giống như mình ngự trị trong những kiến trúc sư, những con người của thành phố này đã từng cống hiến suốt 500 năm cho kiệt tác tinh thần và kiến trúc nghệ thuật vĩ đại này. Thực sự bây giờ mới thấm thía câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Nhưng để đi cùng nhau được thì cần phải có tâm thức cao, bỏ qua cái tôi thô thiển, mới có thể kết nối, làm việc cùng nhau.
Có lẽ tôi đã hiểu thiếu, đã cảm sai lời bố mẹ dạy. Điều quê hương của tôi gửi gắm trong chữ “nhất” là luôn phải nỗ lực trong mọi hành động, nhất ở đây là nhất của “tự thân” chứ không phải “nhất” so với người khác. Điều đó sẽ khiến cho mình luôn tốt hơn mỗi ngày, mình nỗ lực để chiến thắng bản thân chứ không phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình sáng hơn.
Xưa nay, vẫn nghe câu “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tưởng là 50 tuổi thì sẽ hiểu được mệnh trời, biết tuốt mọi thứ. Thì nay mới vỡ ra rằng 50 tuổi mới đủ chín để bắt đầu đi học để hiểu được bản thân mình.
Vậy đấy, “Ngũ thập tri thiên mệnh” có lẽ là điều người xưa dạy rằng đây là lúc để con người tiếp tục học tiếp bài mới của cuộc đời, bắt đầu “lớp vỡ lòng” lần 2 của cuộc đời, đó là sự học để hiểu bản thân mình, học để làm người xứng với thiên mệnh sinh ra. Đã đến lúc buông bỏ chữ “nhất” và cái “tôi” thô thiển để nhận thêm chữ “cùng” và sống tiếp với năm tháng cuộc đời.
Gió Lào
Thông tin mới cập nhật