Hàng loạt vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được phát hiện và xử lý mới đây gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước và nhân dân. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, thậm chí xử lý nước thải…, mỗi một lĩnh vực các đối tượng đã sử dụng những chiêu trò khác nhau để trục lợi.
Dường như tất cả các đơn vị trúng thầu đều đáp ứng các tiêu chí về năng lực được quy định trong hồ sơ năng lực, hồ sơ mời thầu. Nhưng sai phạm vẫn xảy ra với số tiền thất thoát rất lớn liên quan tới hối lộ, rút tiền nhà nước, các sản phẩn, công trình trong gói thầu khi thực hiện xong kém chất lượng, xuống cấp nhanh chóng…
Khi được hỏi, các cơ quan có trách nhiệm đưa ra những lý lẽ riêng của họ. Rằng việc đấu thầu được công khai trên hệ thống đấu thầu nhà nước, ai cũng có thể truy cập, kiểm tra, so sánh. Rằng, từng gói thầu cụ thể đều do các chủ đầu tư cụ thể đã được giao quyền, chịu trách nhiệm về phần việc mình phụ trách. Hồ sơ mời thầu, dự thầu đều ghi rõ đáp ứng đầy đủ, tốt nhất các yêu cầu đặt ra mới có thể trúng thầu. Vậy đâu là nguyên nhân của những sai phạm?
Phải chăng tất cả cùng sai sẽ thành đúng (!?). Hóa ra, để biến sai thành đúng, cùng với tiền “hoa hồng lại quả” rất lớn là đủ các chiêu trò “bẩn” được nhiều nhóm người cùng phù phép để trúng thầu.
“Chiêu trò” thứ nhất, khá phổ biến là chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc đưa ra những lý do gấp gáp, thuyết phục như “phục vụ chống thiên tai, dịch bệnh hoặc gói thầu thuộc diện bí mật nhà nước”“ (!?) để chỉ định thầu. Khoản 3 Điều 33 Luật đầu thầu 2013 (đang còn hiệu lực thi hành) quy định: “Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý”. Điểm k khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 cũng quy định, một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là “Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”. Trong khi đó, Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu:
“ 1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
Quy định của luật là vậy nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn lách các quy định này, chia nhỏ các gói thầu để áp dụng chỉ định thầu.… Cũng có những trường hợp nhà đầu tư lại gom nhiều gói thầu nhỏ thành gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ một doanh nghiệp cụ thể hoặc một nhóm các doanh nghiệp đã có sự sắp xếp, bố trí trước (dưới hình thức liên danh, sự chẩn bị này đã được âm thầm tiến hành hàng năm trước, khi bung mời thầu thì các nhà thầu khác trở tay không kịp) mới đáp ứng được, từ đó loại bỏ các nhà thầu cạnh tranh. Mục tiêu của việc gom gói thầu khủng là để có thể che lấp, chuyển chi phí từ hạng mục “lộ” sang hạng mục “ẩn” để qua mắt kiểm toán, trục lợi ngân sách. Việc gom gói thầu sẽ ‘dành sân” cho vài nhà thầu siêu lớn, họ có thể thực hiện những cuộc chơi lớn mà các nhà thầu riêng rẽ không thể thực hiện được, có thể chi phí “lobby cả cục”. Mục tiêu hành vi này là giới hạn doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện gói thầu.
Đủ chiêu trò được áp dụng để trúng thầu
Thứ hai, can thiệp, cài cắm điều khoản hướng thầu. Nhà đầu tư cố ý cài cắm các điều khoản mớm thầu để hướng tới các nhà thầu thân hữu, loại bỏ sự tham gia của các nhà thầu khác, biến đầu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế. Luật quy định về hồ sơ mời thầu là nhằm chọn được những nhà thầu tốt nhất, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, cũng có những chỗ chưa chặt chẽ bị lợi dụng để loại bỏ những nhà thầu không mong muốn. Có nhiều trường hợp, ngay từ đầu, nhà đầu tư và nhà thầu quen bắt tay ngầm, xây dựng cài cắm các tiêu chí kỹ thuật trong đấu thầu, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu. Bản chất của chiêu trò này đã biến đấu thầu thành chỉ định thầu trá hình.
Điển hình là các chủ đầu tư khi xây dựng hồ sơ mởi thầu (HSMT) mua sắm thang máy với yêu cầu thương hiệu hoặc xuất xứ hàng hóa là phải sản xuất tại các nước G7, Nhật Bản và nhập khẩu đồng bộ. Đây là một trong những điều kiện được cho là phân biệt đối xử đối với hàng Việt trong đấu thầu. Chẳng hạn gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận (TP.HCM), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Quốc; Dự án Trụ sở làm việc chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu…, HSMT vào năm 2017 đều ghi rõ “thang máy do các nhà thầu cung cấp phải do các hãng nổi tiếng thuộc các nước công nghiệp phát triển G7 sản xuất (xuất xứ G7)”… Hoặc chủ đầu tư đưa ra điều kiện thương hiệu G7, xuất xứ có thể thuộc các nước châu Á nhưng trong danh sách này không có tên Việt Nam!
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cài cắm các điều kiện tinh vi hơn thông qua các tiêu chí kỹ thuật trong HSMT. Họ sẽ tuân thủ các quy định trong luật về hãng sản xuất, xuất xứ nhưng riêng về mã hiệu, HSMT yêu cầu một model cụ thể của hãng mà chủ đầu tư muốn định hướng đến. Yêu cầu này rất khó thực hiên do mã hiệu thuộc lại hiếm trên thị trường. Chẳng hạn mới đây có gói thầu cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc Dự án cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của kho bạc nhà nước tại một tỉnh phía Nam, trong mục “Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật”, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu mã hiệu thang máy Meta200. Theo các chuyên gia thang máy, đây là một mã hiệu hoàn toàn xa lạ, ít thông dụng, không được bao hàm trong bất kỳ thương hiệu thang máy nổi tiếng nào, ngay cả trong và ngoài nước. Vì vậy, nhiều nhà thầu cho rằng, không loại trừ tiêu chí này nhằm mục đích định hướng, tạo lợi thế cho một nhà thầu nhất định nào đó.
Sáng 4/1/2023, TAND Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đại án AIC, trong đó nhiều bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
Thứ ba là giả mạo hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ dự thầu, thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu. Đó là một số nhà thầu chuyên đi đấu thầu chỉ để trượt (quân xanh) nhằm lót đường cho một nhà thầu định sẵn trúng thầu với sự tiếp tay của chủ đầu tư và các bên giám sát thầu. Điển hình là vụ án xảy ra tại dự án Bệnh viện Đồng Nai, chủ tịch công ty AIC đã lập, thuê nhiều công ty làm quân đỏ, quân xanh tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Thứ tư là thông đồng, móc ngoặc với bên thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị gói thầu. Đây là thủ đoạn được sử dụng nhiều nhất trong tất cả các vụ án liên quan tới vi phạm các quy định về đấu thầu nhằm moi tiền ngân sách nhà nước mà điển hình là vụ Việt Á thông đồng với bên thẩm định giá nâng giá bộ kit test gây thiệt hại cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Cùng với các chiêu trò trên là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu. Nếu cứ như vậy thì sẽ tạo ra hàng loạt doanh nghiệp tập trung phát triển quan hệ thay vì tập trung xây dựng và phát triển nội lực bền vững. Đó cũng là một nguyên nhân đến một nền kinh tế không phát triển nổi
Sai phạm trong đấu thầu không chỉ là nhiều dự án bị chậm tiến độ, tiền của Nhà nưóc bị thất thoát, lãng phí, mà nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo địa phương, các sở ngành, các doanh nghiệp… bị khởi tố và kết án phạt tù, gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dùng mánh khóe để trúng thầu không có năng lực thực sự về nhân sự, quản trị, tiềm lực tài chính để cạnh tranh sòng phẳng. Vì thế, họ có thể khai khống nhân sự nhưng phải thuê mướn nhân sự chất lượng thấp, tiềm lực tài chính kém không đủ để thực hiện thầu nên phải vay mượn, chắp vá. Một số trường hợp, đơn vị trúng thầu chọn các gói phần việc ngon ăn làm trước, sau đó bỏ chạy dẫn đến nhà đầu tư phải bỏ thêm số tiền lớn để khắc phục hậu quả. Hoặc có trường hợp nhận thầu xong bán thầu….
Trong khi đó, các nhà thầu đủ năng lực, làm ăn chân chính thường không thể chi hoa hồng lớn hoặc hạ giá sâu gói thầu. Họ phải đầu tư cho nhân sự, quản trị nhân sự hiệu quả (đào tạo trình độ cao, lành nghề, chế độ đãi ngộ cao cho nhân sự tay nghề cao), mua vật tư thiết bị đảm bảo chất lượng để hoàn thành gói thầu và cả một khoản đáng kể để bảo hành, bảo trì các sản phẩm, công trình trong các gói thầu.
Từ những yếu kém về nhân sự, tiềm lực tài chính, quản trị và để hạ giá gói thầu nhằm loại các doanh nghiệp khác…doanh nghiệp trúng thầu sẽ tìm cách hoàn thành gói thầu bằng cách rút ruột công trình, khai khống giá vật tư, thiết bị làm ẩu (do thuê nhân lực trình độ kém hoặc lao động tự do với giá thấp để tăng lợi nhuận). Có những trường hợp trước đây các nhà thầu dùng cách đấu trúng thầu bằng giá dự thầu thấp, sau đó tìm cách điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, tính phát sinh rất cao. Đến khi gói thầu bị ách lại thì chây ì không thực hiện khiến gói thầu bị chậm trễ. Tất cả những chiêu trò trên dẫn đến ngân sách nhà nước bị thất thoát, công trình, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Thực tế đã có những con đường, vỉa hè vừa nghiệm thu không lâu đã hỏng, hay những khu nhà ở xuống cấp nhanh chóng…
Một hệ lụy nữa là tình trạng vi phạm các quy định về đấu thầu đã khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính giảm động lực cống hiến, trở nên dè dặt, lo ngại, nghi ngờ nhau… trong các hoạt động đấu thầu. Liệu khi tất cả các doanh nghiệp chạy theo phát triển “năng lực quan hệ” thay vì tập trung xây dựng phát triển năng lực quản trị sản xuất, cải tiến, mở rộng quy mô… thì liệu năng lực cạnh tranh quốc gia trong tương lai sẽ đi về đâu?
Qua các vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu cho thấy, có sự tiếp tay của các quan chức, lãnh đạo địa phương, các cơ quan quản lý vào các quy trình đấu thầu để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm…
Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cũng là những tác nhân góp phần bóp méo môi trường đấu thầu làm mất đi tính minh bạch, công bằng. Đó là tình trạng lại quả hoa hồng cho bên mời thầu. Hành vi lại quả hoa hồng cũng là yếu tố tạo thành các “liên minh mà quỷ” “lợi ích nhóm” gây thiệt hại lớn cho nhà nước và nhân dân.
Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại – công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát có tới 25% doanh nghiệp chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu. 10,3% doanh nghiệp cho biết họ chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu. “Đáng lưu ý có tới 58,9% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức trong đấu thầu là luật bất thành văn mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia”, một đại biểu Quốc hội nêu hồi tháng 11/2022…
Trước tình trạng xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, các chuyên gia luật đặt vấn đề, phải chăng Luật Đấu thầu hiện hành và các văn bản luật liên quan sau 10 năm thực hiện đã có những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng trục lợi? Cùng với đó, việc có các nhóm lợi ích bắt tay trục lợi, gậy thiệt hại ngân sách nhà nước bộc lộ những thiếu sót trong công tác quản lý?
Một số ý kiến các nhà thầu cũng cho rằng, kiến nghị của nhà thầu thường không được chủ đầu tư quan tâm giải quyết, hoặc nếu có giải quyết thì cũng chỉ là đại khái, hình thức. Và việc không có một cơ quan nào đứng ra giám sát việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu, đánh giá xử lý kiến nghị thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến các kiến nghị không được quan tâm xem xét. Vì thế các nhà thầu chờ đợi quy định việc giám sát xử lý kiến nghị trong đấu thầu được công khai hóa, mong các cơ quan hữu trách công bằng khi xử lý kiến nghị./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật