TCTM – Sự ổn định thường mang lại những điều vững chắc. Tuy nhiên, khi thế giới trong trạng thái VUCA, sự linh hoạt và rèn luyện giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi, thiết lập trạng thái ổn định và tránh bị đào thải.
Khi đứng trước những khó khăn, biến động, nhiều cá nhân thường có tâm lý xem xét và chờ đợi giai đoạn khó khăn qua đi theo cách suy nghĩ “cơn mưa nào rồi cũng tạnh”. Tâm lý chờ đợi này có lẽ cũng xảy ra ở không ít các doanh nghiệp.
Chờ đợi cho chiến tranh Nga – Ukraina kết thúc, chờ đợi cho kinh tế phục hồi? Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi tất cả đều chờ đợi nhưng chiến tranh không kết thúc và thậm chí những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra?
Cũng giống như thời điểm đại dịch COVID-19 leo thang, hầu hết các quốc gia trên thế giới quyết định áp dụng những biện pháp phòng chống dịch bệnh như đóng cửa, hạn chế các chuyến bay nước ngoài,…
Song, ngay khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu lắng xuống, nền kinh tế thế giới được nhiều tổ chức kinh tế uy tín dự báo phục hồi thì xung đột giữa Nga – Ukraine lại nổ ra. Tiếp theo đó là câu chuyện lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và hành động tăng lãi suất để kiểm soát của các ngân hàng trung ương.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định tăng trưởng toàn cầu dự kiến chỉ đạt 1,7% vào năm 2023.
Con số này thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, điều kiện tài chính xấu đi và gián đoạn nguồn cung do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều biến số khó lường
Có thể thấy rõ, thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu. Vậy sẽ ra sao nếu doanh nghiệp không linh hoạt biến đổi và chỉ “ngồi yên chờ bình minh tới”?
Không ít doanh nghiệp lớn trên thế giới rơi vào cảnh “một phút huy hoàng rồi chợt tối” và câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Quá khứ họ đã thành công vì họ có một chiến lược đúng. Nhưng sau một thời gian tâm lí tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi, đối thủ cạnh tranh xuất hiện và rất nhiều yếu tố bên trong cũng như bên ngoài doanh nghiệp không còn như trước. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn say sưa trên chiếc xe cũ khiến cho họ bị tụt hậu và rồi thất bại.
Chúng ta có thể thấy rõ câu chuyện này từ sự thất bại nổi tiếng của Nokia – một biểu tượng của ngành công nghiệp di động. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, công ty Phần Lan này đã được tạo ra và chi phối cả ngành công nghiệp di động toàn cầu với 40% thị phần trong những ngày tháng ngồi trên đỉnh cao.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự sụp đổ của Nokia là do sự đi lên mạnh mẽ của những hãng công nghệ khác như Apple, Samsung và Google. Tuy nhiên, câu hỏi lại đặt ra: Tại sao các công ty khác mạnh lên nhưng Nokia lại không thể?
Trong khi Apple và Google ra mắt hai hệ điều hành iOS và Android, ngành công nghiệp di động đã một lần nữa được tái định nghĩa khi xoay quanh nền tảng, ứng dụng và hệ sinh thái. Trong khi đó, Nokia vẫn chỉ tập trung vào những mẫu điện thoại đơn giản.
Sự thụt lùi của Nokia thể hiện rõ nhất ở mảng phần mềm khi hãng vẫn trung thành với một hệ điều hành lỗi thời là Symbian.
Sự thất bại của Nokia không thể chỉ giải thích bằng một câu trả lời đơn giản. Song từ câu chuyện này, đứng dưới góc độ quản trị, thị trường thay đổi không ngừng, ngày càng phức tạp hơn và nếu không linh hoạt thay đổi, thích ứng thì doanh nghiệp ắt sẽ phải trải qua giai đoạn “sàng lọc tự nhiên”.
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp
Khoảng thời gian mà các yếu tố bên trong doanh nghiệp phù hợp với thực tế bên ngoài, từ đó mang tới thành công của doanh nghiệp gọi là một chu kỳ kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều có vòng đời riêng và có tính chu kỳ, trong mỗi giai đoạn doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nhau.
Điều đó có nghĩa là sức mạnh, sở trường của doanh nghiệp giúp cho bản thân doanh nghiệp thành công ở chu kỳ này nhưng khi bước sang chu kỳ sau sẽ không còn lợi thế. Vấn đề này đến từ việc thị hiếu người tiêu dùng và các chính sách vĩ mô đã thay đổi so với chu kỳ kinh doanh trước. Và nếu doanh nghiệp không thay đổi, không lường trước được những rủi ro ngay khi đang trong giai đoạn tăng trưởng thì sẽ dễ dàng thoái hóa ở chu kỳ tiếp theo.
Một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp trước đây thường kéo dài từ 5 đến 7 năm nhưng càng về gần đây, do sự phát triển nhanh của Internet và toàn cầu hóa dẫn đến chu kỳ kinh doanh bị rút ngắn xuống từ 3-4 năm.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp ngày nay phải năng động hơn, linh hoạt hơn trước rất nhiều. Tương tự như vậy, chu kỳ các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây cũng thưa hơn. Nhưng bước sang thế kỷ 21, chúng ta thấy các cuộc khủng hoảng có tần suất xuất hiện nhiều hơn, thời gian giữa các cuộc khủng hoảng rút ngắn lại
Các cuộc khủng hoảng gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề nhưng nguyên nhân gây ra nó thì rất đơn giản. Đó là sự không thể hài hòa, tương thích giữa các yếu tố về chính trị, xã hội, môi trường và kinh tế. Khi những mâu thuẫn này đạt đến đỉnh điểm thì tất yếu phải xảy ra khủng hoảng để thế giới đi đến một trật tự cân bằng mới.
Do vậy, khi sự vận động của các yếu tố cấu thành nên thế giới này vận động càng nhanh thì mâu thuẫn giữa chúng càng nhanh đi đến đỉnh điểm để rồi được giải quyết bằng một cuộc khủng hoảng. Tức là tần suất xuất hiện các cuộc khủng hoảng sẽ dày hơn.
Khi khoa học công nghệ càng phát triển, sự ra đời của Internet và xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ thì sự phụ thuộc, quan hệ với nhau giữa các thành tố trong xã hội càng chặt chẽ dẫn tới sự khó dự đoán, khó kiểm soát, đa dạng các biến số. Do vậy, từ năm 1990 người ta đã đưa ra từ VUCA để mô tả về thế giới của tương lai. Đó là một thế giới có 4 đặc tính chính:
Có nghĩa là tương lai của thế giới được miêu tả là khó đoán trước, bất ổn và đầy phức tạp. Trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều chiến lược gia giúp chúng ta có những lý thuyết mang tính hệ thống, những chiến lược để ứng phó với thời kỳ VUCA. Tuy nhiên, một nguyên lý rất cơ bản mà chúng ta phải hiểu là nếu có sự thích ứng nhanh, phản ứng linh hoạt với thị trường thì chúng ta sẽ tồn tại được.
VUCA là khái niệm chủ yếu được sử dụng trong phạm vi kinh tế vĩ mô dùng để mô tả sự bất ổn, mơ hồ hay biến động của yếu tố môi trường kinh doanh
Chúng ta tưởng tượng cấu trúc của doanh nghiệp như kiểu con cua: đi ngang cũng được, đi lên cũng được, đi xuống cũng được, xuống nước cũng được, lên cạn cũng được thì chúng ta sẽ tồn tại.
Đương nhiên, một tổ chức hay tập đoàn đa quốc gia phải hành động theo hệ thống thì không thể tưởng tượng được sẽ có cơ cấu và nguyên tắc quản lý như thế nào để độ linh hoạt và thích ứng thay đổi nhanh đến như vậy.
Nếu cấu trúc đó là phi thực tế thì cũng đúng với triết lý có sinh ắt có diệt của Phật giáo. Tuy nhiên, để kéo dài chu kỳ sống của nó thì cần phải phát huy tối đa sự linh hoạt của tổ chức mà không làm tan vỡ hệ thống cần phải có một chất keo gắn kết các đơn vị vệ tinh, các bộ phận.
Chất keo đó không phải là tiền bạc mà chính là văn hóa doanh nghiệp, Do vậy, có thể nói xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn giản để khác biệt trong cạnh tranh, để định hình phong cách doanh nghiệp tạo sự khác biệt hóa trong thị trường mà là nuôi dưỡng chất keo để xây dựng hệ thống doanh nghiệp bền vững trong tương lai.
Nếu không có những thảm họa môi trường hay hạt nhân thì liệu 200 năm nữa Apple có còn không, chúng ta không thể chắc chắn được điều đó. Song, chúng ta có thể trả lời chắc chắn dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh vẫn còn và phát triển nếu chúng ta vận động để họ tránh được hôn nhân cận huyết.
Tại sao vậy? Tiền bạc và số lượng nhân viên của Apple chắc chắn áp đảo dân tộc Chứt ở Việt Nam. Nhưng về văn hóa thì rõ ràng dân tộc Chứt sâu sắc và bền vững hơn Apple rất nhiều. Điều đó sẽ khiến cho họ tồn tại còn Apple thì chưa chắc.
Doanh nghiệp trước đây được biết như một cái máy sinh lợi nhuận, vô hồn thì nay phải được hiểu doanh nghiệp như một thực thể sống hữu cơ: có tính cách được thể hiện qua các giá trị cốt lõi, có tầm nhìn và hoài bão như giá trị sống của mình thông qua sứ mệnh.
Khi thời đại của cầu lớn hơn cung đã qua, các bí quyết công nghệ thường không còn là thế mạnh thì các doanh nghiệp chỉ có thể thu hút khách hàng nhờ vào sự tin cậy và yêu mến. Khi khách hàng cảm thấy doanh nghiệp có những đức tính, phẩm cách xứng đáng, khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm và đặt niềm tin vào doanh nghiệp của bạn. Ngược lại, doanh nghiệp cần phải xem mỗi khách hàng đều là một đồng sự kiến tạo của mình.
Những giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức sẽ quy tụ những con người trong tương lai thành hệ sinh thái của doanh nghiệp. Để văn hóa trở thành sức mạnh thực sự và có khả năng nhân bản di truyền thì những giá trị về tư tưởng của doanh nghiệp phải trở thành một “hệ tư tưởng” như tôn giáo.
Để làm được việc này, đòi hỏi sứ mệnh của người đứng đầu tổ chức phải được nâng tầm, vượt lên trên giá trị tiền bạc thông thường. Tư tưởng của họ là “phụng sự xã hội” thì khi ấy cỗ xe doanh nghiệp mới bền vững và có thể vượt qua được các “cơn bão” trong tương lai.
Nguyễn Hải Đức
Thông tin mới cập nhật