Rất khó xác định được hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu thang máy trong các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại sang trọng, hiện đại hay trong các gia đình. Cũng ít người biết về chiếc thang máy đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam cùng những giai thoại bí ẩn xung quanh chiếc thang cổ nhất Việt Nam này. Và có điều đáng ngạc nhiên là trải qua gần 100 năm đầy biến cố, chiếc thang máy cổ đầu tiên ở Việt Nam vẫn chạy tốt và hoạt động thường xuyên.
Căn biệt thự 99 cửa có tuổi gần trăm năm
Vào năm 1929, tại ngôi nhà của gia đình ông Hứa Bổn Hòa (dân gian thường gọi là chú Hỏa hay Hòa) – một trong những gia đình giàu nhất Sài Gòn thời bấy giờ đã xuất hiện một sự kiện mà hàng trăm năm sau vẫn có nhiều người nhắc tới. Đó là sự xuất hiện của chiếc thang máy đầu tiên tại Việt Nam, (mà có lẽ là toàn cõi Đông Dương vì lúc đó Sài Gòn gần như là nơi phát triển nhất trong vùng lãnh thổ này). Chiếc thang máy do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được lắp đặt tại biệt thự 99 cửa nhà họ Hứa.
Thang máy được thiết kế theo kiểu một chiếc kiệu quan ngày xưa. Chất liệu được làm bằng gỗ xưa nên rất tốt, không hề bị mối mọt đục khoét. Họa tiết của thang máy được chạm khắc khá tinh xảo và độc đáo. Hoạt động rất tốt từ suốt gần 90 năm qua, giúp đỡ rất nhiều trong việc di chuyển. Thùng thang làm bằng gỗ, chiếc thang có bề cao khoảng 2,5 mét, rộng chừng 2 mét và chiều sâu khoảng 1,2 mét, đủ để 5 người đứng. Chiếc thang nằm trong dãy nhà mặt tiền của dinh thự và xung quanh dãy nhà này lâu nay vẫn tồn tại một giai thoại khá rùng rợn. Đó là bóng ma nữ vốn là con gái của chủ nhà bị chết vì bệnh phong “thỉnh thoảng lại xuất hiện huyền bí trong bóng đêm với tiếng khóc ai oán”. Chẳng biết giai thoại “con ma nhà họ Hứa” kia căn cứ vào đâu nhưng chiếc thang vẫn còn đó gần trăm năm nay mà chẳng có ai “bị ma bắt” cả. Và ý nguyện của ông Bổn Hòa trước khi mất là xây một tòa nhà lớn để mọi người trong gia đình sống quây quần, tuy nhiên ông đã không kịp thực hiện điều này khi còn sống.
30 năm sau khi ông mất, con cháu ông theo di nguyện đã thuê một kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng một căn biệt thự rất đẹp cùng một hệ thống thang máy hiện đại bên trong nhưng chiếc thang cổ bằng gỗ kia vẫn còn được lưu giữ. Tại thời điểm đó, đây là gia đình đầu tiên có thang máy tại Việt Nam. Tuy là kiến trúc sư người Pháp nhưng nhà thiết kế này đã thiết kế chiếc một chiếc thang máy mini không mang âm hưởng châu Âu, mà theo hướng châu Á với nguyên liệu chủ yếu là gỗ được chạm khắc rất tinh xảo và độc đáo. Bên trong được bài trí và chạm trổ như một chiếc kiệu chở quan thời xưa.
Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa đã chuyển ra nước ngoài sinh sống và định cư, căn nhà cũ đã được chính quyền thành phố trùng tu và thiết kế lại để thành Bảo tàng Mỹ thuật phục vụ du khách tham quan. Nơi đây lưu giữ một hiện vật vô giá gắn với một giai đoạn lịch sử, một biểu tượng thang máy đầu tiên của Việt Nam. Điều đặc biệt là chiếc thang máy cổ độ tuổi gần trăm năm dù bằng gỗ nhưng đến nay nó vẫn không hề bị mối mọt và vẫn còn hoạt động được. Hiện nay chiếc thang nay chỉ còn được dùng để chở khác du lịch là những người già, người khuyết tật đến tham quan nơi đây. Ngoài ra, thang còn được sử dụng để vận chuyển những bức tranh sơn mài hay những pho tượng nặng. Xung quanh thang được lắp thêm ô kính để tạo ánh sáng bên trong còn được lắp thêm một chiếc bóng điện nhỏ để chiếu sáng.
Thang máy này sử dụng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần bước vào trong, đóng cửa lại và ấn vị trí tầng cần đến. Nếu tối có thể bật đèn thông qua nút ấn trên bảng điều khiển. Thang máy được vận hành bằng một cáp kéo từ mô tơ quay chạy bằng điện. Kết cấu của nó còn rất đơn giản, chỉ bao gồm 2 trục sắt tròn được cố định vào tường và giống như một cái ray giúp thang máy trượt lên. Bên dưới thang cũng được đặt 4 lò xo nâng đỡ để tránh việc thang bị chạm sàn. Dù lâu đời là vậy và qua rất nhiều lần bảo trì, bảo dưỡng nhưng chiếc thang máy này vẫn hoạt động tốt. Hiện nay trong bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngoài chiếc thang này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật mà xưa được sử dụng trong ngôi nhà của ông Hứa Bổn Hòa.
Hằng ngày, nơi đây vẫn đón tiếp những dòng người du lịch từ trong nước cũng như khách bốn phương về tham quan. Và ai ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này. Chiếc thang máy tồn tại gần trăm năm và vẫn còn hoạt động đến ngày nay như một hiện vật lịch sử quý giá, là biểu tượng, là tiền đề cho sự phát triển của ngành thang máy Việt Nam.
Quách Hùng (Tổng hợp)
Ảnh: Mr.True
Thông tin mới cập nhật