TCTM – Xã hội càng phát triển, trình độ sản xuất không ngừng tăng lên và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có sự tương đồng ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề. Khi đó, “vũ khí” cuối cùng của doanh nghiệp để cạnh tranh phải là văn hóa.
Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, sự thịnh vượng của quốc gia phải do kiến tạo chứ không phải là thừa kế. Nó không phát triển từ sự sẵn có tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, lãi suất, hay giá trị tiền tệ của một quốc gia giống như lý thuyết kinh tế học cổ điển từng khẳng định. Nó buộc phải đến từ sự đổi mới, nâng cấp không ngừng, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt của các doanh nghiệp trong đó.
Nếu như trước đây, bí quyết công nghệ, năng lực sản xuất, vốn,… được coi là sức mạnh cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp. Ai sở hữu sẽ chiếm thế thượng phong trong việc định đoạt thị trường bằng những quyết định có lợi, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Đơn cử như ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan khi vẫn chi phối tới hơn 60% thị trường toàn cầu và chỉ một cái “hắt hơi” của quốc gia này và tập đoàn TSMC cũng đủ để làm cho thế giới xáo trộn… là một ví dụ.
Tuy nhiên ở thế giới phẳng, những lợi thế trên sẽ phải thay đổi bởi hành vi của quốc gia và doanh nghiệp. Các nước lớn bắt buộc phải chia sẻ công nghệ cho các quốc gia khác.
Điều quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp là tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận. Muốn vậy phải liên kết – liên danh, mở cơ sở tại nước ngoài để tận dụng lợi thế rẻ hơn về chi phí nhân công, nguyên vật liệu,… Dần dần, điều bắt buộc sẽ phải chuyển giao công nghệ, thậm chí là một phần công nghệ lõi. Chính sách này đã hình thành ở nhiều quốc gia để hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Các quốc gia có doanh nghiệp được chuyển giao sẽ nhanh chóng nắm bắt được công nghệ và nâng cao trình độ quản trị, năng lực sản xuất. Rồi ở đó, các công nghệ tương đồng, những sản phẩm tương tự sẽ xuất hiện. Khi đó, sở hữu công nghệ không còn là yếu tố cạnh tranh mang tính sống còn.
Văn hóa là thương hiệu của doanh nghiệp
Trước sự bão hòa của thị trường về sản phẩm, dịch vụ, sẽ rất khó khăn để chọn ra đâu là thứ tốt nhất mà chỉ có thứ phù hợp nhất. Khi đó, chiến lược cạnh tranh để tạo ra sự khác biệt của các doanh nghiệp hay rộng hơn là đối với các quốc gia chính là văn hóa.
Có thể nói, văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất! Doanh nghiệp và quốc gia cũng vậy!
Trong khi công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn là một khái niệm chưa đầy đủ còn nằm trên văn bản với những thực hành tự phát của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất độc lập vốn luôn năng động nhìn thấy và chớp lấy cơ hội mà không cần quan tâm đến quan điểm hay sự hình thành phát triển của ngành; thì trên khắp các châu lục, trật tự thế giới đa cực mới đang được xác lập với những cường quốc “sức mạnh mềm”. Hãy xem Thái Lan, hàng xóm của chúng ta với những gì mà họ đã đầu tư cho văn hóa như một ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP và làm cho quốc gia trở nên hùng mạnh.
Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé đứng ở ngã tư của những nền công nghiệp văn hóa có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới – nơi mà tiếng Anh được nói nhiều thứ hai chỉ sau tiếng Thái, quá gần Trung Quốc và nằm trong tầm phủ sóng của cả Hallyu cũng như Cool Japan – đã chọn tự chủ, nghĩ khác và làm khác để trở thành quốc gia có giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đứng thứ hai ASEAN chỉ sau Singapore, và là quốc gia duy nhất trong khu vực duy trì được tỉ trọng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu sản phẩm văn hóa liên tục trong hơn 10 năm.
Đó là dựa vào những ý tưởng táo bạo như sáng kiến Thành phố sáng tạo đã thu hút tài năng và doanh nghiệp công nghiệp văn hóa trong cũng như ngoài nước. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp sáng tạo được triển khai với nhiều hình thức: đầu tư, cho vay, ưu đãi thuế, hoàn thuế, bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay quốc tế…
Thái Lan đặt mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 10% GDP theo nhiều hình thức
Ở góc độ doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp cũng đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tổ chức. Hãy xem những yếu tố này: Không buôn lậu, trốn thuế; không sản xuất hàng hóa độc hại; không nợ lương và BHXH của người lao động; không lừa đảo,… bên cạnh các quy định về pháp luật thì đây chính là những nét văn hóa biểu trưng của một doanh nghiệp chính trực. Từ đó, giành được niềm tin của thị trường, bạn hàng và ngay cả chính những người lao động trong doanh nghiệp.
Theo một khảo sát toàn cầu của ILO đã cho thấy người lao động luôn có suy nghĩ: Họ muốn thuộc về một nơi nào đó để cống hiến và tạo ra những giá trị cho tổ chức và bản thân. Nhưng tổ chức nào phù hợp?
Chính yếu tố phù hợp này đã thể hiện cốt lõi của các tổ chức là muốn thu hút, gắn kết các thành viên buộc phải dựa vào văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ tạo động lực để người lao động coi đó là ngôi nhà thứ hai của mình mà phấn đấu và cùng xây dựng. Văn hóa doanh nghiệp yếu, mỗi bộ phận phòng ban, mỗi cá nhân như một cá thể bị lạc lõng và khi có những áp lực từ công việc, các mối quan hệ sẽ khiến họ chán nản, rời bỏ tổ chức. Ngay cả việc phối hợp trong quá trình làm việc giữa các bộ phận, cá nhân với nhau cũng sẽ xuất hiện nhiều mâu thuẫn, khó đi đến thống nhất hay thấu hiểu, chia sẻ.
Với mọi doanh nghiệp, sự trung thành của khách hàng là điều quan trọng hơn cả. Lòng trung thành của khách hàng không chỉ thể hiện ở khả năng mua hàng trong quá khứ hay hiện tại mà còn ở tương lai. Bởi thế, họ vừa là khách hàng, vừa là tài sản quý của doanh nghiệp. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể thiếu nhóm khách hàng này.
Thực tế đã minh chứng: 20% khách hàng hiện tại có thể tạo ra 80% lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tập trung vào việc thu hút khách hàng mới như là một phương án giúp tăng nguồn thu nhập, nhưng thực tế là nguồn dữ liệu thống kê cho thấy doanh thu chủ yếu đến từ các khách hàng hiện tại. Khách hàng hiện tại có thể chi trả nhiều hơn đến 67% so với một khách hàng mới.
Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi: Muốn có được lòng trung thành thì phải làm thế nào?
Câu hỏi này không dễ để trả lời nhưng chắc chắn lòng trung thành của khách hàng phải được tích lũy từ những trải nghiệm tích cực về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và văn hóa doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm.
Trải nghiệm tích cực về chất lượng và văn hóa doanh nghiệp tạo ra sự trung thành của khách hàng
Đối với các doanh nghiệp muốn dẫn đầu, việc tạo ra một văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm là điều quan trọng. Nghiên cứu của Deloitte cho thấy rằng các doanh nghiệp hướng tới khách hàng đạt lợi nhuận cao hơn 60% so với những doanh nghiệp không có chiến lược định hướng khách hàng.
Định hướng khách hàng tạo ra một cộng đồng khách hàng trung thành, mang lại nhiều doanh thu hơn cho doanh nghiệp về lâu dài. Một khảo sát của Temkin cũng cho thấy, khách hàng trung thành có xu hướng mua hàng nhiều lần gấp 5 lần, mua sản phẩm mới nhiều gấp 7 lần và khả năng giới thiệu công ty của bạn cho bạn bè hoặc người thân cao gấp 4 lần. Đây là một tham khảo rất có giá trị.
Văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn mang lại lợi ích cho nhân viên của doanh nghiệp. Một nghiên cứu của SurveyMonkey cho thấy những nhân viên làm việc trong một công ty lấy khách hàng làm trung tâm cảm thấy mình được trân trọng. Khi họ cảm thấy rằng người lãnh đạo của họ coi trọng khách hàng thì mức độ gắn kết với tổ chức sẽ cao thêm ít nhất là trong 2 năm.
Bên cạnh đó, khi sản phẩm của các doanh nghiệp có sự tương đồng thì khách hàng sẽ chọn sản phẩm nào? Doanh nghiệp của bạn sẽ bán với giá bao nhiêu hay phải giảm giá đến đồng cuối cùng không còn lợi nhuận để đi đến phá sản?
Khi đó, văn hoá doanh nghiệp sẽ là sự cân nhắc cho sự lựa chọn trung thành của khách hàng. Vậy văn hoá chính là lợi thế cuối cùng trong vũ khí cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia hay doanh nghiệp hiện nay.
Vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế bền vững đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đảng ta đã xác định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và hoàn thiện thị trường văn hoá. Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngày 03/12/2022, Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” được tổ chức long trọng càng khẳng định thêm những yêu cầu cấp bách đối với văn hóa doanh nghiệp.
Diễn đàn là dịp để tổng kết việc thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Gama Việt Nam là công ty duy nhất trong ngành thang máy được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022.
Gama Việt Nam là một trong số 24 doanh nghiệp được vinh danh tại Diễn đàn
Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật