TCTM – Có câu nói nổi tiếng: Everything happens for a reason – Mọi thứ xảy ra đều có lý do. Giống như câu chuyện của ngành đường sắt có liên quan gì với những chiến xa của đế chế La Mã, hay mâm cơm truyền thống của người Việt với cửa cabin thang máy?
1,422 m là khổ đường sắt tiêu chuẩn của Mỹ (chiều rộng giữa hai đường ray) và kích cỡ này cũng được rất nhiều nước sử dụng hàng trăm năm qua. Câu hỏi đặt ra tại sao là con số này?
Một số ý kiến cho rằng, nó xuất phát từ khoảng cách trục giữa hai bánh xe của chiến xa đế chế La Mã. Phải chăng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đã có sự tính toán tối ưu dưới góc độ vật lý và toán học?
Kích thước đường ray xe lửa tại Mỹ được cho là có xuất xứ từ các cỗ xe chiến tranh của đế quốc La Mã
Những con đường quân sự đầu tiên ở châu Âu và Anh được xây dựng bởi Đế quốc La Mã nhằm phục vụ đội quân của họ. Những cỗ xe chiến trường của người La Mã đều giống nhau về khoảng cách giữa các bánh xe, vào khoảng 1,422 m. kích thước này của các chiến xa được giải thích dưới góc độ kỹ thuật là vừa đủ rộng để đủ chỗ cho hai con ngựa chiến, vừa đủ cho xe có thể linh hoạt ở tốc độ cao mà không bị lật, nghiêng, hạn chế gây nguy hiểm cho các chiến binh.
George Stephenson, được mệnh danh là “cha đẻ của ngành đường sắt”, trong khi kiểm tra một số phần của bức tường La Mã nơi từng có xe ngựa chạy qua, ông phát hiện ra rằng những vết hằn sâu đã bị mòn trên đá. Khi đo khoảng cách giữa chúng, ông thấy nó vào khoảng 1,4 m. Tin tưởng người La Mã chỉ áp dụng kích thước này sau khi có nhiều kinh nghiệm, ông quyết định sử dụng nó như một tiêu chuẩn trong việc xây dựng các tuyến đường sắt của mình. Và từ thời điểm đó, thông số này đã trở thành tiêu chuẩn ở Anh và Hoa Kỳ.
Có thể nói, những con đường sắt được xây dựng hàng thế kỷ trước không những được tính toán để đáp ứng các yếu tố kỹ thuật, toán học, vật lý mà còn in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Cũng có điểm tương tự như thế, chúng ta sẽ thấy mối liên hệ nào giữa kích thước mâm cơm truyền thống của người Việt với kích thước chiều ngang của cửa cabin thang máy gia đình?
Hàng vạn gia đình Việt Nam đang dùng thang máy, nhưng chắc chắn có rất ít người đặt câu hỏi, cửa cabin thang máy gia đình thường có chiều rộng bao nhiều và vì sao lại như vậy?
Chiều rộng 70 cm cửa cabin có xuất xứ đường kính chiếc mâm truyền thống của người Việt Nam?
Theo quy chuẩn châu Âu về xây dựng, diện tích cabin thang máy gia đình thường không rộng hơn 1,7 m2, kích thước của cửa cabin vào khoảng 70 cm. Theo các chuyên gia, thang máy gia đình chủ yếu phục vụ mục đích để tải người, mà chiều rộng vai người trung bình khoảng 50 cm, thế nên cửa thang tối thiểu phải rộng 60 – 70cm. Kích thước đó đủ để cho người đàn ông hay phụ nữ có vóc dáng phổ thông có thể ra vào bình thường mà không phải lách người.
Hiện nay, hầu hết các hãng thang máy đều để chiều rộng cửa cabin tiêu chuẩn là 70 cm và cao 210 cm. Ở một số trường hợp cụ thể, người ta quy định chiều rộng tối thiểu của cửa cabin là 90 cm để xe lăn của người khuyết tật có thể ra vào dễ dàng.
Có thể hiểu một cách đơn giản, tại châu Âu, kích thước cửa cabin có căn cứ từ các tính toán khoa học và được quy định cụ thể bằng quy chuẩn.
Còn tại Việt Nam, thang máy gia đình lại có những chức năng riêng không giống như ở châu Âu nên có thể có những quy ước riêng về thiết kế. Chẳng hạn người ta có thể sử dụng thang máy để đưa đồ cúng tổ tiên lên tầng cao nhất vào những ngày rằm, mồng một hay lễ Tết theo phong tục.
Một vị kiến trúc sư kỳ cựu còn khẳng định, mặc dù là “luật bất thành văn” nhưng khi thiết kế thang máy cho các căn nhà Việt, người ta thường thiết kế sao cho gia chủ có thể bê cái mâm theo chiều ngang dễ dàng vào cabin. Khi đó, cửa cabin có kích thước nhỏ nhất vào khoảng 60 – 70cm sẽ là hợp lý.
Trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam nơi thờ tự được bố trí ở vị trí trang trọng nhất, thường là ở tầng cao nhất trong căn nhà. Cũng theo thói quen, người ta lại bố trí căn bếp ở tầng thấp nhất. Và vì thế, chiếc thang sẽ là phương tiện vận chuyển mâm cơm cúng tổ tiên lên tầng cao nhất…
Mỗi khu vực, mỗi nước, mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa riêng, in đậm dấu ấn trong sinh hoạt, xây dựng, kiến trúc, thời trang… Chẳng hạn kiến trúc các công trình nhà ở từng nước từng khu vực, thậm chí từng vùng miền trong một đất nước mặc dù có chung công năng nhưng đều có nét độc đáo riêng. Trong một tổng thể các nền văn hóa, việc có các quy ước riêng về kích thước của thang máy cũng là điều cần thiết…
Và nói chung, chiếc thang máy có thể giúp gia chủ mở rộng không gian sinh hoạt cho mọi lứa tuổi trong một gia đình. Đó là xây dựng thư viện, phòng lưu niệm, phòng khách, bếp, hay các phòng tập thể thao… trên các tầng cao của tòa nhà. Trong những công năng đa dụng đó, việc lấy kích thước của mâm cỗ cúng là chiều rộng của cửa cabin đúng là một nét đẹp văn hóa, nét nhân văn độc đáo của người Việt Nam./.
Lời tòa soạn: Khi đô thị hóa đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì nhu cầu lắp đặt sử dụng thang máy gia đình càng trở nên cấp thiết hơn. Nhưng để phù hợp với ngôi nhà, trong những tính toán tối ưu cũng cần quan tâm tới kích cỡ cửa cabin phù hợp với văn hóa truyền thống, nhu cầu sử dụng như mâm cỗ truyền thống là một ví dụ như thế.
Lê Hùng
Đồ họa: Nguyễn Chung
Thông tin mới cập nhật