Thương trường như chiến trường, câu nói ấy không sai khi thể hiện mức độ khốc liệt mà mỗi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi tham gia cuộc chơi. Chiến trường ấy chính là việc giành giật thị phần để doanh nghiệp mình tồn tại, phát triển. Nhưng đối thủ thực sự của doanh nghiệp có phải là như vậy?
Quý vị hẳn từng nghe câu chuyện về ngã tư đường và bốn cây xăng? Chuyện kể rằng, có anh người Mỹ đi tới một ngã tư đường. Thấy trống trải quá, anh quyết định mở một cây xăng. Xe cộ qua lại thấy tiện đều vào ghé đổ ủng hộ. Một anh người Nga qua đổ xăng, thấy chỗ này cũng được, bèn mở một Gara sửa xe để phục vụ những người ghé đổ xăng có nhu cầu. Một anh Do Thái, đến ngã tư thấy người qua lại đông đúc, tiềm năng nên anh mở một nhà hàng. Một người Nhật Bản thì đầu tư xây ngay một khách sạn ở góc ngã tư còn lại. Chẳng mấy chốc, ngã tư đường đã trở thành nơi sầm uất, giàu có, mọi người sống hạnh phúc, hợp tác với nhau vui vẻ. Một người Việt Nam biết được điều này, về nước anh chọn ngay một ngã tư đường để mở cây xăng. Xe cộ qua lại đông đúc, ghé đổ xăng đến mức còn không kịp phục vụ. Một người khác thấy vậy, bèn mở một cây xăng ở phía đối diện rồi bán giá rẻ hơn một chút để hút khách. Rồi một anh nữa thấy cơ hội kiếm tiền ở ngã tư đường rõ quá nên anh cũng mở một cây xăng với giá bán cạnh tranh hơn hai cây kia. Khách hàng lúc này chạy sang cây xăng có giá rẻ nhất. Rồi một cây xăng thứ tư ở góc đường còn lại cũng mọc lên bán với giá rẻ hơn nữa để câu khách… Cuối cùng ông chủ cây xăng thứ nhất chưa kịp hồi vốn thì đã bị phá sản. Ông chủ cây xăng thứ hai thì cũng trên bờ vực thẳm. Ông chủ cây xăng thứ ba thì cay cú và phát sinh mâu thuẫn với các ông còn lại, cũng chẳng làm ăn gì được. Ông chủ cây xăng giá rẻ nhất thì bị công an bắt vì tội pha xăng giả để phá giá thị trường.
Đây chỉ là một câu chuyện có phần hóm hỉnh nhưng mang thông điệp rõ ràng: Nếu các doanh nghiệp coi nhau như kẻ thù, là đối thủ và dùng các phương thức kinh doanh giống hoặc tương tự nhau để cạnh tranh. Khi đó, doanh nghiệp đang tự đưa mình vào một cuộc chiến không cần thiết mà không ai khác chình mình sẽ chịu tổn thương. Không ai chiến thắng trong cuộc chạy đua thiếu khôn ngoan này.
Theo con số thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) thì hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thang máy. Con số trên thực tế có lẽ sẽ lớn hơn nhiều, trong đó đa phần phân phối sản phẩm thang máy nội địa, liên doanh ở phân khúc giá thấp. Các doanh nghiệp cố gắng giành giật thị trường bằng hình thức chạy đua về giá. Điều này sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp buộc phải hạ thấp chi phí ngay từ công đoạn chọn linh, phụ kiện, thiết bị với giá rẻ nhất. Thậm chí còn có không ít “hàng fake”, thiết bị trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất sứ; thiếu CO, CQ… Và rồi cuộc chiến thương trường vẫn cứ tiếp diễn. Bản thân doanh nghiệp làm ăn chân chính thì bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp thiếu chân chính thì cũng ăn thua “khô máu” để rồi không ít lâm vào cảnh thua lỗ, phá sản, thậm chí liên đới tới pháp luật.
Điều ấy cho thấy: Nguy hiểm nhất là chúng ta đang không nhìn thấy kẻ thù thực sự của mình là ai.
Bạn tôi đang định cư tại Mỹ, đồng thời là sáng lập viên của một doanh nghiệp start up ngành viễn thông có chia sẻ. Đối với phương tây, các doanh nghiệp đề cao nguyên tắc “win – win”, cùng chiến thắng. Trong khi đó một người bạn khác của tôi mở doanh nghiệp tại Việt Nam thì luôn tâm đắc với khẩu hiệu như tự lên dây cót tinh thần cho mình mỗi ngày: Thương trường là chiến trường!
Không đánh đồng tất cả, nhưng rõ ràng văn hoá kinh doanh của không ít người Việt Nam đã làm cho hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp và thương hiệu của chúng ta trở nên “mất điểm”. Chúng ta nghĩ gì khi những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài bị trả về vì lô sau “không giống” như lô trước. Hay đó là những chiến dịch truyền thông bẩn của những bàn tay ma quỷ thao túng phía sau làm tổn hại nghiêm trọng thương hiệu nước mắm truyền thống. Còn chưa kể những hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng ngành thang máy như bôi xấu, xâm phạm thông tin bí mật kinh doanh, làm giả làm nhái thương hiệu… thì nhiều như cơm bữa.
Và như thế, đồng tiền mà doanh nghiệp kiếm được sẽ nhuốm nhiều thủ đoạn, phi đạo đức, thậm chí cả máu. Chúng ta gọi đó là lợi nhuận “xấu”, không bền vững.
Giữa thương trường và chiến trường có nhiều điểm tương đồng mà chúng ta dễ nhận ra. Muốn chiến thắng trên chiến trường thì cần phải giữ được đất, nhất là địa bàn chiến lược và được dân ủng hộ. Còn muốn chiến thắng trên thương trường thì điểm mấu chốt của doanh nghiệp là chiếm giữ được thị phần, đặc biệt là thị phần có các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, thu hút và giữ chân được khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Nhưng thương trường thì “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” còn chiến trường thì bắt buộc phải “đổ máu”. Bởi vậy, nếu cứ nhất định coi thương trường là chiến trường thì tất yếu sẽ có tranh chấp, có thắng – có thua, có vinh quang – có thất bại, có giàu – có nghèo, có hạnh phúc – có đau khổ. Nếu doanh nghiệp vẫn cạnh tranh theo kiểu “bắt chước” thì cuối cùng “tổng lực” vẫn bằng không, không có ai được lợi. Thậm chí là cảnh các doanh nghiệp Việt trong tình trạng “nồi da xáo thịt” và biết đâu có các đối thủ ngoại thực sự đang quan sát để rồi “ngư ông đắc lợi”(?!)
Giáo sư Michael Porter – Nhà tư tưởng chiến lược, cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia khi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2008 đã chia sẻ rằng: “Cạnh tranh là làm điều độc đáo, khác biệt. Bạn có thể kiếm tiền bằng cách bắt chước nhưng như thế không lâu dài được vì sớm muộn bạn cũng sẽ bị bắt chước. Khi mọi người đều cùng làm một thứ thì không ai thắng cả”. Ông cho rằng khi các công ty đối đầu trực tiếp, bắt chước lẫn nhau sẽ làm giảm sự lựa chọn của khách hàng. Lúc đó lợi nhuận của đơn vị này là thua lỗ của đơn vị kia. Khi một ngành kinh doanh ở trong tình trạng đó thì khả năng sinh lời rất thấp và các doanh nghiệp đều chịu tổn thất.
Chiến lược kinh doanh là cách thức tạo ra sự khác biệt của các doanh nghiệp
Nói vậy để thấy rằng, thay vì “nhái phương thức kinh doanh”, tìm các thủ đoạn khôn lỏi để vượt mặt đối thủ, các “mưu ma chước quỷ” để đánh lừa các cơ quan chức năng và người tiêu dùng thì doanh nghiệp chọn cách hành xử khác. Đó là việc kiến tạo những mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo hơn. Là việc phát triển các thị trường ngách, khai mở những hướng đi mới, chưa từng có.
Nếu có tầm nhìn chiến lược, hẳn bạn phải luôn băn khoăn câu hỏi cho doanh nghiệp mình: Mười năm nữa sẽ thế nào và sẽ làm gì tiếp theo?
Kế thừa và phát triển những thứ sẵn có để tạo bệ phóng cho doanh nghiệp hướng tới những mục tiêu cao hơn. Sản phẩm sẽ cần phải được tốt hơn, thậm chí tốt nhất ở từng thời điểm trong phân khúc. Chất lượng dịch vụ đo được các điểm chạm với nhiều thông tin hơn, từ đó mà khoảng cách từ doanh nghiệp đến trái tim khách hàng được rút ngắn lại. Là không ngừng xây dựng những giá trị văn hoá tốt đẹp để khắc hoạ thương hiệu trở thành niềm tin trong cộng đồng.
Thang máy là một ngành trẻ với nhiều dư địa tại thị trường Việt Nam. Số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này vẫn đang tăng trưởng, hứa hẹn một môi trường sản xuất, kinh doanh cạnh tranh, năng động.
Trên thực tế, nguồn lực của mỗi doanh nghiệp đều có những hạn chế nhất định. Đó có thể là về vốn, trình độ nhân lực, quản trị hệ thống sản xuất – kinh doanh… Không một doanh nghiệp nào hoàn hảo và câu chuyện “Thánh Gióng” rất khó để xảy ra trong bối cảnh như hiện nay. Vậy chúng ta sẽ dàn trải nguồn lực đó trên tất cả mặt trận hay sẽ tập trung mũi nhọn cho những thị trường mục tiêu?
Sẽ như thế nào nếu các doanh nghiệp trong ngành thang máy cùng ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, tầm nhìn chung và sứ mệnh chung. Đó là việc thống nhất chuẩn hoá lại nhân lực ngành, là việc kết nối – tương hỗ của các doanh nghiệp, là việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ thang máy, là tìm kiếm tổ chức có đủ năng lực, phẩm chất dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Đây cũng chính là việc mỗi doanh nghiệp góp phần tạo nên “hệ sinh thái lành mạnh”, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, khách hàng được hưởng lợi.
Bắt tay không có nghĩa là để lũng đoạn thị trường mà để cùng “Win – Win”, chiến thắng cho tất cả./
Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật